![]() |
Khu công nghiệp Amata (Đồng Nai). |
Ông Trần Văn Vĩnh, Giám đốc Ngân hàng đầu tư và phát triển (BIDV), chi nhánh TP HCM, cho biết Ngân hàng bắt đầu để mắt đến khu công nghiệp cách đây gần 10 năm vì ông biết rằng đây là nơi rất tốt để “buôn tiền”.
Hiện nay BIDV đã có mặt ở 9 trong 14 khu chế xuất - khu công nghiệp và công việc kinh doanh của ngân hàng trở nên khấm khá khi tốc độ dư nợ, chiếm 20% tổng dư nợ của chi nhánh BIDV ở TP HCM, trong khu vực này tăng 100%/năm. Tốc độ tăng trưởng dư nợ của BIDV cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng ở khu chế xuất-khu công nghiệp, khoảng 70-80%.
Vừa qua, BIDV-TP HCM đã nâng cấp ba phòng giao dịch của ngân hàng ở đây thành chi nhánh cấp 1 với mong muốn tạo thêm thế chủ động của các đơn vị này trong việc kinh doanh và khai thác tiềm năng cho vay đối với doanh nghiệp trong khu.
Giám đốc Công ty Latek ở khu chế xuất Linh Trung 1 (TP HCM), cho biết Công ty khó có được như ngày nay nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng. Nhờ những khoản vay tín dụng mà công ty tránh được điều tồi tệ nhất có thể xảy ra khi mà liên tục trong ba năm đầu hoạt động công ty 100% vốn Đài Loan này không biết lãi là gì. Không có thị trường tiêu thụ và chi phí đầu tư quá lớn là những thách thức đe dọa sự tồn tại của Latek.
Đến nay doanh thu của Công ty tăng trên 20 triệu USD từ vài trăm nghìn USD những ngày đầu và lợi nhuận trên bốn triệu USD. Sau thành công này, Công ty cho biết muốn vay thêm vốn từ ngân hàng mặc dù số dư nợ đối với Latek chiếm 50% tổng vốn đầu tư 12 triệu USD của công ty.
Đây chỉ là một trong những doanh nghiệp trong các khu chế xuất - khu công nghiệp ở TP HCM có nhu cầu về vốn lớn và mong muốn ngân hàng cho vay.
Dư nợ cho vay trong các khu chế xuất - khu công nghiệp tăng mạnh kể từ khi các ngân hàng thể hiện sự quan tâm đến khu vực này. Nếu năm 2000, tổng dư nợ chưa đến 1.000 tỷ đồng thì năm 2005, con số đó đã đạt gần 16.600 tỷ đồng, tăng hơn 16 lần, khi doanh thu cho vay đối với khu vực đạt trên 28.500 tỷ đồng.
Bên cạnh cho vay, các ngân hàng còn có cơ hội phát triển các dịch vụ khác như thanh toán, chuyển tiền trong nước và với nước ngoài, dịch vụ quyền lựa chọn, dịch vụ chi trả lương cho người lao động thông qua tài khoản cá nhân...
Đặc biệt phát triển mạnh nhất là dịch vụ ATM. Đây cũng là dịch vụ đang được các ngân hàng đẩy mạnh để tận dụng các tiềm năng ở trong khu, mở rộng đối tượng khách hàng là người lao động, thay vì chỉ tập trung vào các nhà đầu tư và các doanh nghiệp.
Ngân hàng phát triển hệ thống ATM mạnh nhất trong khu công nghiệp - khu chế xuất không ai khác là Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank). Ông Nguyễn Kiến Tường, Giám đốc Vietcombank - Khu chế xuất Tân Thuận, cho biết: qua ba năm rưỡi kinh doanh thẻ ATM, Ngân hàng đã phát hành được 145.000 thẻ ATM, cao nhất trong số các ngân hàng ở đây. 95% thị phần thẻ ATM ở khu chế xuất Tân Thuận do Vietcombank quản lý, 70% ở khu chế xuất Linh Trung 1 hoặc 100% ở khu công nghiệp Bình Chiểu.
Lợi nhuận của chi nhánh Vietcombank tăng mạnh nhờ khai thác thế mạnh của ngân hàng tiên phong vào các khu công nghiệp-khu chế xuất. Năm 2001 lợi nhuận của chi nhánh gần 14 tỷ đồng thì năm 2005 con số đó gấp 2,5 lần, tức đạt 37 tỷ đồng.
Ông Vĩnh, Giám đốc BIDV nói: nhu cầu tín dụng cũng như các dịch vụ ngân hàng ở các khu công nghiệp-khu chế xuất là rất lớn vì nơi đây tập trung nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư chuyên nghiệp, những khách hàng luôn thiếu vốn cho những dự án đầu tư. Vì lẽ này mà có đến 52 đơn vị hoạt động về tài chính như ngân hàng và công ty cho thuê tài chính cả trong nước và nước ngoài tham gia vào khu vực này.
“Cơ hội kinh doanh trong các khu công nghiệp-khu chế xuất lớn trong khi rủi ro lại rất thấp và đây chính là sự hấp dẫn của khu vực này”, ông Vĩnh nhận định.
Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, nhu cầu vốn từ nay đến 2010 của các khu công nghiệp-khu chế xuất trên 1.570 tỷ đồng phục vụ dự án phát triển hạ tầng, mở rộng và hình thành những khu mới hoặc cụm công nghiệp.
Bên cạnh đó, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp thuê đất được dự đoán là gần gấp 10 lần vốn xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc xây mới, khoảng 16.000 tỷ đồng. Đây là con số được dự báo từ những doanh nghiệp hiện có, nếu tính những doanh nghiệp mới con số này còn cao hơn nhiều.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy nợ quá hạn ở khu vực này chỉ chiếm 0,03% trong tổng dư nợ của khu công nghiệp - khu chế xuất so với tổng dự nợ quá hạn toàn ngành ngân hàng năm 2004 là 4,6%.
Trong khi đó, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) và Tổ chức Quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (MPDF) thì mức độ rủi ro của các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp-khu chế xuất thấp. Vì hầu hết các doanh nghiệp đầu tư trong khu vực này có mục đích đầu tư lâu dài, có cơ sở vật chất tốt để triển khai những dự án đầu tư, họ có đầu ra cho sản phẩm và đặc biệt là các doanh nghiệp này phần lớn có kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Văn Sẽ, Phó giám đốc Sở giao dịch II - Ngân hàng Công thương Việt Nam, đây chính là tín chấp bảo đảm các khoản vay của ngân hàng khi tham gia trong khu công nghiệp - khu chế xuất. Tuy nhiên, theo ông Sẽ, không phải làm ăn trong khu vực này hoàn toàn suôn sẻ, nhất là việc đánh giá năng lực tài chính của các nhà đầu tư. Ông cho biết các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài luôn là cản trở đối với ngân hàng vì hầu hết các ngân hàng Việt Nam không có nhiều thông tin về khách hàng này.
Thêm vào đó, hoạch toán của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài luôn “khó hiểu” luôn lỗ hoặc lãi thấp, làm các ngân hàng lúng túng không biết đó là khách quan hay chủ quan, dẫn đến khó khăn trong đánh giá năng lực đối với các khách hàng này.
Một vấn đề mà hầu hết các ngân hàng đều không thể tránh khỏi đó là loại vốn vay. Tính chất đầu tư của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp-khu chế xuất là lâu dài khi nhà xưởng và máy móc có giá trị sử dụng hàng chục năm vì vậy đòi hỏi các khoản tín dụng dài hạn.
Ngược lại với nhu cầu này, nguồn vốn của ngân hàng phần lớn đến từ dân cư, điều đó có nghĩa vốn ngắn hạn không thể bảo đảm cho khoản vay dài hạn cũng là nhu cầu của hầu hết các khu công nghiệp-khu chế xuất
(Theo VnEconomy)