Một đám cưới ở Tajikistan. |
"Cách đây 2 năm, anh ta đưa một phụ nữ đến nhà em trai anh ta. Đó là khi cuộc đời của tôi chấm dứt, tôi trở thành vợ cả", Ismoilova thổ lộ, tay run run đưa điếu thuốc lên môi.
Người phụ nữ này cho biết cô không thể tưởng tượng nổi tình cảnh hiện nay của mình khi lấy chồng 11 năm trước.
Tục đa thê tồn tại ở quốc gia chủ yếu theo đạo Hồi này trong 70 năm, nhưng nó chỉ xảy ra trong những thỏa thuận bí mật. Thế rồi xảy ra sự kiện Liên Xô sụp đổ và Tajikistan lâm vào cuộc nội chiến khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, đa số là nam giới.
Kể từ đó, theo thống kê của chính quyền Nga và Tajikistan, có đến hàng triệu đàn ông Tajikistan di cư sang Nga để làm việc, gây ra sự mất cân đối nghiêm trọng giữa nam giới và phụ nữ ở đất nước chỉ có 6,5 triệu dân.
Nhìn thấy sự chênh lệch này, đàn ông Tajikistan bắt đầu thực thi tục đa thê công khai, dùng luật Hồi giáo và ý muốn tìm bạn đời của phụ nữ để lấy cớ cho hành động phi pháp của mình. Người Tajikistan cho biết các cuộc hôn nhân đa thê giờ đây có thể được tìm thấy ở hầu hết các gia đình ở Dushanbe.
"Các cô gái cần có chồng, bằng không gia đình họ phải chịu xấu hổ. Đạo của chúng tôi cho phép đa thê với điều kiện tôi có việc làm và đối xử các vợ của tôi như nhau. Vợ hai của tôi phải biết ơn tôi, và họ cần phải như vậy", Ali Fidhoum, một kỹ sư 37 tuổi, nói.
Nhưng không phải ai cũng biết ơn như Fidhoum. Ismoilova cho biết gia đình thứ hai của chồng cô đã làm cô cảm thấy tủi hổ, nghèo khổ và ảnh hưởng đến quyền dạy bảo con mình.
Ismoilova tâm sự rằng: "Anh ta cố gắng đưa con của tôi và anh ta đến căn hộ của người vợ mới vì cô ta không thể có con. Anh ta chia rẽ tôi với con mình. Tôi chẳng thể làm được gì. Đầu tiên chồng tôi bảo tôi không được làm việc gì. Giờ thì tôi không thể rời khỏi nhà nếu không được phép của anh ta". Ismoilova cho biết cô đã từng nhờ một tổ chức vận động pháp lý giúp đỡ nhưng tổ chức này chẳng đưa ra giải pháp thiết thực nào. Gia đình Ismoilova cũng không phải là lối thoát cho cô: người thân duy nhất của cô ở Dushanbe là người mẹ già đang sống nhờ đồng lương hưu ít ỏi. Tôi là một nô lệ và hiện xã hội này chấp nhận điều đó".
Không chỉ Tajikistan, tục đa thê đang thịnh hành trở lại ở Trung Á. Tại Azerbaijan, đã có những cuộc thảo luận về đa thê vào tháng 1/2005. Trước đó 5 năm, Quốc hội Kazakhstan đã bàn về vấn đề này trong khi Turkmenistan đã xem xét vấn đề sớm hơn nhiều, vào tháng 12/1999.
Theo Miriam Cooke, Giáo sư văn hóa Ả Rập thuộc Đại học Duke (Mỹ), vấn đề đa thê trong thế giới Hồi giáo không đơn giản. Bởi, vẫn có những người tự xưng là nhà hoạt động cho nữ quyền nghĩ rằng có thể chấp nhận chuyện làm vợ hai, vợ ba đồng thời với việc là một phụ nữ có trình độ chuyên môn, một người Hồi giáo tốt và có tất cả các quyền của mình. Đây là điều mà đa số các nhà hoạt động nữ quyền cho là sự cản trở đối với tiến bộ của phụ nữ. Còn với những phụ nữ có học vấn và chuyên môn ở Dushanbe, tục đa thê chỉ là nguồn gốc của bất hạnh và tủi hổ.
(Theo Thanh Niên)