![]() |
Ngôi nhà nơi diễn ra cái chết đau lòng của Giàng Thị Sế. |
Bởi lá ngón chứa loại độc tố hữu cơ, có khả năng gây chết nhanh, đồng thời phân hủy cũng rất nhanh. Do vậy, để “túm áo tử thần”, CQĐT phải thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhanh chóng, tỉ mỉ, chuẩn xác với một quá trình đầy gian nan, khổ ải...
Các điều tra viên Công an tỉnh Điện Biên thường xuyên phải đối mặt với những vụ án, những cái chết do ăn “nhầm” lá ngón. Đi đến hiện trường của một vụ án ở vùng cao, có khi phải vượt suối băng rừng mất vài ngày. Trong khi đó thi thể nạn nhân đã trong tình trạng phân hủy, mất dấu vết, nên gặp nhiều khó khăn trong điều tra phá án.
Trong vụ án giết người do Thào Thị Bia gây ra, sau khi bị bắt, Bia khai nhận đã đầu độc chồng, con, cháu bằng rễ cây lá ngón... Do chồng và con gái của Bia đã chết từ nhiều năm trước nên CQĐT phải khai quật tử thi, lấy mẫu xét nghiệm gửi xuống Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an để giám định.
Tại biên bản giám định “thành phần độc chất của cây lá ngón trong xương và các bộ phận khác của hai nạn nhân Hạng Chư Dính, Thào Thị Mang (chồng và con gái Bia), do Viện KHHS trả lời CQĐT tỉnh Điện Biên vào ngày 15/2/2006 ghi rõ: “Cây lá ngón (Gelsenium Elengans Loganaceal) thuộc loại cây rất độc và có các Ancaloid độc... Các Ancaloid độc nói trên cùng các chất hữu cơ trong cơ thể người đã được chôn cất từ năm 2002 và năm 2004, đều bị phân hủy. Vì vậy, không thể xác định các Ancaloid độc nói trên của cây lá ngón trong xương, tóc, răng, móng chân, móng tay của hai nạn nhân nói trên”.
Từ kết quả này, Bia chỉ bị tòa xử 20 năm tù vì đã giết cháu nội của mình. Theo các quy định của luật pháp, tòa không có đủ bằng chứng buộc tội bị cáo về 2 cái chết trước đó, mặc dù Bia đã thành khẩn khai nhận.
Trung tá Hoàng Xuân Châu, cán bộ Công an tỉnh Điện Biên cho biết: “Đối với những trường hợp chết do ăn phải lá ngón, hay bị đầu độc bằng lá ngón, chất độc trong thi thể nạn nhân tan biến rất nhanh. Bởi lá ngón là loại độc tố hữu cơ, có khả năng gây chết rất nhanh và đồng thời phân hủy cũng nhanh. Chúng tôi từng phải điều tra hàng năm trời nhiều vụ tự tử, hay đầu độc bởi lá ngón”.
Tháng 12/2004, tại bản Phi Hai, xã Sá Tổng, huyện Mường Chà, có một người phụ nữ 20 tuổi tên là Giàng Thị Sế, chết tại gia đình nhà chồng. CQĐT khám nghiệm thi thể nạn nhân, thấy không có dấu vết tác động ngoại lực. Các biểu hiện bên trong phủ tạng nạn nhân, bằng kinh nghiệm mắt thường có thể khẳng định: nạn nhân chết do ăn phải lá ngón. Sau đó, nguyên nhân chết được xác định là cô Sế đã tự tử bằng lá ngón.
Tính riêng năm 2006, tỉnh Hà Giang có gần 100 phụ nữ tự tử bằng lá ngón. Tại tỉnh Điện Biên, theo thống kê mới nhất do Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội cung cấp: Năm 2005, đã xảy ra 31 vụ tự tử, làm 32 người chết, trong đó có 26 người chết bởi lá ngón. Năm 2006, có 30 vụ tự tử thì 29 nạn nhân chết bởi lá ngón. Riêng 6 tháng đầu năm 2007, đã có 21 người chết vì ăn lá ngón. Từ năm 2001 đến nay, Điện Biên Đông có 42 vụ tự tử bằng lá ngón làm 43 người chết. Năm 2004 có 23 vụ tự tử làm 27 người chết... |
Không lâu sau, cha mẹ đẻ Sế phát đơn tố giác gia đình nhà chồng của cô đã cùng nhau giết hại Sế rất dã man... Trong vòng 2 năm, Công an tỉnh Điện Biên đã trả lời không biết bao nhiêu đơn thư cho gia đình, rồi gửi hàng chục công văn đến các cơ quan chức năng đề nghị xác định chất độc lá ngón trong phủ tạng nạn nhân, tuy nhiên mọi kết quả đều trả lời là không có độc tố này. Gia đình nạn nhân kiện vì họ cho rằng, con họ bị bóp cổ, bị đánh gãy cổ... Lý do của vụ kiện là do dàn xếp đền bù giữa hai bên gia đình không thỏa đáng, một số kẻ xấu ở địa phương cố tình kích động, dựng chuyện.
Ngày 17/7/2006, Thượng tá Nguyễn Đình Du, Trưởng phòng CSĐT TP về TTXH, Công an tỉnh Điện Biên phải đứng ra chủ trì cuộc hội thảo nhằm làm rõ nguyên nhân cái chết của Giàng Thị Sế. Cuộc hội thảo diễn ra 2 ngày, họ tiến hành xem xét trên cơ sở khoa học, đúng quy định của pháp luật...
Ông Nguyễn Thế Cường, đại diện tổ chức Y pháp tỉnh Điện Biên, là người trực tiếp khám nghiệm tử thi Giàng Thị Sế ngay tại hiện trường nhận định rằng: “Khi chết, cô Sế đang trong giai đoạn cho con bú, chết trong lúc đói nên dạ dày không có thức ăn. Trong hoàn cảnh ấy, chỉ cần một lượng độc tố rất nhỏ của lá ngón, cũng có thể gây tử vong tức thì. Lúc khám nghiệm tử thi, có tìm thấy rất ít chất lá rau màu xanh ở trong dạ dày (nghi là lá ngón). Thêm vào đó, tất cả các biểu hiện về cái chết của nạn nhân như “dịch bọt ở mũi có màu trắng giống như triệu chứng ngộ độc lá ngón; nếu bị giết do tác động cơ học, hoặc bị ngạt thì dịch bọt ở mũi phải có màu hồng...”.
Thượng tá Du cho biết: “Kết thúc cuộc hội thảo hy hữu này, cả gia đình nạn nhân Giàng Thị Sế, cùng những cán bộ bản Phi Hai, xã Sá Tổng, huyện Mường Chà ra về trong mãn nguyện. Sau hôm ấy, họ đã bắt tay các cán bộ điều tra vụ án và bảo: “Cái cán bộ làm như thế này, thì ta ưng cái bụng rồi...”.
(Còn nữa)
(Theo Gia Đình Xã Hội)