Chiều 5/12, anh Lê Hữu Hòa (27 tuổi), kỹ sư cầu đường thi công tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đi kiểm tra rào chắn. Khi đến xã Tam Nghĩa (Núi Thành, Quảng Nam), anh phát hiện con voọc chà vá đang nằm bên đường trong tình trạng sức khỏe yếu, xung quanh không có rừng nhiều.
Sợ voọc thiếu thức ăn và chết, anh Hòa bắt về và tối cùng ngày thì bàn giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi).
Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Bình Sơn, ông Đỗ Văn Của, cho biết con voọc chân đen nặng khoảng 5 kg. "Hiện nó vẫn yếu, đơn vị đang liên hệ các lực lượng cứu hộ để bàn giao chăm sóc", ông nói.
Chà vá chân đen (Pygathrix nigripes) thuộc họ khỉ ăn lá đặc hữu của Việt Nam và Campuchia, được giới khoa học biết đến năm 1871, nhưng mãi cuối thế kỷ 20 mới được kết luận là một loài riêng.
Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), voọc chân đen là loài quý hiếm, đang đối diện nguy cơ tuyệt chủng, đứng thứ hai trong danh mục đỏ của IUCN.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài gần 140 km, có tổng vốn hơn 34.500 tỷ đồng. Đây là cao tốc đầu tiên ở miền Trung, đi qua Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, nhiều đoạn băng qua rừng trồng.