Cô gái người Bắc Giang Vương Thị Huyền đến với cử tạ ở đội Hà Nội lúc đã 16, độ tuổi quá muộn cho sự khởi đầu, lúc các đồng đội có thâm niên ít nhất 3-4 năm. Hiểu rõ xuất phát điểm hạn chế của mình, Huyền chỉ còn cách lao vào tập luyện để bù lại. Không chỉ luôn hoàn thành xuất sắc bài tập các HLV giao mỗi ngày, cô còn “xung phong” nhận thêm khối lượng và miệt mài nâng hạ những trái tạ sau mỗi buổi. Nhờ thế, chỉ mất hai năm, Huyền đạt tới trình độ, thành tích của một đô cử từng tập 5-6 năm.
Kể từ năm 2012, Huyền trở thành đô cử số một hạng 48kg tại các giải trẻ quốc gia với thông số chuyên môn cao nhất nhì Việt Nam. Một năm sau đó, cô được đặc cách lên tập huấn tuyển Việt Nam. Đúng thời gian ngất ngây sung sướng được làm tuyển thủ quốc gia, Huyền phải gánh chịu nỗi đau lớn nhất cuộc đời khi người mẹ ở quê bất ngờ ra đi vĩnh viễn. Đến giờ, nữ lực sĩ tưởng như sắt đá mà lại mau nước mắt vẫn ân hận vì mình không kịp nhìn mặt mẹ lần cuối. Không biết bao nhiêu ngày, Huyền cứ vừa nâng tạ vừa rơi nước mắt vì nhớ và thương mẹ, rồi buổi tối lại ngồi lặng lẽ khóc trong phòng. Nỗi đau của một người con gái xa quê mồ côi mẹ được Huyền mang cả vào những trái tạ vô cảm, với quyết tâm và nỗ lực tới tận cùng.
Cuối năm 2014, Vương Thị Huyền mới bắt đầu được giới chuyên môn chú ý khi tạo nên kỷ lục sáng giá nhất tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014 với tổng cử 181kg, hơn mức cũ tới 5kg. Đến năm nay, đô cử mồ côi làm nên cuộc đột phá khó tin, để gần như từ một gương mặt vô danh bước lên đỉnh cao châu lục và thế giới.
Tại giải châu Á hồi tháng 9, đô cử trước đó chưa từng có thành tích quốc tế nào làm đảo lộn cuộc đấu hạng 48kg nữ khi giành cú đúp HC vàng. Tại giải thế giới, Huyền lại tiếp tục gây sửng sốt cho làng cử tạ quốc tế khi đoạt hai HC bạc, một HC đồng hạng 48kg. Nội dung cử giật Huyền đạt thành tích 85kg, giành HC bạc, kém 3kg so với người đứng đầu Jiang Huihua (Trung Quốc). Nội dung cử đẩy cô nâng 109kg, giành HC đồng, sau Jiang Huihua và và Ri Song Gum (CHDCND Triều Tiên). Tính tổng cử, tài năng trẻ Việt Nam đoạt HC bạc với 194kg, kém đối thủ Jiang Huihua 4kg, nhưng lại vượt đương kim Á quân Olympic người Nhật Bản Hiromi Miyake 1kg.
Mức tổng cử 194kg của Huyền còn mở thêm một “cửa” rất sáng cho hy vọng tranh chấp huy chương tại Olympic 2016. Thành quả 194kg của Huyền vượt qua mức HC đồng Olympic 2012 của Ryang Chun Hwa (CHDCND Triều Tiên) tới 2kg và cũng chỉ kém 3kg so với mức HC bạc của Hiromi Miyake (Nhật Bản) - người mà Huyền đánh bại tại giải thế giới.
Sau giải thế giới, Huyền vẫn chưa giành được suất chính thức tới Olympic 2016 vì Liên đoàn cử tạ quốc tế mới xét tiêu chuẩn đầu tiên thông qua xếp hạng đồng đội, trong khi đội nữ Việt Nam quá yếu. Tuy nhiên, chắc chắn Huyền sẽ đoạt vé khi Liên đoàn xét đến tiêu chuẩn cá nhân trực tiếp nhờ chiến tích hai HC bạc, một HC đồng tại giải thế giới 2015. Thêm suất của Huyền, cử tạ Việt Nam sẽ có tới 4 đại diện (trước đó là ba suất của nam) tại Olympic trên đất Brazil. Vương Thị Huyền cùng Thạch Kim Tuấn là hai niềm hy vọng vàng của cử tạ Việt Nam.
Thư Minh