Ngày hửng nắng, trong hội trường Trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên), đội văn nghệ đang chuẩn bị các tiết mục cho hội diễn đầu xuân. Nữ phạm nhân Kim Anh cũng đang say mê tập múa. Vụ án trên xe Lexus xảy ra đúng ngày Valentine 14/2/2009 và nếu không có vụ án đó, giờ này Kim Anh đã là cô giáo ngày ngày đứng trên bục giảng.
Đã có nhiều ý kiến trái chiều về nữ hung thủ cho đến tận sau ngày cô bị kết án. Thời gian dần trôi, dư âm vụ án dần lắng xuống. Giờ Kim Anh vẫn đẹp như ngày nào nhưng già dặn hơn. Không có những giọt nước mắt đổ xuống như ngày mới bị bắt, cũng không còn nhiều e dè, Kim Anh lặng lẽ trò chuyện.
Ngày mới vào trại, Kim Anh buồn và khóc suốt. Được sự động viên của cán bộ trại và các nữ phạm nhân cùng buồng giam, cô dần lấy lại được thăng bằng, tìm được niềm vui trong lao động và những buổi tập, diễn văn nghệ. Sau khi đọc nhiều bài báo viết về mình, cô tâm sự: "Có một số bài viết không hoàn toàn đúng sự thật và suy diễn quá về em cũng như gia đình em. Em buồn lắm nhưng chẳng biết làm sao".
Mỗi tháng, bố mẹ và chị gái lại được tới thăm Kim Anh một lần, đó là những giờ phút vui nhất. Cô thương bố mẹ vì họ có tuổi rồi mà vẫn phải lặn lội mấy trăm cây số từ Cao Bằng xuống thăm con.
Kim Anh (trái) đang đọc thư của gia đình. |
Theo lời Kim Anh, hồi đó cô còn trẻ người non dạ, chẳng chuyên tâm học hành mà sa vào một số mối quan hệ chẳng đâu vào đâu. Trong một phút nông nổi cô đã làm chuyện tày đình khiến bản thân và bao người, nhất là người thân phải khổ.
"Chuyện đã qua lâu rồi, em không muốn nhắc nhiều đến quá khứ buồn. Giờ em chỉ mong được dần quên đi nỗi buồn ấy để cải tạo thật tốt, sớm được ra trại để làm lại tất cả, để được đền chút ơn hiếu nghĩa cho bố mẹ và những người yêu thương em dù là muộn màng…", Kim Anh nói.
Khi mới vào trại, Kim Anh được phân công lao động tại xưởng gia công của phạm nhân nữ, sau đó được tham gia đội văn nghệ của trại. Sở trường của cô được phát huy vì đã đóng góp rất nhiều vào thành tích của đội văn nghệ. Điệu múa, lời ca, tiếng hát của cô như lời tự sự của chính nỗi lòng mình trên con đường hướng thiện.
Trong buổi trò chuyện, Kim Anh chợt hỏi về con đường Trần Quốc Hoàn phía sau trường nơi cô đã học. Đây là con đường có nhiều quán ăn vặt mà cô cùng các bạn vẫn thi thoảng la cà khi còn là sinh viên. "Giờ này ngày trước là lúc bọn em xuống trường sau kỳ nghỉ Tết. Sau giờ học bạn bè lại rủ nhau lượn phố đi mua sắm đầu xuân…", nữ phạm nhân trải lòng và khoe vừa nhận được thư của mẹ gửi lên.
Nhìn Kim Anh đọc thư và chia sẻ với một nữ phạm nhân khác, ai cũng nghĩ rằng dù cô có sai lầm nhưng vẫn còn nhiều người yêu thương và chia sẻ. Đó là niềm tin, là nguồn động viên để nữ phạm nhân này vững tin đứng lên làm lại tất cả.
Thiếu tá, Phó giám thị Lê Đình Thanh cho biết, vì tò mò bởi vụ án xôn xao ngày ấy mà nhiều đoàn khách khi đến làm việc tại trại giam muốn gặp "người phụ nữ nổi danh". Nhưng để đảm bảo tính nhân văn và tạo điều kiện để phạm nhân yên tâm cải tạo, Ban giám thị trại đều phải xem xét kỹ từng yêu cầu gặp và khéo léo từ chối những yêu cầu không cần thiết.
Ông bảo, mỗi người mỗi số phận, nếu ai phạm tội thì khi bị kết án là họ đã phải trả giá cho những sai lầm của mình, điều cần làm là hãy tạo điều kiện tốt nhất có thể để họ đứng lên làm lại cuộc đời từ những vấp ngã ấy.
Vụ án giết người trên xe Lexus đã khiến dư luận xôn xao đầu năm 2009 và trong phiên xử cuối năm đó, Kim Anh bị TAND Hà Nội tuyên án 14 năm tù.
Theo Công An Nhân Dân