Chị Trần Thị Kim Liên, 48 tuổi, hiện sống và làm việc tại tỉnh Hải Dương, bắt đầu chơi hoa từ năm 2013. Thời gian đầu, chị không có nhiều kinh nghiệm chăm hoa nên đã khiến một vài gốc hồng bị chết. Chán nản, chị bỏ cuộc một thời gian. Sau đó, chị Kim Liên bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn, đọc nhiều tài liệu và quyết định trồng hoa trở lại vào khoảng Tết 2017. Khi thấy hoa đã sống khỏe, nở rực rỡ, chị mạnh tay chi ra số tiền lớn để mua thêm nhiều gốc hồng ngoại, được nhập khẩu từ Thái Lan và một số gốc hồng nội khác về chăm sóc.
Hiện chị Kim Liên sở hữu 60 gốc hồng được trồng phân bố tại 6 ban công trong nhà, mỗi ban rộng khoảng 2,5 m2. Các gốc hồng được chị yêu thích phải kể đến: Radio Times, Perdita, Everlyn, Acropolis, Blue Perfum hay hồng cổ Sapa, hồng cổ Sơn La. Sau 2 tháng chăm hồng, bà mẹ 7X cho hay chị gặp khó khăn trong việc tìm mua phân hữu cơ. Trong khi phân vô cơ nếu lạm dụng nhiều sẽ khiến đất có hiện tượng bị chai, già cỗi cây nên chị Kim Liên đã mày mò cách tự sản xuất ra phân bón.
Vốn có nền tảng từ thời Đại học là sinh viên ngành Hóa học, chị Liên không gặp nhiều khó khăn trong việc tìm tòi, sản xuất phân bón. Trước khi tiến hành ủ phân, chị thường xuyên đọc bài chia sẻ của các thành viên trong hội chơi hoa. Chị sử dụng nguyên liệu có sẵn như bã đậu, đậu tương, chuối chín, bã cà phê... để thực hành. Tuy nhiên, việc làm này của chị Liên không được chồng ủng hộ, hàng xóm cũng tỏ ra không hài lòng. Họ cho rằng chúng "nặng mùi", gây ảnh hưởng tới sinh hoạt chung. Mặc dù đã tìm cách khắc phục bằng việc trộn thêm men vi sinh vào phân nhưng mùi vẫn gây khó chịu, chị Liên sau đó buộc phải tranh thủ thời điểm hàng xóm không có nhà thì mới "dám" tưới cây.
Theo bà mẹ Hải Dương, dù gặp chút rắc rối nhưng việc chăm hoa lại giúp chị thư giãn và cân bằng cuộc sống. Đến nay, mọi người đã hiểu và thông cảm hơn. Vẫn tự mình chăm sóc 60 gốc hồng nhưng ông xã thi thoảng cũng đã giúp chị Liên một vài việc lặt vặt như tưới nước, khuân vác chậu hoa.
Dưới đây là một số công thức làm phân bón mà chị Liên chia sẻ:
Bã đậu hoặc đậu tương
Bã đậu hoặc đậu tương ngâm nước sôi nhiều lần trong chum hoặc thùng nhựa để tránh khi bón khiến cây nhiễm độc chì. Cho thêm vi sinh vật hữu hiệu hoặc chủng nấm Trichoderma dạng lỏng vào, khuấy đều. Sau 5 ngày ủ, tiếp tục cho thêm men vi sinh. Bổ sung khoảng 5 lần như vậy, sau đó mới đem ra bón cho cây. Khi tưới, cần pha loãng.
Ưu điểm: Cây nhanh bật mầm lộc, sai hoa.
Hạn chế: Bốc mùi nồng nặc, khó chịu.
Ốc
Sử dụng ốc bươu vàng bằng cách đập dập cho hết vỏ cứng, sau đó ngâm nước và men vi sinh hoặc chủng nấm Trichoderma. Ngâm đến khi loại bỏ hết phần chất nhờn của ốc, sau đó đem ra tưới cây.
Ưu điểm: Loại phân bón này giàu đạm, cây hoa xanh tốt.
Hạn chế: Trong quá trình ngâm ốc có bốc mùi, giòi xuất hiện.
Chuối chín
Chuối chín xay loãng. Đào một lớp đất mỏng rồi tưới loại nước này. Sau đó lấp một lớp đất khác lên trên và trồng hoa.
Ưu điểm: Các gốc hồng ra hoa đậm màu, nở rực rỡ hơn.
Hạn chế: Loại nước này thu hút ruồi giấm, chuột, kiến.
Bã cà phê
Bã cà phê kết hợp với men vi sinh, sau đó ủ kín. Khi bón cây, nên sử dụng bã cà phê kèm chuối chín để đạt kết quả tốt.
Ưu điểm: Hoa nở đẹp, đậm màu, lá xanh mướt. Thích hợp bón cho các loại hồng leo.
Hạn chế: Mạt xuất hiện nhiều. "Bốc mùi" hơn loại phân được sản xuất từ bã đậu, đậu tương.
Phân hữu cơ
Sử dụng phân gà hoặc phân bò trộn với phân lân, vỏ trấu, vôi bột, phân kali, men vi sinh. Sau đó ủ phân trong khoảng 6 tháng mới đem ra sử dụng.
Ưu điểm: Cây phát triển tốt, ra nhiều hoa.
Hạn chế: Màu hoa không đậm màu. Các loại sinh vật: con cuốn chiếu, sùng đất xuất hiện.
Dĩnh Anh