Sau kỳ nghỉ lễ gộp Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5, "hội công sở" sẽ được nghỉ lễ tiếp vào dịp Quốc khánh (2/9). Vì lễ rơi vào thứ Bảy nên số lượng ngày nghỉ có thể nhiều hơn số ngày luật quy định. Người lao động có thể được nghỉ 4 ngày liên tục. Nhiều nhân viên văn phòng đang trong trạng thái đếm từng ngày, thậm chí đã lập kế hoạch chi tiết cho "chuỗi ngày nghỉ dưỡng" sắp tới.
Đã vài ngày trôi qua, quần áo vẫn nguyên vẹn trong vali, Ngọc Châu (nhân viên văn phòng, 24 tuổi, TP HCM) chẳng buồn cất lại vào tủ. Cô vẫn chưa muốn tin vào sự thật rằng kỳ nghỉ đã kết thúc. Hơn quá nửa thời gian ngồi trước máy tính, Châu luôn cảm thấy mơ màng, loay hoay và chán chường. Thay vì vực dậy tinh thần làm việc, cô chọn cách lên ý tưởng cho kỳ nghỉ sắp tới cùng gia đình, bạn bè để nguôi ngoai cảm giác trống rỗng.
Ngọc Châu nói: "Những ngày qua, tôi đến công ty mà không làm được gì. Tôi chỉ ngồi nghe nhạc, xem phim, nghịch điện thoại, nói chuyện với đồng nghiệp, chat với bạn bè và toàn đếm ngược thời gian đến lúc được ra về. Đã vậy, mọi người xung quanh tôi đều bàn tán về chuyện 2/9 này về quê hay đi du lịch, được nghỉ bao nhiêu ngày, có nên nghỉ thêm không, làm tôi cũng bị 'cuốn' theo. Vì vậy, tôi gần như 'chat toàn thời gian' với bạn bè ở quê để bàn về chuyến đi Đà Lạt kỳ lễ tới. Hiếm khi được nghỉ nhiều ngày lần nữa nên chúng tôi rất háo hức bởi lần vừa rồi, cả đám sợ bùng dịch, phong tỏa nên chẳng dám đi đâu xa cùng nhau".
Cả 8 tiếng ngồi trên công ty, Châu chỉ toàn "dạo chơi" trên các trang web đặt khách sạn, vé máy bay... để so sánh giá giữa các bên. Thậm chí, cô còn chăm chỉ lướt các sàn thương mại điện tử để tìm sẵn quần áo, giày dép và phụ kiện phù hợp địa điểm du lịch. Theo Châu, cô muốn chuẩn bị sớm để tránh tình trạng cập rập, bị ép giá, quan trọng là những việc này có thể giúp cô "kéo mood" và tăng thêm động lực làm việc.
Không chỉ đếm từng giờ tan làm như Ngọc Châu, Khánh Linh (nhân viên văn phòng, 27 tuổi, TP HCM) còn đếm từng ngày đến đợt nghỉ lễ tiếp theo. Nói về điều này, cô cho biết: "Tôi thường xuyên cáu gắt, trở nên mất bình tĩnh vì phải đi làm. Trong khi đó, bạn bè tôi vẫn đang ở quê nhà tụ tập đi chơi, cà phê và các hoạt động khác bởi công ty của họ cho phép làm từ xa. Mỗi khi lướt mạng xã hội, nhìn những tấm ảnh vui chơi được đăng tải mà không có mình, tôi không tránh khỏi sự bực bội, ức chế. Tôi không có cách nào làm giảm thiểu sự khó chịu của bản thân ngoài việc 'lên plan' cho Quốc khánh năm nay. Không cần biết tới đó có 'bể kèo' hay không, tôi và hội bạn vẫn cứ hăng say 'vẽ' nên bức tranh tuyệt vời để níu kéo kỳ nghỉ 30/4".
Trái lại, Ngọc Tuyền (nhân viên văn phòng, 30 tuổi, TP HCM) chọn cách lập kế hoạch cho tương lai gần để vơi đi cảm giác lưu luyến "kỳ nghỉ". Mỗi một tháng lương, cô luôn dành ra một phần ba thu nhập sử dụng cho những chuyến du lịch hoặc các đợt nghỉ lễ dài, nên việc trở lại với guồng quay công việc không quá kinh khủng như bao người. Là một người đam mê "xê-dịch" và cầu toàn, Tuyền bắt đầu chuẩn bị dần sau khi có lịch nghỉ 2/9.
Nói về điều này, Ngọc Tuyền cho biết: "Chắc một phần do tôi đã đi làm lâu, phần tuổi tác cũng không còn quá nhỏ nên tôi dễ lấy lại cân bằng hơn các bạn trẻ. Sau mỗi đợt như vậy, tôi lại mong được kiếm nhiều tiền hơn, được đi làm trở lại để thêm thu nhập, lấy đó làm động lực cho kỳ nghỉ tới đây được tận hưởng và tiêu xài nhiều hơn. Quốc khánh này, tôi có dự định đi Hàn Quốc nên mọi thứ cần chuẩn bị từ sớm, nhất là kinh phí và xin visa. Với tôi, cách tốt nhất để lấy lại mood làm việc và có động lực 'cày' là vừa làm, vừa lên kế hoạch ăn chơi cho kỳ nghỉ tới".
Trải qua kỳ nghỉ dài, nhiều người thường có tâm lý dễ dãi, nuông chiều chính mình, không sống và tuân thủ đúng với kế hoạch đề ra như mọi ngày. Trong đầu nhiều bạn trẻ chỉ toàn nghĩ đến việc ăn gì, chơi gì cho đợt nghỉ lễ tiếp theo hơn là làm gì đó cho công việc.
Để nhanh chóng bắt nhịp lại, trang CNN travel cho rằng "hội công sở" phải nghiêm khắc với bản thân từ bây giờ, sớm lập lại trật tự và nhịp sinh học vốn có trước đó. Nếu không, Quốc khánh còn chưa đến thì bạn đã phải nói "lời tạm biệt" với chỗ làm hiện tại vì bỏ bê công việc.
1. Đừng quá gò bó bản thân
Hầu hết mọi người thường cảm thấy quá tải với danh sách nhiệm vụ dài đằng đẵng ngay khi trở về, hoặc bắt tay ngay vào giải quyết các đầu việc với tốc độ cực nhanh. Điều này dễ gây ức chế do thay đổi môi trường quá đột ngột. Chẳng ai có thể vui vẻ tiếp nhận khi tối qua họ còn đang quây quần bên gia đình, vui chơi cùng bạn bè mà nay đã ngồi trước máy tính với hàng tá deadline. Hãy để mình 'thở' một chút, bằng cách từ từ phản hồi lại những luồng mail công việc. Chắc chắn, bạn sẽ được thông cảm vì đôi khi họ cũng đang trong "tình trạng" tương tự.
2. Tiếp tục tận hưởng 'kỳ nghỉ' theo cách khác
Theo các chuyên gia, kết thúc kỳ nghỉ không đồng nghĩa kết thúc cuộc vui. Bạn có thể tìm cách có thêm một chút cảm giác "nghỉ dưỡng" đó nếu áp dụng nó vào cuộc sống ở thành phố mình đang làm việc. Ví dụ, bạn có thể đi ăn thử ở một nhà hàng mới hoặc đi dạo ở con đường chưa bao giờ ghé qua. Ngoài ra, bạn có thể rủ vài bạn bè "đồng hương" đi thưởng thức một số đặc sản ở quê nhà hoặc nhờ ba mẹ gửi đồ từ quê vào, giúp nguôi ngoai cảm giác nhớ gia đình.
3. Thể hiện sự biết ơn
Đừng nuối tiếc hay oán trách khi kỳ nghỉ đã qua. Bạn nên biết ơn vì bản thân đã có những trải nghiệm tuyệt vời, đáng nhớ những ngày qua. Thế nên điều tiếp theo bạn cần làm là thoát khỏi tâm trạng tiêu cực và tiếp tục "chiến đấu" với công việc. Đừng khiến chính mình trở nên xấu xí, cực đoan khi vừa "chữa lành tinh thần" sau mùa lễ hội.
4. Tập thể dục
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh tập thể dục sẽ giúp ít nhiều cho việc chống lo âu và trầm cảm. Thông qua đó, cơ thể được cải thiện giấc ngủ, hạ huyết áp, giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng.
5. Tâm sự với mọi người
Hãy chia sẻ tâm trạng, sự khó chịu của bạn ngay lúc này cho gia đình, bạn bè hoặc người yêu. Điều này giúp bạn giải tỏa được tâm trạng, dễ kiểm soát cảm xúc, quan trọng là hạn chế được những suy nghĩ tiêu cực.
Vy Trần