Siêu thị là mảnh đất màu mỡ cho các tập đoàn nước ngoài. |
Tổng giám đốc Metro VN James Scott không hề dè dặt khi bày tỏ mục tiêu trong 2 năm tới Metro sẽ trở thành nguồn cung cấp chủ lực hàng thực phẩm và phi thực phẩm cho các khách hàng tại VN. Ông Guy Lacombe, Tổng giám đốc Espace Buorbon cũng cho hay, ngoài 3 đại siêu thị đang hoạt động và một điểm sắp khai trương tại Mỹ Đình (Hà Nội), từ nay đến 2008 họ sẽ mở thêm 6 đại siêu thị mới.
Cùng với sự bận rộn của Espace Bourbon, mới đây tập đoàn bán lẻ hàng đầu Malaysia là Parkson đã nhận giấy phép kinh doanh tại VN. Dự kiến, trong 2 năm đầu, Parkson sẽ mở 3 trung tâm mua sắm tại TP HCM và Hà Nội mở đầu cho một chuỗi các siêu thị khác được xây dựng tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Bán lẻ, bán buôn hiện đại dưới hình thức siêu thị tự chọn, các cửa hàng, trung tâm thương mại xuất hiện ở VN từ những năm 1994 và phát triển mạnh trong những năm gần đây với tốc độ tăng trưởng 15-20%/năm. Kênh phân phối hiện đại từ chỗ chỉ chiếm 3% thị phần bán lẻ dự kiến sẽ tăng đến 30-40% do người tiêu dùng có xu hướng chuyển từ mua sắm tại chợ truyền thống sang mua sắm siêu thị. (Nguồn Bộ Thương Mại) |
Theo một khảo sát gần đây của Metro, mảnh đất cho các kênh bán hàng hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn, siêu thị bán buôn tại VN còn rất màu mỡ khi doanh số trong lĩnh vực này mới chiếm vỏn vẹn 10%, trong khi ở Thái Lan lên tới 60%. Tổng giám đốc James Scott nhận xét, thị trường VN đang thay đổi mạnh mẽ bởi cơ sở hạ tầng phát triển, đầu tư nước ngoài và năng lực tiêu dùng gia tăng, đặc biệt thói quen mua sắm của khách hàng đã thay đổi. Những cái tên siêu thị giờ không còn quá xa lạ với cả người dân ngoại thành.
Một nghiên cứu của Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP HCM thực hiện tại các thành phố như Mỹ Tho, Long Xuyên, Phan Thiết... cũng cho thấy có đến 50% những người mua sắm chính trong hộ gia đình đã từng mua hàng tại siêu thị (mặc dù các thành phố trên chưa có siêu thị) và có đến hơn 85% những người được phỏng vấn sẵn sàng đi mua sắm tại siêu thị nếu có loại hình này tại thành phố của họ. Mức gia tăng chi tiêu dùng của các hộ gia đình TP HCM cho loại hình siêu thị trong giai đoạn 2001-2003 lên tới hơn 40%/năm.
Ông Guy Lacombe cho hay, Bourbon đã có mặt tại VN từ năm 1994 và đã đưa vào hoạt động năm 1998 một đại siêu thị và năm 2001 hai đại siêu thị tiếp theo, sau đó dừng việc phát triển. Song bắt đầu từ năm 2002, nhận thấy tiềm năng thị trường rất lớn họ lại tiếp tục triển khai. Hiện 3 dự án đang thực hiện, các dự án khác sẽ tiếp tục khi có đất đai.
Trước sức tấn công và thâm nhập của các tập đoàn nước ngoài, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã TP HCM (Saigon Co-op) cho rằng, cuộc chiến trên thị trường bán lẻ trong thời gian tới sẽ vô cùng quyết liệt và không cân sức. Ông Hòa phân tích, với tiềm lực tài chính, mạng lưới phân bổ rộng có quy mô nhiều chuỗi siêu thị, cửa hàng, các tập đoàn này có doanh số mua hàng rất lớn, có sức mạnh trong đàm phán và do đó có ưu thế cạnh tranh. Còn kinh doanh siêu thị ở VN mới chỉ bắt đầu khoảng chục năm trở lại đây, quy mô nhỏ lẻ, manh mún, doanh số siêu thị lớn nhất cũng chỉ đạt khoảng 260 tỷ đồng/năm, thấp hơn nhiều so với đại siêu thị của đối thủ nước ngoài.
Trong kinh doanh siêu thị, cuộc cạnh tranh về giá luôn là bài toán khó cho các nhà bán lẻ trong nước. Ông James Scott cho biết, giá thấp là một trong những nguyên tắc thu hút khách hàng của Metro, vì thế đã có lúc, các siêu thị trong nước có ý định kiện Metro bán phá giá bởi mức giá thấp khiến họ không thể tin được.
Theo ông Hòa, giá cả hợp lý là điều sống còn trong tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt. Co.op Mart đã phải áp dụng nhiều biện pháp để giảm giá đầu vào như mua hàng số lượng lớn, ký hợp đồng ổn định dài hạn, sẵn sàng ứng vốn cho nhà sản xuất, tìm mọi biện pháp gia tăng doanh số như tận dụng tối đa công suất trang thiết bị mặt bằng, kết hợp bán hàng lưu động... "Trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay, các siêu thị VN phải được tổ chức và kinh doanh theo chuỗi nhằm ngăn chặn và hạn chế sự phân tán về nguồn lực, vốn, công nghệ", ông Hòa nói.
Mở cửa thị trường là tất yếu, song để các doanh nghiệp trong nước có tiềm lực cạnh tranh với các đại gia nước ngoài, lãnh đạo nhiều công ty thương mại cho rằng, Nhà nước cần có bước đi thích hợp và tham khảo các kinh nghiệm mở cửa của các nước xung quanh. Bài học của Thái Lan là một ví dụ, hiện 80% lĩnh vực phân phối hiện đại của Thái Lan do các tập đoàn nước ngoài nắm giữ, nay chính phủ buộc phải hạn chế chỉ cho nước ngoài được mở siêu thị riêng lẻ không cho hình thành chuỗi để chi phối thị trường. Hay như Malaysia ngưng cho phép nước ngoài đầu tư đại siêu thị tại các bang và thành phố lớn.
Ngoài ra, theo đại diện Tổng công ty xuất nhập khẩu Bộ Thương mại (Intimex), kinh doanh siêu thị có đặc thù vốn đầu tư lớn nhưng lợi nhuận ban đầu thấp, vì thế doanh nghiệp trong nước cần được hưởng các chế độ ưu đãi về vốn và thuế từ các quỹ tín dụng... Nhà nước nên có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tìm kiếm thuê mua mặt bằng, thực hiện các khu thương mại... để tranh thủ khoảng thời gian còn lại của tiến trình mở cửa. Một vấn đề quan trọng khác là các cơ quan quản lý nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan như luật cạnh tranh, luật chống bán phá giá ...
Trao đổi với VnExpress, Vụ trưởng chính sách thị trường trong nước Bộ Thương mại Hoàng Thọ Xuân cho biết, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ đang có kế hoạch xây dựng những doanh nghiệp đủ sức mạnh và khả năng cạnh tranh. "Tổ chức và hoạt động tốt mô hình thương mại hiện đại sẽ tăng cường hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước trong việc điều tiết và bình ổn thị trường nội địa với tư cách làm chỗ dựa và là công cụ để thực thi các cơ chế chính sách kinh tế vĩ mô", ông Xuân phân tích.
Vụ trưởng cho biết thêm, tới đây Chính phủ sẽ có các cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển của cả khối doanh nghiệp thương mại nội địa và nước ngoài. Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh như vậy, về phần mình các doanh nghiệp trong nước cần liên kết chặt chẽ, đưa ra danh mục hàng hóa phong phú và giá cả hợp lý để thu hút khách hàng.