Để có một tấm ảnh chụp chung với một phụ nữ Kayan, bạn phải chi 5 USD (trả tiền Thái Lan là 250 baht). Chụp “sỉ”, nhiều kiểu, sẽ phải trả 20 USD. Một tấm ảnh chụp sẵn được rao bán với giá 50 baht. Một đĩa CD nhạc do chính chủ nhân các gian hàng lưu niệm hát, được thu một cách sơ sài, đầy tạp âm giá đến 400-500 baht.
Muốn thuê tám cái vòng đồng, nặng chừng 3 kg trong vòng một tiếng đồng hồ để chụp ảnh phải trả 15 USD. Nhưng muốn đeo nó, bạn lại phải thuê những nữ già làng với giá 200 baht cho một lần đeo vào, gỡ ra. Ngay cả việc vào tham quan các căn nhà gỗ lợp lá của người trong bản để chụp ảnh cũng bị tính giá đến 50 baht... Tất cả đều được quy ra tiền một cách rõ ràng, sòng phẳng.
Nhan sắc cũng được quy ra tiền. Với 5 USD, bạn chỉ có thể chụp hình với những phụ nữ “sồn sồn” hoặc những người cao tuổi. Còn muốn có một tấm ảnh chung với các cô gái trẻ trung, xinh đẹp thì giá “cát-xê” không thể dưới 6-7 USD. Chưa hết, muốn quàng tay qua vai các nàng phải trả thêm 1 USD nữa.
Hỏi Mathany, trưởng khu bán quà lưu niệm, rằng những mức giá được đưa ra như vậy dựa vào căn cứ nào? Người phụ nữ được mệnh danh là “người đàn bà đồng”, vì toàn thân bà từ cổ, chân, tay đều bao bọc bằng những cái vòng đồng vàng chóe, đáp: “Tất cả tùy thuộc nhu cầu của khách. Nếu cô gái Kayan nào được khách yêu cầu chụp hình nhiều, chỉ vài ngày sau giá thuê chụp hình với cô ta sẽ tự động được nâng lên”.
Nơi chúng tôi ở trọ là nhà Maba, ngoài tiền trọ 500 baht một ngày, khi thanh toán ra về, Maba không quên đưa ra một bảng liệt kê một lô các dịch vụ kèm theo như tiền nước suối uống hằng ngày (mà nước suối ở đây là nước suối thật vì được múc lên từ... con suối Kaka gần đó), tiền dịch vụ giữ đồ, rồi cả phí tham dự đêm lễ hội đeo vòng cổ cho các cô gái Kayan…
Nhờ vào làn sóng du lịch nên nhà của các hộ dân trong làng cũng được sửa sang liên tục và ngày một tiện nghi hơn, mặc dù lẽ ra theo truyền thống người Kayan thì cứ năm năm chủ nhà mới thay gỗ, thay lá mới một lần. Xe gắn máy Dream Thái, Wave Thái… cũng xuất hiện ngày một nhiều trong bản, dù chỉ riêng việc đưa được những chiếc xe này về theo đường rừng cũng đã là một cực hình trong quá trình vận chuyển. Mua xe cũng chỉ để đó vì ở vùng rừng sâu này xe gắn máy chỉ có thể dùng đi loanh quanh vài đoạn.
Theo con số công bố của chính quyền tỉnh Mea Hong Son, với lượng khách tham quan bản Karen hằng năm lên đến trên 20.000 lượt người, thu nhập bình quân của một gia đình Kayan đạt… 3.500-4.000 USD/năm.
Đây là mức thu nhập mà ngay cả nhiều người ở tận thủ đô Bangkok hoa lệ cũng phải ganh tị. Như gia đình chị em hoa hậu Mati thu nhập hằng năm có khi lên đến 5.000-6.000 USD vì có hai gian hàng bán quà lưu niệm với “thương hiệu” hoa hậu mà khách tham quan ai cũng muốn được chụp hình chung.
Mati cho hay khách đăng ký chụp hình với cô nhiều đến độ cô không còn đủ sức cho các “sô” chụp ảnh hằng ngày nữa.
Do vậy người nào trả giá cao hơn sẽ được Mati nhận lời. Nhờ số tiền kiếm được từ việc chụp hình, Mati đã giúp gia đình cất lại được căn nhà gỗ khang trang, chữa dứt điểm căn bệnh gan của ba cô.
Cuộc sống của bản Karen đang thay đổi từng ngày nhờ những cái cổ dài của gần 300 phụ nữ ở đây, từ người già đến người trẻ đều có thể kiếm ra tiền khi du khách đổ về đây ngày càng nhiều.
“Công ty cổ phần du lịch cổ dài”
Việc kinh doanh những chiếc cổ dài giữa rừng già đang được một nhóm khoảng 30 gia đình trong bản Karen lên kế hoạch cho một mô hình chuyên nghiệp: góp vốn với nhau thành lập một công ty mang tên Công ty cổ phần Du lịch phụ nữ cổ dài Kayan.
Họ dự kiến công ty sau khi ra đời sẽ được quảng bá rất rầm rộ, những tour du lịch sẽ được mở rộng ra đến Bangkok, Chiang Mai, Mea Hong Son… và ra khắp thế giới do chính người trong bộ tộc Kayan đảm nhận. Khách đến bản Karen bằng ôtô và ngựa sẽ được cùng ăn, cùng ở và tham quan bộ tộc trong 1-2 ngày một cách chuyên nghiệp nhất.
Đến tỉnh Mea Hong Son, tuy người Kayan không phải là dân bản địa nhưng hình ảnh của phụ nữ Kayan đang được treo, bán khắp nơi ở Mea Hong Son như một biểu tượng du lịch của vùng đất này.
Những ngày ở bản, đi đến đâu cũng nghe dân bản bàn tán sôi nổi về dự án này. Công ty đang chuẩn bị tổ chức thi tuyển hướng dẫn viên du lịch, cách trả lương được tính tương xứng theo độ dài của cổ, số vòng đeo trên cổ và nhan sắc của các cô.
Nhiều cô gái Kayan tỏ ra phấn khởi lắm, vì nghe đâu những chiếc cổ dài đeo 12-14 vòng, nặng 5-6 kg sẽ được thuê “trọn gói” ít nhất 50 USD một ngày. Như vậy, thu nhập của các cô sẽ còn cao và ổn định hơn hiện nay nhiều.
Thân phận “ai mua hình tôi”
Kata, chồng của Maba, nói anh rất yêu vợ nên không muốn vợ mình trở thành “trò mua vui” cho người khác, bị những người đàn ông khắp nơi đến đùa cợt. Còn Maba cho rằng chồng mình ghen tuông vớ vẩn. Họ lấy nhau gần 10 năm, khi Maba mới 19 tuổi, còn là một cô gái xinh đẹp trong làng. Kata rất hãnh diện về vợ của mình. Còn bây giờ, du lịch ngày càng phát triển, những người khách từ khắp nơi đến bản Karen đông hơn, những cái cổ dài của người phụ nữ được sử dụng để kinh doanh một cách triệt để.
Nuba năm nay 19 tuổi, là bạn rất thân với Mati. Theo Nuba, ở lứa tuổi cô mà chỉ trong vòng một năm nữa không lấy chồng coi như đã ế. Nuba nói quả thật cô không muốn sống trong cái vòng luẩn quẩn, sinh con ra rồi lại truyền cho con cách kiếm tiền từ cái cổ dài của mình. Cô muốn được đi đây đi đó, có một công việc khác để làm chứ không muốn sống bằng cái cổ dài của mình nữa.
Mapaly, người mẫu nổi tiếng của bản, nói: “Nhờ cái cổ này mà mẹ và tôi nuôi được cả một gia đình tám người”. Cô nói kể từ khi bắt đầu phụ mẹ buôn bán, chụp hình với khách, cô bị cuốn vào suy nghĩ là làm sao phải moi được thật nhiều tiền của khách du lịch, cô bận đến độ không còn thời gian dành riêng cho mình, nghĩ về tương lai của mình.
Mapaly nói thật lòng rằng cô cảm thấy có điều gì đó rất bất ổn khi cuộc sống diễn ra mãi theo kiểu này và hình như cô đang tự đánh mất tương lai. Mapaly nói rằng có những đêm, khi về nhà sau một ngày làm mẫu mệt nhoài, cô khóc một mình vì thương cho thân phận “ai mua hình tôi” của cô. Nhưng cô không biết làm sao khi cả cuộc đời của cô chưa từng bước ra khỏi cánh rừng này.
Chuyện “kinh khủng” ấy đã diễn ra một cách âm thầm. Có người lén cởi vòng khi ra khỏi bản, trở về lấy vòng đeo lại. Có người đã dứt được thân phận làm “thú vui” cho du khách nhòm ngó, trở thành sinh viên ở tận Chiang Mai.
Và cũng có những người ở tỉnh khác, cả những người nước ngoài đến vùng núi xa xôi ấy tình nguyện dạy học cho trẻ em Kayan với những ước mơ về ngày mai tươi sáng.
(Theo Tuổi Trẻ)