Buổi chiếu phim và giao lưu với êkíp thuộc khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) Quốc tế TP HCM. Kiều Trinh đến sự kiện với mái tóc buông xõa và bộ đồ bà ba, gợi nhắc tạo hình của chị trong Mùa len trâu. Ngồi trong rạp xem lại phim, chị nhiều lần xúc động. Khi cùng đoàn gửi lời chào khán giả, chị rơi nước mắt.
Với Kiều Trinh, đây là vai diễn đáng giá và đáng nhớ nhất. Chị mang ơn đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, người đưa chị bước vào điện ảnh. "Nếu không có anh Minh và Mùa len trâu, không thể có diễn viên Kiều Trinh, các con Thanh Tú, Kỳ Phong của tôi cũng chưa chắc làm diễn viên. Đời tôi nhiều biến cố, có lúc tôi bị mất trí nhớ. Nhưng riêng bộ phim này, tôi ghi nhớ từng điều nhỏ nhất", chị tâm sự.
Kiều Trinh mong chờ buổi chiếu Mùa len trâu từ trước cả tuần. Đang bận quay phim mới, chị xin phép vắng mặt vài tiếng để đến gặp gỡ đoàn phim và khán giả. Trước khi rời đi, chị dành cho đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh một cái ôm tình cảm. Từ sau khi phim đóng máy, đây mới là lần thứ hai hai nghệ sĩ hội ngộ.
Trong Mùa len trâu, Kiều Trinh đóng vai Bân. Cô yêu một người len trâu thuê, sinh con cho anh nhưng bị gia đình ngăn cấm. Nữ diễn viên thử vai năm 2002, theo đoàn đi quay trong 10 tuần ở miền Tây vào một năm sau đó. Kiều Trinh thấy trùng hợp vì thời điểm ấy, chị ở trong phim hay ngoài đời đều có con 5 tuổi, sống xa chồng.
Kiều Trinh xuất thân là công nhân may, chưa từng qua trường lớp đào tạo diễn xuất, nhưng có một số bạn thân trong giới cascadeur. Một lần đến Hãng phim Giải Phóng uống cafe, chị được nghệ sĩ Lê Quang (người đóng Võ Tòng trong phim Đất phương Nam) khuyến khích thử vai trong Mùa len trâu.
Chị nhớ lại: "Thú thật lúc ấy, tôi chỉ muốn đến buổi casting để xem anh Lý Hùng, chị Việt Trinh có ở đó không, chứ không nghĩ đến chuyện làm diễn viên. Tôi ấn tượng đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh có mái tóc hơi giống nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đôi mắt nâu và phong thái rất hiền lành. Anh hỏi tôi quê ở đâu, biết bơi không và có gia đình chưa. Tôi hồn nhiên kể mới ly dị, có con gái 5 tuổi. Tôi không biết bơi nhưng chèo ghe rất giỏi, nhờ có lần học theo một bà cụ chèo ghe ở miền Tây. Hôm đó, tôi diễn thử một cảnh rồi ra về, còn tự hỏi tại sao casting đơn giản quá".
Vài tháng sau, Kiều Trinh được đoàn phim liên lạc lại, trải qua thêm vài vòng casting rồi được chọn. Chị tiết lộ ở vòng tuyển lựa sau cùng, đạo diễn ưng ý ba ứng viên. Nhà sản xuất ở Pháp, Bỉ và bà xã của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh đều chọn chị. Với chị, đây là hạnh phúc lớn. Những ngày theo đoàn rong ruổi, Kiều Trinh và các diễn viên, thành viên đoàn thường phải ngồi ghe cả tiếng mới vào đến điểm quay. Chị xem mọi sự vất vả khi làm phim là chuyện bình thường.
Mùa len trâu được dựng thành phim theo truyện ngắn cùng tên trong cuốn sách Hưng rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam. Chữ "len" trong tên phim vốn là từ đọc trại âm của "lèn" - theo tiếng Khmer nghĩa là thả, lùa đi. Đây là tập tục người Việt học hỏi từ đồng bào Khmer, chỉ việc những người nông dân đưa trâu đến các vùng đất nổi, tìm cỏ ăn vào mùa nước lũ dâng cao.
Phim gây choáng ngợp bởi các đại cảnh cả đàn trâu lúc nhúc lội ruộng. Theo lời đạo diễn, đoàn phim sử dụng gần 350 chú trâu "diễn viên", được gom góp mỗi nhà một ít từ các hộ dân địa phương. Trước mỗi buổi quay, họ tốn cả tiếng để dàn dựng bối cảnh, tập hợp đàn trâu. Có lúc vừa thả ra, nhóm "diễn viên bốn chân" chạy tán loạn.
Bên cạnh đó, các cảnh mưa giông, nước nổi cũng là thử thách với đoàn phim. Là người gốc Khmer, diễn viên Thạch Kim Long hỗ trợ êkíp nhiều việc trong quá trình quay. Tác phẩm là phim dài đầu tay của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, gây tiếng vang trên thế giới, thắng nhiều giải thưởng: "Giải đặc biệt" ở LHP Locarno, Thụy Sĩ; "Đạo diễn mới xuất sắc" ở LHP Chicago, Mỹ; "Kỳ Lân Vàng", Grand Prix của LHP Amiens, Pháp...
Từ Mỹ về Việt Nam dự LHP Quốc tế TP HCM, đạo diễn xúc động không kém Kiều Trinh. Anh gửi lời tri ân các thành viên đoàn phim đã qua đời: nghệ sĩ Ánh Hoa, nghệ sĩ Hữu Thành...
Phong Kiều