Anh YKam Arong, con ông YKam ARết, do sơ suất trong lao động nên bị tai nạn, phải điều trị tại Viện Mắt TP HCM. Ông Arết phải khăn gói từ ĐăkLăk xuống Sài Gòn để chăm con. Con ông nằm viện được vài ngày, một hôm có một phụ nữ đến chỗ ông, lân la làm quen, ra chiều thân mật như đã quen biết từ lâu. Tự giới thiệu là Lan, người của một tổ chức từ thiện. Lan ân cần thăm hỏi bệnh tình con trai ông, tỏ sự thông cảm và sẵn lòng "tốt". Lan mách ông cách làm thủ tục nhận tiền từ tổ chức từ thiện của mình. Lần đầu "xuống núi", gặp được "người tốt" như thế, ông dễ dàng tin và nhờ cậy.
Sau mấy ngày cò cưa, tiếp cận "con mồi", sáng hôm đó, Lan dẫn ông đi lĩnh... 7 triệu đồng tiền tài trợ. Đợi mãi đến chiều tối không thấy cha về, anh ARong nhờ thân nhân người nằm giường bên cạnh tìm giúp mới phát hiện ra ông già đang nửa tỉnh nửa mê như kẻ mộng du, vật vờ lê từng bước trên con đường gần đó, còn số tiền 1,3 triệu đồng ông mang theo để lo thuốc thang cho con đã "một đi không trở lại"...
Đội quân "ký sinh" này có đủ món nghề để qua mắt đội ngũ bảo vệ, gây ra không biết bao nhiêu vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. "Nghề" sống ký sinh có thiên hình vạn trạng: trộm cắp, móc túi, rạch bao, xách giỏ, lừa đảo... Có bao nhiêu mánh khóe để chôm chỉa, chụp giật, lừa lọc đều được họ sử dụng...
Anh Nguyễn Văn Đương, Đội trưởng Bảo vệ Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, tổng kết, thủ đoạn mà bọn gian thường áp dụng nhất hiện nay là giả làm người đi thăm bệnh nhân, lân la đến cửa phòng, nhất là các phòng dịch vụ, chờ lúc bệnh nhân ngủ, chúng lẻn vào và cuỗm đồ đạc, tư trang. Song đây là kiểu trộm cắp "cổ xưa", bởi chúng không chỉ nhắm vào người bệnh mà phần lớn nhắm vào những thân nhân nuôi bệnh.
Anh Đương kể, năm ba năm trước, hình thức mà chúng áp dụng là giả làm thân nhân người bệnh, lân la làm quen với người nhà bệnh nhân khác, tỏ ra thân thiện để có cơ hội dòm chỗ cất tiền. Được một hai hôm, chúng sẽ giả vờ gửi giữ hộ túi xách (thường chỉ đựng toàn giẻ rách) để tạo lòng tin. Chờ lúc người ta nhờ chúng trông hộ túi xách là chúng hành động.
Một chiêu khác chúng sử dụng là giả làm nhân viên y tế, bảo có quen bác sĩ này, bác sĩ nọ. Đến khi người nhà nhờ chúng đóng viện phí cho nhanh thì lúc ấy chúng có điều kiện để... chôm chỉa. Ở một số bệnh viện phụ sản, chúng còn sắm vai ông chồng chở bà vợ đi khám thai. Thừa lúc thai phụ vào khám để quần áo đâu đó thì "bà bầu" kia lập tức gom góp rồi chuồn.
Hiện ở nhiều bệnh viện, một số kẻ lợi dụng việc bán hàng rong để khi thấy sơ hở là "cuỗm" đồ của bệnh nhân và thân nhân nuôi bệnh. Một thủ đoạn nữa thường được dùng là bỏ thuốc mê vào nước rồi tìm cách cho "con mồi" uống. Không chỉ trộm cắp một mình, bọn chúng còn tụ tập thành băng nhóm. Ở bệnh viện nào cũng có băng nhóm trộm cắp.
Một thực tế là số người ở các bệnh viện bao giờ cũng rất đông. Vì thế khó tránh khỏi tình trạng kẻ gian trà trộn vào để thực hiện hành vi bất chính. Phần lớn bà con khi vào các bệnh viện luôn có tâm lý đây là nơi an toàn nhất nên dễ mất cảnh giác. Trong mắt của bà con, ở bệnh viện, trừ đội ngũ y, bác sĩ ra chỉ có người bệnh và thân nhân. Đánh vào lòng người, bọn lừa đảo thường giở trò nói ngon nói ngọt để làm quen và tạo lòng tin. Nhiều trường hợp do vô tình bà con lại đứng ta che chở cho chúng.
Theo ANTG, để qua mắt bảo vệ, bọn trộm có đủ mưu ma, chước quỷ. Trường hợp một nữ quái đã cao tuổi ở Bệnh viện Chợ Rẫy, bị bảo vệ theo dõi rát quá, bèn "đào tạo" 3 nhóc để dương đông kích tây, thu hút sự chú ý của lực lượng bảo vệ, cho bọn tiểu yêu ra tay hành động. Với bọn đầu trộm đuôi cướp này, nếu không bắt tận tay chúng là không thể làm gì được chúng. Thậm chí, hễ động đến, chúng còn lăn ra ăn vạ đòi bồi thường... danh dự.
Khi có những biến cố xảy ra, các bệnh viện mới báo lên công an để cùng phối hợp triệt phá. Còn thì, phương châm của họ vẫn là "Phòng bệnh hơn chữa bệnh". Chính vì thế, nhiều kẻ sống lười ăn bám vẫn như những con ngựa quen đường cũ, bị tạm giam vài ba hôm được về nhà, lại vẫn chứng nào tật ấy. Đó là một trong những điều kiện khiến nạn trộm cắp vẫn tồn tại dai dẳng trong các khuôn viên bệnh viện.