Tranh được vẽ trong hốc cầu thang. |
Vẽ tranh chạy giải tỏa |
Bây giờ mốt vẽ tranh tường để ăn tăng tiền giải toả đã xưa rồi. Mặc dù theo quyết định số 3296 của UBND TP (dành cho các loại mộ xây có trang trí, chạm trổ hoa văn): cứ 1m2 được vẽ hoa văn bằng sơn thì được đền bù 150.000 đồng/m2. Tính công thợ vẽ cộng với các khoản sơn, phụ liệu khác kể cả ăn uống, bia bọt thì cũng chỉ tốn khoảng 70.000 đồng/m2, còn lời chán!
Chính vì vậy mà chỉ trong vòng một tuần số lượng tranh tường được vẽ trong khu vực giải tỏa dự án đường Điện Biên Phủ cũng lên đến khoảng 1.500 m2. Thứ tranh “nghệ thuật” này được vẽ khắp nơi, từ trong ra ngoài, từ hốc cầu thang đến tận phòng ngủ, nhà vệ sinh.
Hòn non bộ này vừa mới hoàn thành cách đây 15 ngày, mặt tiền được "thiết kế" xoay ra phía đường... để đón cán bộ giải tỏa đến áp giá. |
“Không chơi tranh như dân đường Điện Biên Phủ nữa, tụi tui giờ chơi thứ “nghệ thuật” khác đắt giá hơn, tiền đền bù nhiều hơn”, Hưng trú tại tổ 33 (An Khê,Thanh Khê) tiết lộ. Lân la ở xóm nhà chuẩn bị giải tỏa tại các tổ 31, 33, 36, PV Tuổi Trẻ phát hiện môn nghệ thuật được chọn thay thế cho tranh vẽ ấy chính là hồ cá và hòn non bộ. Hàng trăm hồ cá, hòn non bộ được các hộ dân cấp tốc xây ngày xây đêm...
Và các khoảnh sân bé nhỏ của hàng trăm ngôi nhà cấp bốn lụp xụp tại các khu sắp giải tỏa thuộc dự án khu dân cư Phần Lăng II đã kịp xuất hiện những hồ cá và hòn non bộ mới xây. Do diện tích quá chật chội nên nhiều gia đình phải xây hồ cá ngay cửa ra vào.
Tại một số hộ, người “chơi” hồ cá tận dụng các vật liệu như gạch, đá lót tường vỡ để “thiết kế” nên một hòn non bộ với đủ màu sắc tạp nham trông rất kệch cỡm, lố bịch. Xong phần non bộ, chủ nhà chỉ việc ra sau vườn nhà nhổ vài cây bồ đề đem nhét vào trong các khe đá, vậy là hoàn tất một “tác phẩm nghệ thuật”.
Tất nhiên toàn bộ các hồ cá này đều không hề được dùng để nuôi cá mà lại để “nuôi” niềm tin cán bộ sẽ đến áp giá. “Giá được áp cho một hòn non bộ này là bao nhiêu?”, nghe hỏi, anh Nam trú tổ 36, An Khê trả lời một cách rành mạch: “Phần hồ chắc đền bù không bao nhiêu, ăn nhau là ở phần non bộ.
Càng “nghệ thuật” chừng nào thì giá đền bù sẽ cao lên chừng đó. Cán bộ nào “đồng cảm” với thú chơi đầy nghệ thuật này thì cho giá đền bù cao, còn gặp người nào “khô khan” thì nhẹ tay. Nhưng dù sao cũng lời chán”. Nói thì nói vậy nhưng các hộ dân đang xây bể cá, dựng hòn non bộ ở khu dân cư Phần Lăng đều biết chiếu theo quyết định 3296 thì 1m2 trang trí hình đắp nổi sẽ được Nhà nước đền bù 250.000 đồng; chạm trổ bằng ximăng khảm sành sứ, thủy tinh 600.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn Tiến, trưởng ban giải tỏa đền bù số 2, phụ trách dự án Điện Biên Phủ và Phần Lăng II, cho biết: “Đã có trên 1.500 m2 tranh các loại được vẽ, số tiền Nhà nước phải đền bù không dưới 500 triệu đồng”. Theo ông Tiến, việc đền bù tường có tranh vẽ chỉ áp dụng đối với lăng mộ.
Tuy nhiên quyết định (số 3296 ra ngày 9/5/2002) của TP Đà Nẵng lại không ghi rõ là chỉ dành cho tường lăng mộ nên người dân cứ thế thuê thợ vẽ lên tường với hy vọng sẽ được hỗ trợ đền bù. “Sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi không đền bù mà chỉ hỗ trợ khoảng 30% giá trị công trình, so với mức đó các chủ hộ cũng chỉ vừa đủ vốn mà thôi”, ông Tiến khẳng định.
Còn hồ cá, hòn non bộ, ông Tiến cho biết: “Với những hồ nhỏ hơn 2m3 sẽ được áp giá 263.000 đồng/m3, hồ càng lớn giá đền bù càng giảm. Tuy nhiên, hòn non bộ hiện chưa có khung giá nên nó được căn cứ vào cấu trúc, trang trí...”.