Theo giới kim hoàn "bật mí" các "đại gia" kinh doanh kim cương đã chuẩn bị hàng có trị giá rất lớn cho mùa mua sắm cuối năm, bởi theo đánh giá của họ xu hướng tiêu thụ các loại nữ trang gắn kim cương đang là mốt "thời thượng" và đang trên đà ăn nên làm ra...
Theo giới kinh doanh, 8 tháng đầu năm 2006, lượng kim cương bán ra trong nước tăng đều khoảng 25-35%/tháng. Chỉ riêng thị trường TP HCM và Hà Nội đạt xấp xỉ khoảng 250-300 tỷ đồng/tháng. Nhiều "đại gia" chuyên doanh ước lượng, mức tiêu thụ mặt hàng này trong trước năm nay sẽ tăng lên gấp 5-6 lần so với năm ngoái.
Ở TP HCM hiện nay có cả trăm cửa hàng vàng bạc - đá quý, mua bán trang sức. Tại các chợ, trung tâm thương mại ( TTTM ) đều "ít nhiều có bán kim cương" đủ hạng từ cỡ lớn cho đến loại nhỏ.
Theo chị Bích Thuỷ, nhân viên quầy kim hoàn KT ở chợ An Đông (quận 5), xu hướng tiêu thụ trang sức kim cương ngày càng phổ biến. Sức tiêu thụ năm sau cao hơn năm trước. Không chỉ hàng "cám", kể cả viên lớn trên 8 ly có giá bán từ 50.000 USD/viên trở lên cũng có nhiều người đặt hàng.
Thậm chí, có người đi mua mỗi lần cả chục viên kim cương để làm trang sức cho con em và gia đình. Điều này càng được khẳng định khi qua tìm hiểu được biết phần lớn các chủ có kinh doanh mặt hàng này đã không ngần ngại bỏ ra khoản phí cả chục nghìn USD để cho con em ra nước ngoài học nghề thẩm định kim cương - đá quý.
Nhiều cửa hàng lớn trang bị cả máy soi, máy phóng đại kĩ thuật số không những để " phô trương" thương hiệu mà còn để "thuyết phục khách hàng", bằng cách cho họ tận mắt nhìn thấy chi tiết, góc cạnh của viên đá để chọn lựa.
Việc đeo các loại trang sức bằng vàng để "thể hiện chính mình" hiện nay đã "xưa rồi Diễm". Thay vào đó là các loại trang sức có đính "giọt lệ đài trang" (kim cương) càng nhiều càng tốt. Với tiểu thương các chợ, trang sức kim cương thể hiện đẳng cấp" sành điệu và uy tín" kiểu mới.
Bà K. ở chợ An Đông (quận 5) nổi tiếng với 2 viên kim cương "tổ chảng": chiếc nhẫn "nữ hoàng'' đeo bên tay trái đính 18 viên kim cương, trong đó ''hạt đỉnh'' to nhất khoảng cỡ 6,5-7ly. Còn chiếc nhẫn tay phải là 16 kim cương kết kiểu hình thoi cỡ 3 ly/viên trở lên. Có lẽ nhờ ''biểu hiện'' này mà sạp hàng sỉ của bà đã thu hút khá đông khách hàng đến giao dịch.
Hay bà T., một chủ trung tâm điện máy ở đường Nguyễn Huệ (quận 1) luôn đem bên mình chiếc nhẫn kim cưong "to như hạt đậu" cỡ 9,5 ly để "chứng tỏ đẳng cấp".
Không chỉ có những người đang kinh doanh mà lớp người trẻ cũng chơi kim cương như một kiểu khẳng định mình. Chẳng hạn Bảo 32 tuổi "quý tử" của một giám đốc công ty thương mại NTT tại quận 3, sở hữu một chiếc nhẫn lục giác cân đến 20 hột cỡ 3 ly. Thậm chí, đến như chị Huệ ở huyện Bình Đại, Bến Tre, chẳng là tiểu thương hay "quý tộc" gì song nhờ gia đình có tàu đánh cá xa bờ và cứ vài đợt tàu cập cảng là chị lại lên An Đông "tậu" vài viên kim cương lớn hay nhỏ tuỳ thích…
Để phục vụ mùa cưới năm nay, nhiều bộ trang sức vừa mới được các công ty PNJ, SJC tung ra thị trường đều có đính kim cương. Theo người bán, nhẫn cưới hiện nay bán được nhiều nhất là loại có gắn hạt kim cương nhỏ cỡ 2-2,5 ly. Với mức giá 12-50 USD (tuỳ chất lượng), nhẫn cưới gắn kim cương trở nên phổ biến vì nó không còn quá đắt đối với bạn trẻ.
Nhu cầu mua kim cương loại "kha khá" có giá trị cao thuộc về giới "đại gia" đang làm ăn. Đồng thời những người buôn bán kim cương luôn tuân thủ nguyên tắc không bao giờ tiết lộ danh tiếng cũng như món hàng mà thân chủ đã mua của mình. Do vậy, loại kim cương có giá trị từ 800 triệu đến cả tỷ đồng đang ở Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng nhưng khó xác định chủ nhân.
Các nhà kinh doanh cho biết, nguồn hàng đưa về Việt Nam hiện nay khá đa dạng: có đợt nhập từ Nga, Hà Lan, Mỹ…song hiện chủ yếu từ Hong Kong hoặc Thái Lan. Nổi tiếng trong lĩnh vực kim cương ở mỗi địa bàn như Xuân Thu (Chợ Thiếc), Kim Ly (An Đông), Lucie (khu vực Bến Thành), Alpha (Đồng Khởi), PNJ, SJC…
Tiêu thụ kim cương đang tăng mạnh, nhưng không một nhà kinh doanh nào dám tự hào "khoe thành tích" kinh doanh tốt. Bởi lẽ từ công ty quốc doanh cho đến cửa hàng tư nhân đều "có lấy hàng" từ nhiều nguồn nhập không chính thức. Vì vậy, chưa có con số thống kê cụ thể nào về quy mô tiêu thụ thị trường này tại Việt Nam.
Về khía cạnh tiêu thụ, người tiêu dùng đang cần những giấy chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn thống nhất để đảm bảo cho món hàng giá trị cả trăm triệu đồng. Trong bối cảnh mỗi hiệu buôn bán kim cương chỉ có mạng phân phối nhỏ hẹp ở một vài nơi trong thành phố hay các tỉnh thì người tiêu dùng thường phải chịu thiệt thòi khi mua đi bán lại. Còn về khía cạnh kinh doanh, do thuế nhập kim cương lên tới 10%, mức lãi bán kim cương khoảng 5 đến 10% mà nhà nước không kiểm soát nổi nên hàng nhập lậu cứ thế tung hoành.
Để nhận biết kim cương có đạt chất lượng hay không phải dựa vào "Six Cs", 6 yếu tố chuẩn định của quốc tế như: chi phí sản xuất (cost), nét cắt (cut), trọng lượng (carat), màu sắc (color), đặc tính (characteristics) và giấy chứng nhận sản phẩm (lý lịch). Trong đó, nét cắt đóng vai trò quan trọng, quyết định đến việc gia tăng trọng lượng, độ sắc sảo, độ chiếu sáng hay nét phản chiếu tối đa trên bề mặt của hạt… Bên cạnh đó, "lý lịch" sản phẩm (có số xác nhận riêng) nhằm để phân loại và xác định độ chuẩn, giá trị của kim cương, giúp chủ nhân dễ dàng trao đổi, mua bán và định giá.
(Theo Thị Trường Tiêu Dùng)