Bị bắt từ đêm lễ hội pháo hoa 30/4/2011, nhưng phải hơn 2 năm sau cơ quan điều tra mới hoàn tất hồ sơ truy tố Đặng Ngọc Tân ra trước pháp luật với hành vi Trộm cắp tài sản. Suốt 3 phiên xử, từng kỹ nghệ "phù phép” tài sản của siêu trộm này dần được hé lộ.
Trong suốt 3 năm ở Đà Nẵng hành nghề trộm cắp, Tân luôn đánh lừa mọi người xung quanh với vỏ bọc là một đại gia buôn đồ cổ có tiếng ở Đà Nẵng, Hội An, Hà Nội… Có lúc “siêu trộm” lại trong vai “cò đất” để hợp thức hóa số tài sản phạm pháp có được.
Siêu trộm Đặng Ngọc Tân kể “cách tiêu tiền”. Ảnh: Nga Sơn |
Trong 36 vụ trộm trót lọt, Tân có những “phi vụ vàng” khi trong một lần đột nhập đã lấy đi 110 cây vàng SJC từ một nhà quan chức trên đường Núi Thành. Vụ trộm ở số nhà 182 Lý Tự Trọng và số nhà 16 Đào Duy Anh, Tân lấy được hơn 1,6 tỷ đồng đi mua ôtô Toyota Venza. Chiếc xe với biển số “điệp viên” 0007 này sau đó do bố mẹ vợ Tân đứng tên chủ sở hữu.
Trước tòa, Tân cùng bố mẹ vợ một mực phản cung. Tân khẳng định bố mẹ mình là người cũng có tài sản, dù không muốn khoe khoang. Việc đi xem xe và giao dịch "chỉ là bị cáo làm giúp bố mẹ". Tuy nhiên HĐXX có đủ bằng chứng luận tội chính Tân dùng số tiền trộm được để mua xe. Chiếc xe này cũng do vợ chồng Tân sử dụng.
Bị cáo chung sống với người phụ nữ từng có một đời chồng và hai con nhỏ vào năm 2009, cả hai cùng tiêu xài tiền Tân trộm được. Tân đưa ra lý giải mỗi tháng chỉ từ Hà Nội vào Đà Nẵng vài ngày. “Khi đó tôi thuê khách sạn ở và Dương có đến chỗ tôi. Nhưng không phải là sống chung. Chuyện nam nữ yêu nhau mỗi tháng gặp nhau vài ngày ở khách sạn là chuyện thường”.
Tuy nhiên trước vành móng ngựa, sự bào chữa của siêu trộm bị vạch trần khi VKS chỉ rõ Tân đã có với Dương một cô con gái vào năm 2009. Sau khi dọn về ở chung tại một căn nhà sang trọng, cả hai mới làm giấy đăng ký kết hôn. Mỗi tháng Tân đưa cho Dương từ 15 đến 20 triệu đồng tiêu xài.
Tỏ ra là người chăm sóc gia đình, Tân nói chỉ đi hành nghề vào khoảng thời gian từ 18 đến 20h để “không ảnh hưởng đến vợ con” và “không để vợ con biết việc mình làm" vì cần "xấu che tốt khoe". Khi bị công an bắt giữ vào ngày 30/4/2011, Tân cũng khéo tạo bằng chứng ngoại phạm bằng việc “đang chở con đi chơi”.
“Siêu trộm” một mực tự bào chữa mình chỉ thực hiện 29 vụ trộm trong số 36 vụ trót lọt theo cáo buộc của VKS. Cùng vẻ mặt bình thản, Tân kể vanh vách 7 vụ mình không tham gia, nhớ cụ thể từng số nhà, tên đường. “Bởi với tôi mỗi vụ trộm là một kỷ niệm, tôi nhớ tất tần tật. Tôi không chối tội nhưng chỉ nhận những việc mình làm”.
Các bị cáo trước tòa. Ảnh: Nga Sơn |
Theo Tân, sau 29 vụ trộm, hắn chỉ lấy được hơn 8 tỷ đồng. Đầu tháng 10/2010, Tân mang 106 lượng vàng ra Hà Nội bán lấy hơn 3,3 tỷ đồng góp vốn làm ăn với người quen kinh doanh điện thoại di động. Tuy nhiên lời khai của bị cáo không trùng khớp, khi công an xác minh tiệm vàng Tân khai không mua vàng từ bị cáo này, người bạn buôn điện thoại di động mà Tân nói đã chết.
“Ngoài số tiền bị cáo khai là góp vốn làm ăn, số tiền còn lại bị cáo ăn chơi những gì mà hết cả mấy tỷ đồng”, thẩm phán hỏi. Tân trả lời tỉnh bơ: “Đã là ăn chơi thì 40 đến 50 tỷ đồng còn hết, nói gì đến vài tỷ đồng”. Tân còn khoe mình là kẻ hào phóng, khi sẵn sàng cho người quen hơn 70 triệu đồng tiêu xài vì là chỗ “anh em tình thương mến thương”.
Công an xác định, trong thời gian này, tài khoản cá nhân Tân mở ở Đà Nẵng được chủ nhân nộp vào khoản tiền 3,4 tỷ đồng. Nghĩ đã qua mặt được nhiều người, Tân về lại Đà Nẵng tiếp tục rút tiền gửi vào tài khoản của mẹ ruột để mua lô đất ở phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) với giá hơn 2,5 tỷ đồng. Người đứng tên chủ sở hữu cũng là người thân của vợ chồng Tân.
Khi phiên sơ thẩm kết thúc, Tân bị tuyên án chung thân. Tài sản là chiếc ôtô Venza cùng lô đất của Tân mua được từ tiền trộm cắp bị tịch thu để thi hành án.
Nga Sơn