- Mấy năm nay, chị góp mặt trong nhiều phim điện ảnh và truyền hình nhưng chủ yếu đóng vai phụ, đặc biệt là vai mẹ của nam - nữ chính. Chị gặp khó khăn gì trong việc tìm kiếm vai chính?
- Phim Việt Nam thường ưu tiên mời diễn viên trẻ đóng chính. Diễn viên muốn tự ý chọn kịch bản phải là sao hạng A hoặc đồng thời là nhà sản xuất, nhà đầu tư của phim. Tôi luôn được mời trực tiếp, không cần qua casting đã là một ưu ái lớn lắm rồi. Tôi cho rằng mỗi thời điểm, tôi phù hợp với một vài kiểu vai diễn. Tôi không biết mọi người nghĩ sao, còn tôi thấy chẳng có gì phải ngại khi đóng vai mẹ của diễn viên chính. Lợi thế của tôi là gương mặt ở tầm trung, có thể hóa trang già đi hoặc trẻ lại, thậm chí thể hiện một nhân vật ở nhiều giai đoạn.
- Trên phim, chị hay đóng vai người vợ, người mẹ có số phận, lam lũ hoặc mang nỗi khổ tâm. Chị tìm thấy sự đồng cảm nào ở các nhân vật?
- Có lẽ nhiều người đã biết câu chuyện đời tư của tôi rồi. Mấy chục năm qua, tôi không may mắn trong đời sống tình cảm và hôn nhân. Vì vậy, khi đóng phim, tôi dễ tìm sự đồng điệu để nhập vai. Tất nhiên, mỗi vai diễn giống tôi ở một câu chuyện hoặc một giai đoạn thôi, không giống tuyệt đối.
Trong Thưa mẹ con đi, nhân vật của tôi có chồng như không có, chẳng nhờ vả được gì. Tôi cũng từng như vậy trong cuộc hôn nhân thứ hai cách đây 10 năm. Trong phim Thang máy mới chiếu ngoài rạp, tôi vào vai người phụ nữ có con gái riêng và trải qua cuộc sống không hạnh phúc khi đi bước nữa. Tình huống trong phim gợi tôi nhớ đến giai đoạn tôi cùng con gái lớn Thanh Tú sống với người chồng thứ hai.
Tôi trải qua nhiều lần yêu, hai lần cưới. Thanh Tú 23 tuổi thì gần như chừng đó năm, tôi đều làm mẹ đơn thân. Vừa làm mẹ vừa làm cha, tôi một mình lo liệu chu toàn cho các con về học hành, sinh hoạt, tinh thần; một mình cân bằng cuộc sống và công việc; một mình bươn chải nuôi gia đình và lo nợ nần. Giống nhiều nhân vật của mình, cuộc đời tôi cũng nhiều biến cố, thăng trầm. Năm 33 tuổi, tôi trắng tay vì bị lừa hết tiền mua nhà, chịu cú sốc má ruột mất chỉ vài ngày sau khi tôi sinh con trai thứ hai. Tôi cũng từng gặp tai nạn, bị rách và phải khâu vết thương lớn trên mặt, để lại di chứng nhớ nhớ quên quên tới tận bây giờ.
- Trước đây, chị đóng một vài cảnh ‘nóng’ táo bạo và xuất hiện trên báo chí với danh xưng nữ hoàng cảnh ‘nóng’. Những chuyện này ảnh hưởng thế nào tới cuộc sống riêng của chị và các con?
- Tôi thực sự rất ghét danh xưng đó. Nhưng sau này tôi nghiệm ra tôi không cần thiết bận tâm dư luận, bởi dư luận không nuôi sống được mẹ con tôi. Mấy chục năm nay, tôi hầu như chỉ có một mình, không bị ràng buộc trong quan hệ tình cảm, nên các cảnh phim nhạy cảm của tôi không ảnh hưởng cuộc sống gia đình. Nhưng chuyện đó từng làm tổn thương Thanh Tú.
Năm Tú học lớp 9, cô giáo của Tú gọi điện báo Tú nghỉ học hai tuần. Nghe tin, tôi thấy trời đất trước mắt mình như sụp đổ. Hàng ngày, Tú vẫn mặc đồng phục đi học và về nhà đúng giờ, nhưng thì ra con nói dối tôi. Hôm đó đợi con về, tôi cố giữ bình tĩnh hỏi chuyện. Tôi hỏi mấy lần, Tú vẫn trả lời con đi học. Tức quá, tôi cầm chổi đánh con, đánh tới gần nát cây chổi. Vậy mà Tú lì lắm, cắn răng chịu không nói.
Tới khi tôi khóc, Tú mới xin lỗi và nói bạn bè xem phim Bi, đừng sợ và chọc Tú là "mẹ mày không ra gì". Tú không muốn đi học để phải chạm mặt bạn bè. Tôi phải khuyên giải con rất nhiều, Tú mới chịu trở lại lớp. Tuổi thơ của Tú nhiều thiệt thòi vì sống xa bố mẹ, không được hưởng thụ sự kinh tế dư dả. Ở tuổi học sinh, con phải tự lập sớm, thay mẹ lo cho em. Con bé ít nói và cũng không có nhiều cơ hội chia sẻ với mẹ. Sau này, tôi tâm sự với con nhiều hơn để hai mẹ con gần gũi, không có những xa cách và giấu giếm.
- Hiện tại, chị vừa đóng phim, quay show, mở tiệm thiết kế và may đo áo dài. Tại sao chị không tạm dừng đóng phim, tập trung cho cửa hàng áo dài để đỡ vất vả và có thu nhập tốt hơn?
- Khi tôi mở tiệm áo dài, nhiều người tưởng tôi bỏ nghề lắm. Đúng là năm đó, tôi không có phim truyền hình nào và nhận ít phim điện ảnh. Tôi tính làm thêm công việc khác để duy trì thu nhập ổn định, nhưng bỏ hẳn nghề diễn thì không. Đóng phim 17 năm nay, tôi tin Tổ nghề chọn mình dù năm xưa tôi không định hướng trở thành diễn viên. Tới giờ, tôi yêu diễn xuất và muốn đóng phim đến già. Hết kiếp này qua kiếp sau, nếu còn duyên, tôi vẫn muốn làm nghệ sĩ (cười).
Tôi thấy đóng phim không có gì quá cực, được nhiều hơn mất, chỉ là hay phải thức khuya dậy sớm thôi. Mọi người đừng so bì cát-xê diễn viên không bằng ca sĩ. Ai cũng có thời và có lợi thế riêng. 17 năm nay, tôi luôn tự may phục trang cho mình đi quay phim, lại biết chỗ mua vải giá sỉ nên rất tiết kiệm, không phải rơi vào cảnh cát-xê không đủ sắm sửa cho vai diễn.
- Thường xuyên đi quay phim xa, lại phải chạy đi chạy lại giữa cửa tiệm ở TP HCM và quê nhà Bình Phước. Sức khỏe, tinh thần của chị bị ảnh hưởng thế nào?
- Cách đây hai năm, công việc và sức khỏe của tôi đều không tốt. Nhiều lúc đang đứng, tự nhiên tôi thấy chóng mặt, đầu óc quay cuồng rồi ngất xỉu. Tôi từng nghĩ đến việc dừng đóng phim, chuyển về quê sống cùng ba. Nhưng chỉ vài tháng, tôi lại nhớ nghề.
Hiện giờ, tôi di chuyển liên tục. Mọi người nghĩ tôi vất vả nhưng thực ra tôi quen rồi. Ở quê, tôi được hít thở không khí trong lành, ăn rau củ, thực phẩm sạch từ vườn nhà. Ở TP HCM, tôi lại được sống với nghề diễn và duy trì cửa tiệm. Tôi thường nhận đơn online rồi cắt may. Khi tôi bận quay phim, thợ ở nhà thay tôi quán xuyến.
Từ hồi tập yoga, sức khỏe của tôi được cải thiện nhiều lắm. Tháng trước, tôi nhận một phim ở Đà Lạt nhưng vẫn vướng mấy show ở TP HCM, phải đi đi về về mấy chuyến. Từ TP HCM, tôi lên xe lúc 12h đêm. 5h sáng, tôi tới Đà Lạt và 6h sáng lên xe đoàn đi quay. Vậy mà tôi đâu có bệnh tật gì nữa đâu!
- Chị vừa nói năm xưa chị không định hướng trở thành diễn viên. Vậy mối duyên nào đưa chị đến với nghề này ?
- Năm 2003, tôi đọc một tạp chí về điện ảnh, thấy thông báo tuyển diễn viên triển vọng. Thú thật, tôi không nuôi mộng trở thành diễn viên, chỉ tò mò người ta tuyển diễn viên thế nào vì từ bé, tôi rất mê xem phim kiếm hiệp, hành động của Hong Kong. Thế là tôi đăng ký. Tôi vẫn nhớ trong buổi thi tuyển khoảng 300 người ở nhà hát Hòa Bình, chỉ mình tôi mặc áo dài. Các thầy đưa tình huống, bảo tôi làm gì tôi làm nấy. Tôi cũng không biết tại sao tôi dám đi tới đi lui trên sân khấu, làm những cử chỉ tự nhiên như vậy. Ai ngờ đâu, tôi trúng tuyển.
Nhưng tôi tham gia lớp đào tạo hơn một tháng thì phải nghỉ, vì bận công việc ở xưởng may lúc ban ngày và việc chạy bàn ở quán bar vào buổi tối. Một thời gian sau, nghệ sĩ Lê Quang (đóng vai Võ Tòng trong phim Đất phương Nam) gợi ý tôi casting phim Mùa len trâu. Tôi cũng đánh liều đăng ký với suy nghĩ biết đâu được gặp hai thần tượng Việt Trinh, Lý Hùng (cười).
Ở buổi casting, tôi ấn tượng đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh có nét mặt rất Tây, nói chuyện nhỏ nhẹ, hiền lành. Anh Minh hỏi tôi quê ở đâu, sinh năm bao nhiêu, có chồng chưa, biết bơi không rồi cho tôi về. Tôi nghĩ bụng sao người ta tuyển diễn viên mà đơn giản quá. Hai tháng sau, đoàn phim mời tôi đến thử kịch bản. Qua vài vòng tập và diễn thử, tôi được đích thân đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh gọi điện mời nhận vai nữ chính. Lúc đó, tôi vui lắm nhưng vẫn chưa nghĩ đến đường dài với cái nghề này.
Mùa len trâu đóng máy, tôi rời TP HCM ra Hà Nội làm việc. Bận kiếm tiền, tôi quên luôn mình từng đóng phim. Khoảng một năm sau, BTC giải thưởng Cánh Diều Vàng mời tôi đến dự và nhận giải thay đạo diễn vì anh ở nước ngoài. Cùng đợt đó, tôi và anh Minh được mời sang Bangkok dự LHP.
Đó là khoảng thời gian hạnh phúc của đời tôi. Nhiều khách quen ở quán bar tôi làm nhận ra tôi trên sóng truyền hình trực tiếp khi xem trao giải Cánh Diều Vàng. Hàng chục tin nhắn, cuộc gọi đổ về cái điện thoại "cùi bắp" hồi đó của tôi để hỏi thăm, chúc mừng. Chuyến đi Thái Lan cũng bi hài lắm! Được bạn cho mượn máy ảnh, tôi chụp toàn cảnh ăn và chơi, chỉ có đúng hai tấm trên thảm đỏ. Chuẩn bị hẳn ba bộ áo dài nhưng tôi lại mặc áo sơ mi, quần jeans đến đêm trao giải, vì tôi không rõ lịch trình của đoàn. Nhưng khi bước trên thảm đỏ, tôi thấy mình như đi trên mây bởi ánh đèn flash chớp sáng. Lúc bấy giờ, tôi mới thấm thía giá trị của một người diễn viên.
Hai lễ trao giải kết thúc cũng là lúc tôi lựa chọn quay lại miền Nam, đón Thanh Tú từ quê ngoại xuống TP HCM đi học. Mọi chuyện vừa khít cùng thời điểm. Từ đợt đó, tôi bắt đầu nhiều lời mời đóng phim. Giai đoạn cao điểm, tôi nhận mấy phim một lúc. Tôi cảm giác như nghề đã chọn mình.
Tôi nhớ lúc quay Mùa len trâu, tôi có vài va chạm và vướng những lời đồn ác ý. Tôi rất tự ái và tuyên bố đó là phim đầu tiên cũng là cuối cùng của mình. Nghe vậy, đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh bảo tôi rằng: "Em đừng quan tâm những chuyện đó. Em cứ giữ cái nghề này, còn có nhiều điều tuyệt vời em chưa biết". Chính nhờ câu nói đó mới có diễn viên Kiều Trinh của bây giờ.
Phong Kiều thực hiện