Công viên Bách Tùng Diệp nằm trên góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Tự Trong, quận 1, TP HCM. Trong tương lai, ở đây sẽ xây bãi đậu xe ngầm.
Các chuyên gia ngành giao thông cho biết cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế và nhu cầu giao thông phát sinh tại các khu đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, tình trạng kẹt xe là chuyện không thể tránh khỏi. .
Mạo hiểm nhưng hấp dẫn
Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình đang theo đuổi dự án bãi đậu xe ngầm có kinh phí đầu tư hơn 9,7 triệu đô la Mỹ nằm dưới Công viên Chi Lăng (góc đường Lý Tự Trọng, Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn, quận 1, TP HCM).
Nhưng ông Lê Viết Hải, Tổng giám đốc, lại cho biết đầu tư vào dự án này là một trong những quyết định mạo hiểm của công ty. “Công ty Hòa Bình vốn có kinh nghiệm trong ngành xây dựng và địa ốc. Đầu tư vào các công trình nhà ở, khách sạn, cao ốc, nhà xưởng… thì độ an toàn cao hơn. Lần đầu tiên đầu tư dự án bãi đậu xe ngầm, công ty cũng đã lường trước những khó khăn và thử thách, tuy nhiên đó cũng chính là yếu tố hấp dẫn chúng tôi”, ông Hải nói.
Từ dạo tham gia chuyến đi xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng và địa ốc TP HCM tại Singapore và Malaysia do UBND TP HCM tổ chức vào cuối tháng 10/2005, ông Hải đã có dịp tìm hiểu thông tin về bảy dự án bãi đậu xe ngầm mà Sở Giao thông Công chánh (GTCC) đang mời gọi đầu tư.
Về nước, ông và các cộng sự đã liên lạc với Sở GTCC để tìm hiểu sâu hơn về các dự án, khảo sát từng địa điểm về mật độ giao thông lẫn nhu cầu gửi xe của từng khu vực. Cuối cùng, Hòa Bình chọn dự án bãi đậu xe ngầm dưới Công viên Chi Lăng. Lợi thế của công viên này là nằm ngay khu vực trung tâm thành phố, gần các khách sạn lớn và đối diện với Trung tâm Thương mại Parkson.
Trong khi đó ông Lê Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS, nhà đầu tư của dự án dưới Công viên Lê Văn Tám, thì cho rằng đầu tư mạo hiểm là phương án mà ông đã chọn lựa cách đây ba năm, khi có ý tưởng xây dựng một bãi đậu xe ngầm đầu tiên tại thành phố.
Theo ông Tuấn, điều quan trọng nhất khi chọn hình thức đầu tư này là chủ đầu tư phải thu hút được vốn từ các nhà đầu tư thứ cấp. Điều này đòi hỏi dự án phải xuất phát từ ý tưởng tốt, lĩnh vực đầu tư có khả năng tăng trưởng cao và bản thân dự án có khả năng mang lại nhiều lợi nhuận.
“Công nghệ trong thi công đối với các dự án này là một trong những thách thức lớn đối với các nhà đầu tư”, ông Phạm Đình Trung, Tổng giám đốc Công ty T.T.C., nhà đầu tư của dự án bãi đậu xe ngầm 250 tỷ đồng dưới Công viên Tao Đàn, chia sẻ.
Theo ông Trung, ngoài việc có năng lực tài chính để ứng dụng các công nghệ hiện đại của nước ngoài vào dự án, nhà đầu tư còn phải có kinh nghiệm và sự am hiểu về công nghệ phù hợp với điều kiện về xây dựng tại VN. Chính vì điều này mà T.T.C. quyết định sẽ chọn nhà tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát dự án là các công ty có kinh nghiệm của nước ngoài”.
Thu hút vốn và thu hồi vốn
Giám đốc Sở GTCC TP HCM Trần Quang Phượng nhận định với sự gia tăng hơn 100.000 xe gắn máy/năm và tỷ lệ tăng thêm của ôtô là 12%/năm thì nhu cầu về bãi đậu xe tại thành phố, đặc biệt là tại các khu trung tâm, càng trở nên cấp thiết.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ quản lý, ông Phượng cho rằng các bãi đậu xe ngầm là một trong những dự án hạ tầng đòi hỏi cao ở nhà đầu tư về năng lực kỹ thuật lẫn tài chính, trong khi đó đồng tiền thu về là “tiền lẻ”.
Đối với các nhà đầu tư của bốn dự án bãi đậu xe ngầm hiện nay tại thành phố, gồm IUS với bãi Lê Văn Tám, Đông Dương với bãi Công trường Lam Sơn, T.T.C. với bãi Tao Đàn và Hòa Bình với bãi Chi Lăng thì sự hình thành và phát triển của những “đứa con” tùy thuộc vào khả năng huy động vốn và cách thức thu hồi vốn.
Ông Tuấn cho biết IUS đã đạt được một số kết quả cụ thể trong việc chứng minh với các nhà đầu tư thứ cấp về tính cần thiết của dự án đối với nhu cầu bãi đậu xe của thành phố và dẫn chứng được nhiều dự án đầu tư mạo hiểm tại VN đã thành công.
Tại Hội chợ đầu tư TP HCM diễn ra vào tháng 11/2005, công ty đã ký được sáu bản ghi nhớ với các “đại gia” về tư vấn, tài chính, kiểm toán, xây dựng trong và ngoài nước như Zublin International, Chesterton Petty, Grant Thornton, CBRE, Sabeco, Bảo Minh với cam kết sắp xếp khoản vay lên đến 18,6 triệu đôla Mỹ và vốn góp 85 tỷ đồng cho dự án.
Theo ông Tuấn, chính uy tín của các doanh nghiệp này sẽ góp phần chứng minh hiệu quả của dự án và lôi kéo các nhà đầu tư thứ cấp khác cùng tham gia. Theo kế hoạch, IUS sẽ sử dụng phần ngầm của 2,79 héc ta trên tổng diện tích 5,9 héc ta của công viên để xây dựng bãi đậu xe và các dịch vụ công cộng. Ba tầng ngầm sẽ được xây dựng trong hai năm với tổng diện tích sau khi xây dựng là 8,58 héc ta.
Ông Tuấn cho biết khoảng 61% diện tích sẽ được sử dụng làm bãi đậu cho hơn 2.700 xe gắn máy và ô tô các loại, phần còn lại sẽ dùng vào mục đích kinh doanh thương mại và các công trình phụ. Từ tính toán trên, nhà đầu tư đã quyết định xây dựng dự án theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) trong vòng 30 năm.
Trong khi đó ông Hải lại cho biết, dựa trên thế mạnh trong lĩnh vực xây dựng và kiến trúc, Hòa Bình sẽ khoác cho Công viên Chi Lăng một “chiếc áo mới” đẹp, thoáng đãng và gắn bó với yếu tố lịch sử.
Công viên Chi Lăng trong phác họa bao gồm hồ nước, trúc xanh, hoa trạng nguyên, phù điêu minh họa các sự kiện lịch sử như khởi nghĩa Lam Sơn, chiến thắng Chi Lăng, Bình Ngô đại cáo, các bức tượng của các vị anh hùng dân tộc trong cuộc chiến. Nhà đầu tư hy vọng những nét độc đáo về kiến trúc của công viên sẽ thu hút khách đến với trung tâm thương mại, phòng chiếu phim, nhà hàng bố trí tại ba tầng của bãi đậu xe gồm bảy tầng ngầm này.
Ông Nguyễn Văn Lộc, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Đông Dương, Hà Nội, cũng cho biết ba trong số 11 tầng hầm của bãi đậu xe có vốn đầu tư 135 tỷ đồng tại Công trường Lam Sơn cũng sẽ được dùng vào mục đích thương mại và dịch vụ. Riêng Công ty T.T.C. chỉ dành một tầng hầm cho mục đích kinh doanh thương mại, ba tầng còn lại có sức chứa khoảng 600 ô tô và 3.000 xe máy.
Cơ hội còn nhiều
Ông Trần Quang Phượng cho biết để thêm sức hút cho các dự án loại này, năm 2005 Sở GTCC đã đề xuất UBND TP HCM đồng ý trích ngân sách hỗ trợ lãi vay 3%/năm đối với 70% vốn đầu tư dự án mà nhà đầu tư phải vay ngân hàng, trong thời hạn tối đa là 10 năm. Ngoài ra, UBND sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ giảm 50% thuế VAT đối với phần kinh doanh dịch vụ cho thuê bãi đậu xe.
Theo đánh giá của các chuyên gia Sở GTCC, dường như đang có một cuộc đua “ngầm” giữa những nhà đầu tư khi mà bốn dự án kể trên đều được dự kiến khởi công trong qúy1 và quý 2 năm nay với thời hạn hoàn thành từ một năm rưỡi đến hai năm. Không chỉ có vậy, một số doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Vụ Xây dựng của Singapore (Singapore Building and Construction Authority), cũng đã liên lạc với sở để tìm hiểu thông tin về các dự án này.
Bên cạnh đó, danh sách các dự án “tầng ngầm” ở TP HCM đang gọi vốn đầu tư vẫn còn dài, với những cái tên như bãi xe Bạch Đằng dọc theo sông Sài Gòn, bãi xe Bách Tùng Diệp, bãi xe sân vận động Hoa Lư và một dự án trên đường Nguyễn Du. Riêng hai dự án Bách Tùng Diệp và sân vận động Hoa Lư đang được Công ty Điện tử Tin học Hóa Chất (Bộ Quốc phòng) và Công ty cổ phần Đầu tư Đông Dương nghiên cứu đầu tư.
(Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)