- Hành trình của chị từ TP HCM về Hà Nội đóng phim trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp diễn ra thế nào?
- Tôi vào TP HCM sinh sống và làm việc đúng lúc bùng dịch, giãn cách xã hội toàn thành phố. Trong bốn tháng, tôi ở nhà một mình suốt ngày, gần như không đi đâu. Tưởng như sắp tự kỷ đến nơi, tôi bỗng được đề nghị đóng phim này và lập tức nhận lời.
Covid-19 lúc ấy diễn biến phức tạp nên hành trình từ TP HCM về Hà Nội của tôi rất gian nan. Lịch quay phim rất gấp, trong khi đường bay thương mại gián đoạn. Tôi từng tính đến phương án đi xe chở hàng từ TP HCM về Hà Nội nhưng đoàn phim thấy như vậy quá nguy hiểm nên không đồng ý. Tôi đã nghĩ mình không thể góp mặt trong Thương ngày nắng về nhưng cuối cùng may mắn mỉm cười khi được nhiều giúp đỡ và tổ sản xuất cố lùi lịch, sắp xếp quay trước những cảnh không có tôi trong lúc chờ đợi. Về Hà Nội, tôi vừa kết thúc bảy ngày cách ly là lập tức đi quay.
- Lý do gì khiến chị có động lực vượt qua hành trình vất vả như thế để về Hà Nội nhận một vai ngắn?
- Tôi vào vai bà Yến thời trẻ, chỉ xuất hiện vài tập nhưng đó không phải điều khiến tôi đắn đo. Vai diễn ngắn nhưng kịch bản thực sự cảm động, khiến tôi khóc không ngừng khi đọc. Hơn nữa, đạo diễn bộ phim này là NSƯT Vũ Trường Khoa - người tôi rất nể trọng. Tôi từng làm việc với chú khi đóng Những cô gái trong thành phố và chưa bao giờ từ chối chú bất kỳ lần nào. Chỉ cần chú gọi, tôi sẽ không suy nghĩ gì.
- Chị nhận phản hồi thế nào khi phim lên sóng?
- Sau khi tập một lên sóng, rất nhiều người nhắn tin hỏi tôi: "Sao suốt ngày đóng vai khổ thế" (cười). Yến là một nhân vật có số phận rất éo le, nặng tâm lý. Suốt ba tập liền, biến cố cứ nối tiếp biến cố. Ngày nào đi quay về, hai mắt tôi cũng sưng húp vì hầu như cảnh nào cũng phải khóc. Ngoài ra, tôi còn có nhiều cảnh bị đánh và mỗi ngày đi quay về lại có thêm một vết bầm. Sau khi hết vai, tôi không thể đếm nổi trên người có bao nhiêu vết bầm tím trong quá trình đóng phim. Đây đúng là trải nghiệm thú vị với tôi.
- Chưa đầy 30 tuổi đã phải đóng vai mẹ đơn thân của một cô bé tiểu học, chị làm cách nào để tìm mối liên kết nhân vật?
- Thể hiện vai Yến với một cô gái trẻ, chưa nhiều trải nghiệm như tôi không phải chuyện đơn giản. Tuy nhiên, tôi may mắn được đạo diễn Vũ Trường Khoa giúp phân tích về vai diễn rất kỹ. Trên trường quay, chú rất hay tâm sự với tôi về về thân phận các bà mẹ đơn thân những năm 1990. Điều chú nói khiến tôi hiểu và thương nhân vật của mình nhiều hơn.
- Chị đồng cảm với nhân vật thế nào?
- Thân phận bà mẹ đơn thân ngày xưa khác bây giờ nhiều lắm. Những năm 1990, một phụ nữ sinh con và nuôi con một mình là điều rất ghê gớm, chịu chỉ trích dữ dội từ người đời. Vì sự bồng bột của tuổi trẻ, Yến có con với người đàn ông đã có vợ nên những ánh mắt miệt thị càng khủng khiếp hơn. Yến không chỉ bị người ngoài mà cả mẹ đẻ chỉ trích, hắt hủi. Cô ấy cô đơn trong chính nhà mình. Vì vậy, con gái là nguồn sống duy nhất của Yến.
Tôi đọc kịch bản đến 2-3 lần và lần nào cũng khóc. Mỗi lần đọc, tôi càng thấm nỗi đau khổ của nhân vật và đôi khi phải thốt lên "Tại sao lại có người khốn khổ đến vậy?". Không chỉ tôi, mọi người trong đoàn phim đều thương xót Yến. Tôi tin khán giả cũng sẽ như thế.
- Đâu là phân đoạn khiến chị vất vả nhất khi đóng 'Thương ngày nắng về'?
- Cảnh bị đánh ghen ở tập một có thể nói là cảnh vất vả nhất, cả về nghĩa đen lẫn bóng. Tôi cùng các bạn diễn tập và quay suốt 3-4 tiếng, đến khi vào cận thì trời sập tối nên phải quay tiếp một ngày khác để giữ đúng rắc-co. Hai bạn diễn của tôi trong cảnh đó đều là vận động viên thể thao. Các bạn chưa có kinh nghiệm đóng phim nên làm gì cũng rất thật, kể cả giằng co hay đánh đập. Cả hai đều rất khỏe, chỉ cần lôi một phát là tôi không thể nhúc nhích được. Kiệt sức vì cảnh đánh ghen càng khiến cảm xúc của tôi chân thật hơn khi đóng phân đoạn con chạy lại với mình sau đó. Lúc diễn, tôi cảm giác như nghẹt thở và rất sợ mất con. Cảm xúc đan xen lẫn lộn suốt buổi làm việc nên đến khi về nhà, tôi vẫn bồi hồi vì cảnh quay đó.