Các đội cứu nạn thay nhau tìm kiếm nạn nhân. |
Anh Nguyễn Văn Nguyên, một trong bốn thuyền viên may mắn sống sót, chưa hết kinh hoàng khi nhớ lại những gì xảy ra hôm ấy. Trưa 15/8, sà lan SG-00994 tới khu vực vịnh Gềnh Rái neo đậu để chuẩn bị dỡ bỏ và cải tạo đèn báo hiệu hàng hải Aval.
Nhận được lệnh thi công ngọn đèn này, Công ty Công trình giao thông đường thủy miền Nam cũng đã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về khu vực thả phao.
Sau bữa cơm chiều cùng ngày, ngoài một số thuyền viên vào cabin nằm nghỉ, các thuyền viên còn lại đang ngồi uống trà và lên kế hoạch triển khai công việc ngày hôm sau...
Chưa hết một tuần trà, Nguyên nhìn ra ngoài và chỉ kịp thấy một khối sắt đồ sộ đâm vào sà lan. Sự việc diễn ra quá nhanh nên trong cơn hoảng loạn, Nguyên và Dũng (đều là công nhân công ty Công trình giao thông đường thủy miền Nam) vừa kêu cứu vừa lao nhanh xuống biển... Sau khi gây ra tai nạn, tàu Unifoward (sau này mới lộ tên) tiếp tục hải trình theo hướng Vũng Tàu...
Sau một hồi vật lộn với sóng gió, các thuyền viên đã được tàu dầu đang neo đậu trong khu vực phát hiện và cứu sống... Ngoài Nguyên và Dũng, hai thuyền viên khác là Tân và Lâm do bị thương nặng nên đã được chuyển về Bệnh viện đa khoa Lê Lợi cấp cứu ngay trong đêm.
Theo Tuổi Trẻ, nhận được tin dữ về người thân, ngay trong đêm 15/8 người nhà của các thuyền viên mất tích đã từ Nghệ An, Gia Lai, Kontum đón xe về Vũng Tàu. Trong nỗi đau mất cùng lúc hai người thân là Phùng Khánh Linh và Phùng Văn Sơn, anh Phùng Khánh Sinh (ở Hưng Châu, Hưng Nguyên, Nghệ An) nói giọng khản đặc: “Nghèo quá mới lặn lội vô đây làm ăn. Ai ngờ tai họa thế này... Sơn mới có người yêu, Linh thì còn vợ và con nhỏ...”.
Khu vực biển bãi Dâu - Vũng Tàu càng về đêm càng khắc khoải. Nỗi đau càng dâng lên khi lực lượng cứu hộ, cứu nạn ngoài khơi thông báo tìm thêm được ba xác thuyền viên và thi thể các anh lần lượt được chuyển vào bờ... Đêm vùng biển mịt mùng hương khói, tiếng khóc của những người thân mất người thân càng ai oán nặng nề hơn khi xác các thuyền viên không còn nguyên vẹn để người nhà nhận diện...
Sau khi nhận được tin báo về vụ tai nạn hàng hải này, Cảng vụ Vũng Tàu, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III đã huy động ngay hai tàu dịch vụ của Xí nghiệp hoa tiêu khu vực I, một xuồng cao tốc, một tàu cứu hộ Sar -72 và năm canô trực tiếp cứu hộ, cứu nạn.
Sóng to, gió lớn, việc tìm kiếm người bị nạn và thông báo cho các tàu ghe trong khu vực tránh xa xác sà lan SG-00994 càng trở nên khó khăn...
Khoảng 15h30 ngày 16/8, Xí nghiệp Liên hiệp trục vớt cứu hộ I-VISAL (Cục Hàng hải VN) đã điều động thêm tàu Đại Lãnh, tàu CH-302 và sáu thợ lặn ra khơi tăng cường công tác tìm kiếm cứu nạn...
Sau 3 tiếng đồng hồ lặn thám sát, một lối mở vào sà lan do vụ tai nạn gây ra đã được tìm thấy... 18h30' cùng ngày thi thể một thuyền viên đã được tìm thấy, nhưng sau một giờ đồng hồ vật lộn các thợ lặn mới chuyển được xác ra ngoài... Thợ lặn tên Nam đầy vết xước trên mình thở dài: “Suýt nữa thì tui bị kẹt trong ấy. Tìm mãi mới thấy lối ra... Lục lọi hết các khoang rồi nhưng không còn thuyền viên nào bị kẹt”.
Đến 0h ngày 17/8, biển động mạnh, việc tìm kiếm cứu nạn trực tiếp phải tạm ngưng vài giờ. Chiều hôm ấy, tàu Đại Lãnh đã tiếp cận được mục tiêu và hoàn thành xong việc rải hơn 200m dây thừng từ tàu kéo sang sà lan bị nạn và điều thêm năm thợ lặn dày dạn kinh nghiệm để triển khai công việc luồn dây thừng qua sà lan và triển khai việc trục vớt.
Ngay sau khi xảy ra tai nạn, đại lý tàu Unifoward là Công ty Phước Vinh Sơn tại TP HCM cũng đã đến Vũng Tàu để phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết vụ việc và hỗ trợ những thuyền viên bị nạn. Bốn thuyền viên may mắn sống sót đã được công ty hỗ trợ nóng 1 triệu đồng/người. Riêng Đỗ Xuân Tâm là người bị thương nặng nhất được hỗ trợ thêm 100 USD.