Vừa qua, bà Lê Thị Đẹp, trú phường Phú Khương, thị xã Bến Tre đã nộp đơn kiện yêu cầu TAND thị xã buộc các cơ quan chức năng thu hồi hơn 20m2 đất của ông hàng xóm cho Nhà nước. Đây là chuyện hy hữu bởi từ trước tới nay chưa hề thấy một người dân nào đi kiện giùm Nhà nước như thế. Hệ quả là tòa lúng túng, còn các chuyên gia pháp luật thì tranh cãi về việc đương sự có quyền kiện hay không.
Theo bà Đẹp, ngày 20/11, bà hết sức ngỡ ngàng khi nhận được quyết định cưỡng chế của UBND phường Phú Khương, nội dung buộc bà phải trả 6m2 đất cho hàng xóm. Bà nhớ lại năm 1996 bà “mua” một miếng đất liền ranh với nhà người này. Sau đó, bà đã xây bức tường ngăn cách hai bên và không bị tranh chấp gì. Từ đó đến nay, bà chưa từng bị cơ quan nào xử phạt hành chính về hành vi lấn chiếm đất cũng như buộc bà phải giao trả đất cho ai cả, không hiểu sao đột nhiên phường lại cưỡng chế bắt bà trả đất...
Thế là một mặt bà khiếu nại quyết định, mặt khác bà cất công tìm hiểu tại sao có việc cưỡng chế oái oăm này. Sau một thời gian tìm hiểu, thu thập chứng cứ, bà phát hiện rằng vào năm 1991, người hàng xóm có một miếng đất tổng diện tích 44m2 liền ranh với đất của bà. Năm 2003, khi mở rộng quốc lộ 60, cơ quan chức năng đã thu hồi của ông này hơn 29m2 nên diện tích còn lại chỉ hơn 14m2. Thế mà không hiểu sao năm 2006, ông này lại được cấp “giấy đỏ” với diện tích lên đến hơn 35m2.
Từ đó, bà Đẹp kết luận “hàng xóm của tôi đã được cấp quyền sử dụng đất lố hơn 20m2 nên mới có chuyện phường cưỡng chế bắt tôi trả 6m2 đất liền kề cho ông ta” và vác đơn đi kiện. Ngoài chuyện yêu cầu TAND thị xã Bến Tre buộc các cơ quan chức năng thu hồi hơn 20m2 đất công, bà Đẹp còn yêu cầu tòa buộc Chủ tịch UBND phường Phú Khương công khai xin lỗi bà vì ra quyết định cưỡng chế sai luật và bồi thường 15 triệu đồng.
Bà Đẹp bảo: “Sở dĩ tôi kiện vì cái chính là thấy nhà nước bị thiệt hại mà không cơ quan nào đứng ra giải quyết cả!”. Dự kiến ngày 3/1/2008 tới, TAND thị xã Bến Tre sẽ mời bà đến làm việc bước đầu. Vụ kiện lạ này đã đặt ra một vấn đề pháp lý thú vị: Liệu một công dân có thể kiện để đòi lại đất công, tài sản công... cho Nhà nước hay không?
Theo một kiểm sát viên Viên KSND Tối cao, nếu bà Đẹp chỉ “kiện suông” giùm nhà nước thì đương nhiên tòa sẽ không thụ lý vì bà không thể tự “thay mặt” nhà nước. Còn trong trường hợp này, do bị ra quyết định cưỡng chế 6m2 đất vô lý, bà mới điều tra ra chuyện ông hàng xóm được cấp lố hơn 20m2 đất. Như thế, việc tòa giải quyết yêu cầu của bà Đẹp không chỉ thu hồi được đất cho nhà nước mà còn giải quyết được quyền lợi chính đáng của bà (nếu tòa buộc chính quyền địa phương thu hồi, sửa đổi “giấy đỏ” của ông hàng xóm thì việc cưỡng chế đất của bà Đẹp tự khắc cũng phải bị hủy).
Đồng tình, luật sư Đào Xuân Thành (Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước) cũng cho rằng, tòa phải thụ lý đơn khởi kiện của bà Đẹp. Bàn rộng hơn, ông góp ý: “Trong tương lai, tôi nghĩ Quốc hội nên sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự là ngay cả trong trường hợp công dân chỉ kiện giùm nhà nước đơn thuần, không dính đến quyền lợi cá nhân thì cơ quan tố tụng cũng nên giải quyết bởi nhà nước không mất gì mà còn được lợi”.
Ngược lại, một thẩm phán TAND thị xã Bến Tre, nơi nhận đơn kiện cho biết: “Đến nay, UBND phường Phú Khương đã rút lại quyết định cưỡng chế đất của bà Đẹp. Với yêu cầu đòi giùm nhà nước hơn 20m2 đất công, tòa không có cơ sở để thụ lý đơn của bà Đẹp vì bà không thể đại diện nhà nước. Chúng tôi sẽ hướng dẫn bà Đẹp nộp đơn kiến nghị tới các cơ quan hành chính có thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khởi kiện”.
Đồng tình, luật sư Lê Văn Bình (Đoàn luật sư TP HCM) phân tích, nếu bà Đẹp thấy việc cưỡng chế đất của UBND phường là vô lý thì có thể khởi kiện vụ án hành chính để bảo vệ quyền lợi của mình. Ở đây, bà lại khởi kiện vụ án dân sự để đòi đất giùm nhà nước. Chủ thể mà quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm là nhà nước nên bà Đẹp không có tư cách khởi kiện.
Tương tự, một thẩm phán TAND TP HCM cũng cho rằng theo Bộ luật Tố tụng dân sự, nếu bà Đẹp được tòa thụ lý đơn kiện thì sẽ trở thành nguyên đơn. Theo luật, nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cá nhân, cơ quan, tổ chức khác do bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu tòa giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền lợi hợp pháp của người đó bị xâm phạm. Tức là nếu ông hàng xóm lấn chiếm đất công thì việc bảo vệ quyền lợi của nhà nước bằng con đường khởi kiện trong trường hợp này phải do một cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện.
Trên thực tế, việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khởi kiện ra tòa để bảo vệ lợi ích chung hầu như không xảy ra bởi khi phát hiện có vi phạm, thông thường các cơ quan chức năng sẽ giải quyết bằng con đường hành chính với những quyết định mang tính quyền lực nhà nước.
(Theo Pháp Luật TP HCM)