Lá trầu không là một trong những loại thảo dược được nhiều quốc gia châu Á sử dụng trong nhiều thế kỷ. Loại lá 'nhỏ nhưng có võ' này đã chiếm được trái tim và vị giác của hàng triệu người, đặc biệt ở Ấn Độ. Lá trầu không là một phần thiết yếu của mọi lễ kỷ niệm ở quốc gia này, từ đám cưới đến lễ hội.
Theo ResearchGate, khoảng 15 đến 20 triệu người ở Ấn Độ tiêu thụ lá trầu không mỗi năm. Loại lá này được trồng theo truyền thống trên diện tích 55.000 ha ở Ấn Độ. Không chỉ là loại lá thú vị và thơm ngon, trầu không còn chứa nhiều lợi ích cho sức khỏe, từ việc kiểm soát bệnh tiểu đường đến giảm căng thẳng.
Giá trị dinh dưỡng của lá trầu không
Trong 100 g lá trầu chứa 1,3 mcg iốt, 4,6 mcg kali, 1,9 mol hoặc 2,9 mcg vitamin A, 13 mcg vitamin B1 và 0,63 đến 0,89 mcg axit nicotinic (vitamin B có vai trò giữ cho hệ thống thần kinh, hệ tiêu hóa và làn da khỏe mạnh).
Lợi ích sức khỏe của lá trầu không
1. Giúp kiểm soát táo bón
Lá trầu được coi là một nguồn cung cấp chất chống oxy hóa, giúp giữ mức độ pH bình thường trong cơ thể và giảm các vấn đề liên quan đến dạ dày. Loại lá này đặc biệt có lợi trong việc điều trị chứng táo bón. Để giảm các vấn đề về dạ dày, hãy nghiền nát lá trầu không và ngâm chúng qua đêm trong nước. Sau khi thức dậy vào buổi sáng, lọc lấy nước và uống khi bụng đói.
2. Duy trì sức khỏe răng miệng
Lá trầu không chứa nhiều đặc tính kháng khuẩn giúp giảm hôi miệng, vàng răng, mảng bám và sâu răng. Nhai một lượng nhỏ lá trầu sau bữa ăn có lợi cho sức khỏe răng miệng. Nó cũng giúp giảm đau răng, đau nướu, sưng và nhiễm trùng miệng. Chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng Shweta Shah nói rằng lá trầu có đặc tính khử trùng tự nhiên, giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn trong miệng và cải thiện vệ sinh răng miệng.
3. Tốt cho hệ hô hấp
Lá trầu không được sử dụng đặc biệt trong y học Hindu truyền thống ở Ấn Độ để điều trị các bệnh về đường hô hấp như ho, viêm phế quản và hen suyễn. Các hợp chất được tìm thấy trong loại lá này giúp giảm tắc nghẽn và cải thiện hơi thở.
4. Giảm căng thẳng
Nhai lá trầu không giúp thư giãn cơ thể và tâm trí, giảm căng thẳng và lo lắng. Các hợp chất phenolic có trong lá trầu giải phóng hợp chất hữu cơ catecholamine (các chất chủ vận nội sinh chính của hệ thần kinh giao cảm) ra khỏi cơ thể. Do đó, nhai lá trầu có thể giúp tránh tâm trạng thất thường.
5. Kiểm soát bệnh tiểu đường
Lá trầu không có đặc tính chống tăng đường huyết, có tác dụng kiểm soát vấn đề đường, giúp ngăn lượng glucose trong máu tăng lên. Nhai lá trầu không khi bụng đói vào buổi sáng rất có lợi trong việc kiểm soát lượng đường trong máu ở bệnh nhân mắc tiểu đường loại 2.
Ngoài ra, lá trầu còn có nhiều lợi ích khác nhau cho tóc cũng như giúp thúc đẩy sự phát triển của tóc, làm cho chúng bồng bềnh hơn.
Hướng Dương (Theo Healthshots)