Chia tay vùng quê miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam, Đức Linh khăn gói vào Sài Gòn những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước. Hành trang cho tương lai của anh là số tiền ít ỏi từ chiếc máy may cũ bán được. Ban ngày đi hớt tóc dạo để có tiền sinh sống, tối đến anh xin hát tại các quán nhậu, các câu lạc bộ “hát với nhau”, mong chờ cơ hội trở thành ca sĩ chuyên nghiệp.
Thế nhưng, anh cứ lận đận mãi với cái nghiệp cầm ca của mình. Nhận thấy để có cơ hội phát triển nghề nghiệp không thể cứ đi "hát rong" mãi, Linh quyết thi vào Trường Văn hóa Nghệ thuật TP HCM. Vừa học, vừa làm, anh bắt đầu tham gia vào các chương trình ca nhạc của các trung tâm văn hóa, rồi các đoàn đi tỉnh. Tiền thù lao cho những buổi diễn dù chỉ vài chục ngàn đồng cũng đủ làm anh vui. Có lúc may mắn đi hát ở tỉnh dài ngày thì được 100-200 nghìn đồng, nhưng cũng có hôm không được đồng nào vì trời mưa gió. Vinh quang không đến dù chỉ một lần, ngược lại, hơn 10 năm lăn lộn với nghề ca hát đã làm đôi mắt anh bắt đầu mờ đi, một mắt hỏng hoàn toàn. Ở tuổi ngoài 30 và vừa lập gia đình, anh quyết định chuyển sang sáng tác. Không biết rồi đây cái tên Đức Linh có được nhắc đến như một nhạc sĩ?
![]() |
Ca sĩ hát phòng trà Kiều Giang. |
Từ Vĩnh Long lên Sài Gòn thi vào Trung cấp Nhạc viện TP HCM, Uyên Trang chỉ mơ ước đêm đêm đi hát có tiền nuôi các em ăn học. Sân khấu của Trang là các tụ điểm ca nhạc nhỏ, nhà hàng, đám cưới... Số tiền Uyên Trang kiếm được từ việc ca hát lại quá ít ỏi so với trách nhiệm của người chị, người con lo cho gia đình. Buồn hơn là đôi khi hát tại các làng nướng, quán ăn, Trang đã bị những thực khách say rượu quấy rối. Ngoài ra, những ca sĩ như Trang không phải lúc nào cũng nhận được cát-xê mà chỉ được "ăn bông" (tiền khách tặng gắn vào hoa). Có những đêm, sau khi chia cho ban nhạc, cô chỉ còn đủ 10.000 đồng đổ xăng.
Hoàng Quân, chàng trai đến từ Hà Nội từng là thành viên của nhóm Mặt Trời Đen, cũng không khá hơn. Sau khi nhóm tan rã do không đủ kinh phí tồn tại, Quân một mình quyết bám trụ với nghề, anh phải trải qua rất nhiều việc làm vất vả, trong đó nghề may đã giúp anh nuôi dưỡng ước mơ làm ca sĩ. Ban ngày nhận hàng về may, tối đi hát hội chợ, đi show tỉnh kiếm vài chục nghìn. Vậy mà anh vẫn xoay xở đưa được cả gia đình từ Hà Nội vào TP HCM. Dù gì, với Quân việc lo cho cả gia đình và được đi hát là quá đủ. Nhiều lúc anh nghĩ hay là chuyển hẳn sang cùng gia đình làm nghề may không đi hát nữa. Thế nhưng thứ ánh sáng mờ mờ, ảo ảo của sân khấu vẫn níu lấy anh.
Theo Thanh Niên, cùng nỗi buồn như Đức Linh, Uyên Trang, Hoàng Quân còn có Kiều Giang, Hoàng Vũ đến từ Kiên Giang; Thế Anh đến từ Cần Thơ; Khánh Sơn đến từ Bến Tre... Không phải ai cũng biết rằng Kiều Giang từng đoạt giải nhì Tiếng hát Truyền hình Kiên Giang. Cô chọn Sài Gòn để lập nghiệp và bỏ qua cơ hội thi đại học chỉ để được ca hát. Ngoài việc kiếm sống cho bản thân, cô còn phải có trách nhiệm với gia đình dưới quê. Mỗi tuần Giang phải vượt hơn 200 km bằng xe máy về chăm sóc mẹ. Thấy Giang quá vất vả, gia đình nhiều lần khuyên cô hãy thôi nghề ca hát nhưng Giang không thể: "Dù có phải hát lót em cũng chấp nhận. Em cảm thấy buồn lắm nhưng vẫn sẽ chờ cơ hội. Chúng em không cần nổi tiếng mà chỉ cần sống được bằng niềm đam mê ca hát". Hoàng Vũ cũng cùng tâm trạng với Giang: "Tương lai em còn mịt mờ quá, không biết làm thế nào. Ba em mất khá lâu, em rất muốn lo cho mẹ nhưng đến giờ vẫn chưa lo được...".
Bỏ lại nụ cười trên những sân khấu sáng ánh đèn, họ đã khóc khi bộc lộ tâm sự - những giọt nước mắt cho chính niềm đam mê của mình.