Ăn trầu đang bốc cháy là một trong những nét văn hóa độc đáo ở Ấn Độ, đặc biệt thu hút đàn ông và sự tò mò của du khách. Các quầy bán trầu lửa (tiếng Anh: fire paan) ở New Delhi, Mumbai... luôn đắt khách xếp hàng. Nó cũng được xem là một món ăn đường phố phổ biến tại đất nước tỷ dân. Thành phần chính của trầu lửa tương tự các món trầu bình thường ở Ấn Độ, với lá trầu tươi phết chút vôi, đủ loại gia vị, hoa quả sấy khô, cau khô, thuốc lào... sau đó được đốt cháy bừng rồi người bán trực tiếp đưa vào miệng khách, mang đến trải nghiệm thú vị.
Người mới nhìn thấy món này lần đầu chắc chắn sẽ hơi e ngại khi nếm thử, bởi lửa thực sự cháy rực và nóng. Không ít thực khách nói rằng chỉ cần bạn đủ dũng cảm để chủ quán nhét một miếng trầu lửa vào miệng, vượt qua cảm giác âm ấm trong cổ họng, sau đó sẽ thấy rất thoải mái và hương vị thơm ngon. Thậm chí, nhiều người mô tả rằng ăn trầu lửa thực sự khiến họ cảm thấy mát mẻ nhờ đinh hương nghiền nát và lá bạc hà bên trong.
Sau khi nhai trầu, thực khách có thể nuốt hoặc phun ra. Tuy nhiên, món này từng gây tranh cãi vì dẫn đến tình trạng ô nhiễm tại các không gian công cộng khi thực khách phun bã trầu, nước trầu ra đường phố. Bên cạnh đó, một cuộc họp tại Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế năm 2009 đã kết luận rằng nhai trầu (ngay cả khi không có thuốc lào) có thể gây ra các khối u trong khoang miệng, thực quản, dẫn đến ung thư.
Thế nhưng, tại Ấn Độ, người ta tin rằng nhai trầu có tác dụng chữa bệnh rất tốt, nhất là bệnh cảm lạnh thông thường, cảm cúm và đau họng. Chính niềm tin này là cảm hứng để chủ một tiệm trầu ở New Delhi tiên phong tạo ra món trầu lửa, rồi trở nên nổi tiếng và được nhiều người ưa chuộng.
Diệp Tử