Sau đây là một số công trình tiêu biểu nhất do tạp chí Business Week tuyển chọn.
Sân bay quốc tế Bắc Kinh: Thiết kế và xây dựng bởi Công ty kiến trúc Foster & Partners.
Sân bay Quốc tế Bắc Kinh sẽ là sân bay lớn nhất thế giới, dự kiến mở cửa vào năm 2007, kịp đón khách trong dịp Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Giai đoạn đầu hoạt động, Sân bay Quốc tế Bắc Kinh có khả năng đón 43 triệu lượt khách, sau đó sẽ nâng lên 55 triệu lượt vào năm 2015. Toàn bộ các cổng ga đều được thiết kế chung một mái, với các cửa sổ mái dẫn ánh sáng hắt lên tường thành các màu vàng-đỏ biểu thị các tuyến, chuyến bay khác nhau để khách tiện phân biệt. Sân bay Quốc tế Bắc Kinh được lắp hệ thống kiểm soát thân thiện môi trường, giúp giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm, giảm bức xạ nhiệt giúp cho nhà ga luôn luôn mát mẻ.
Trung tâm tài chính thế giới Thượng Hải: Thiết kế và xây dựng bởi Công ty Kohn Pederson Fox Architects.
Mọc lên ngay ở quận tài chính Lujiazhui thuộc khu Phố Đông, Trung tâm Tài chính Thế giới Thượng Hải là một tòa “tháp của các tháp”, cao 101 tầng, sẽ là tòa tháp cao nhất thế giới khi hoàn tất và đưa vào hoạt động vào đầu năm 2008.
Một trong những thách thức trong thiết kế kiến trúc tòa tháp là làm sao để nó chịu được tác động của sức gió ở độ cao hàng trăm mét. Một giải pháp sáng tạo được áp dụng là thiết kế đỉnh tháp hình chữ nhật rỗng. Không chỉ giảm áp lực gió, khối hình chữ nhật đặc biệt này còn được dùng làm đài quan sát cao nhất thế giới, đặt ở tầng thứ 100.
Trung tâm bơi lội quốc gia, Bắc Kinh: Thiết kế và xây dựng bởi Công ty PTW và KTS Ove Arup.
Được xây dựng phục vụ Thế vận hội Bắc Kinh 2008, Trung tâm Bơi lội Quốc gia Bắc Kinh có vẻ bề ngoài đặc biệt giống như một khối nước vuông khổng lồ, vì thế nó còn có biệt danh là “Khối nước”. “Khối nước” được thiết kế chịu lực động đất, gồm các tấm nhựa Teflon nhẹ gắn trên khung thép uốn cong dạng bong bóng. Khi đưa vào hoạt động năm 2008, khu nhà này sẽ là một tổ hợp tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường, dùng năng lượng mặt trời để thắp sáng và sưởi ấm nước trong các hồ bơi.
Đài Truyền hình Trung ương Bắc Kinh: Thiết kế bởi 2 KTS Ole Scheeren và Rem Koolhaas, người Hà Lan.
Dự kiến khánh thành và đưa vào hoạt động vào năm 2008, Trung tâm Truyền hình CCTV mới được thiết kế “phi chuẩn” so với thông lệ kiến trúc nhà cao tầng, khác với các quy chế về không gian kiến trúc của thành phố Thượng Hải, do vậy việc khởi công xây dựng phải cần tới một hội đồng xét duyệt kỹ càng.
Tòa nhà này cũng không áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành trong ngành kiến trúc xây dựng. Kiểu kiến trúc hình ống vuông chéo dị thường này đang khiến người ta phải “định nghĩa lại” về kiến trúc nhà cao tầng hiện đại.
Khu dân cư Linked Hybrid, Bắc Kinh: Thiết kế bởi Chánh KTS Li Hu và Công ty Steven Holl Architects.
Công trình khu dân cư Linked Hybrid vừa được khởi công vào cuối năm 2005 và dự kiến hoàn thành vào năm 2008. Khu phức hợp Linked Hybrid tọa lạc trên diện tích đất 1,6 triệu feet vuông, bao gồm 8 tòa nhà cao 20 tầng, với 700 căn hộ chung cư có sức chứa 2.500 người. Tại đây sẽ xây dựng một trong những hệ thống sưởi và làm lạnh dùng địa nhiệt lớn nhất thế giới, tất cả liên kết với nhau trên tầng 20 của các tòa nhà, bảo đảm nhiệt độ ổn định cho toàn khu. Các hệ thống sưởi và làm mát này hoạt động nhờ hệ thống ống đôi dẫn nước từ độ sâu 100m trong lòng đất. Toàn bộ công trình dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2008.
Thành phố sinh thái Đồng Tâm: Arup thiết kế tổng đồ án, Shanghai Industrial Investment Corp làm chủ đầu tư.
Tọa lạc trên một hòn đảo giữa sông Dương Tử, có tổng diện tích xấp xỉ khu Manhattan của thành phố New York, Mỹ, Đồng Tâm (Dongtam Eco City) sẽ là thành phố sinh thái đầu tiên trên thế giới khi được xây dựng hoàn chỉnh vào năm 2040.
Dự án được chia ra làm nhiều giai đoạn xây dựng: giai đoạn I dự kiến hoàn tất và đưa vào sử dụng năm 2010, đón 50.000 dân. Từ nay đến năm 2010, thành phố sẽ xây dựng các hệ thống lọc nước tinh khiết, xử lý chất thải và các hệ thống năng lượng tái sinh.
Cầu Đông Hải, nối liền Thượng Hải với đảo Dương Trấn: Thiết kế và thi công bởi China Zhongtie Major Bridge Engineering Group, Shanghai Engineering Co., và Shanghai Urban Construction Group.
Cầu Đông Hải là cây cầu bắc ra biển đầu tiên của Trung Quốc, hoàn toàn do người Trung Quốc đầu tư, thiết kế và thi công. Cầu dài 32km, uốn lượn hình chữ S, gồm 6 làn xe, tổng chi phí khoảng 1,2 tỉ USD. Cầu nối liền Thượng Hải với hòn đảo Dương Trấn xinh đẹp trong biển Hoa Đông.
Sau khi hoàn tất xây dựng giai đoạn 1, cầu Đông Hải đã chính thức khai trương hoạt động vào tháng 12/2005. Sau khi hoàn chỉnh xây dựng giai đoạn 2 vào năm 2010, cầu Đông Hải sẽ trở thành cây cầu nối ra biển dài nhất thế giới, và cảng biển Dương Trấn sẽ trở thành cảng côngtenơ lớn nhất thế giới. (Ngoài ra, vào năm 2008, một cây cầu tương tự nối ra biển ở vịnh Hàng Châu, dài 36km, cũng sẽ được khởi công).
Sân vận động Olympic, Bắc Kinh: Do Công ty kiến trúc Herzog & de Meuron thiết kế, thi công.
Sân vận động Olympic Bắc Kinh có sức chứa 91.000 chỗ ngồi, dự kiến hoàn thành trước ngày khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Đây là công trình thể thao lớn, hiện đại, không theo mô hình thiết kế cổ điển mà phá cách, dựa theo ý tưởng sinh thái.
Các nhà thiết kế thuộc Công ty Herzog & de Meuron của Thụy Sĩ đã áp dụng phương án hệ thống thông gió tự nhiên cho công trình, và đây sẽ là hệ thống sân vận động sinh thái lớn nhất thế giới. Ngoài ra, các nhà thiết kế còn mô phỏng các mô hình trong thiên nhiên để thiết kế (nhìn bề ngoài trông giống hình một tổ chim khổng lồ).
(Theo An Ninh Thế Giới)