Bố mẹ nào cũng hết mực yêu thương con cái, đó là điều tất nhiên, nhưng không phải ai cũng có đủ kinh nghiệm, cũng được thường xuyên cập nhật kiến thức về chăm sóc và nuôi dạy trẻ con, và cũng đủ thời gian để làm theo tất cả những lời khuyên từ những người nhiều kinh nghiệm. Nói chung, có rất nhiều lý do cả chủ quan và khách quan dẫn đến không ít những sai lầm của việc nuôi dạy con.
Những đứa con, dù còn phụ thuộc vào cha mẹ nhưng vẫn đã là một cá nhân riêng, có suy nghĩ, mơ ước, và một tương lai riêng. Thế nên việc một đứa trẻ thích đọc sách của Huyền Chip và muốn được xách ba lô lên đi chu du là chuyện hoàn toàn bình thường. Cũng giống như việc chỉ vì giấc mơ được giàu có của cha mẹ, không có nghĩa là họ để đứa con gái mười bốn tuổi của mình ăn mặc như một “bá tước tiểu thư” hay ép con học chơi piano, học vẽ. Vì đó là thứ bố mẹ muốn chứ chưa chắc đã phải là ý thích của con.
Tất nhiên bạn hãy dạy con về đam mê, giới thiệu cho con về cuộc sống, nhưng hãy tôn trọng lựa chọn của con chứ đừng nên chủ quan nghĩ điều gì là tốt mà bắt con mình phải theo.
Lo lắng thái quá là một loại độc tố: vô hình, âm ỉ, được sản sinh để hủy hoại sự bình an tâm hồn. Tiến sĩ tâm lý Avdesh Sharma nói: “Cha mẹ cần giảm bớt lo lắng nếu muốn con cái hoàn thiện”. Nếu con cái không đủ thông minh, chúng vẫn có thể làm việc khác. Nên phân tích cặn kẽ và hướng dẫn con cái, đừng “đúc khuôn” chúng hoặc nuôi dưỡng chúng như “gà công nghiệp”.
Dĩ nhiên cha mẹ không thể “thả lỏng” hoặc “mặc kệ” con cái, chỉ cố gắng kiểm soát “nhẹ” thôi, vì kiểm soát thái quá khiến con cái không có cơ hội làm chủ cuộc đời, chúng sẽ lệ thuộc, mất tính độc lập, thích dựa vào người khác, thậm chí có thể lợi dụng người khác. Hãy để con cái chiến đấu và sống chính cuộc sống của chúng.
Đừng cho rằng con cái không thể xử lý những tình huống khó khăn. Chính những tình huống khó khăn khiến chúng phải động não, khôn khéo, học cách đối xử và trưởng thành dần. Đừng sợ chúng sai lầm, con người có ai lại không sai lầm?
Không nhiều cha mẹ dám để con cái nhận thức đủ. Cuộc sống luôn có những điều gây lầm lẫn. Lo lắng là điều tự nhiên, nhưng đừng lo lắng thái quá, vừa hại mình vừa làm tổn thương con cái. Chúng cần thực nghiệm cuộc sống để đủ “sức đề kháng” với cuộc đời. Con cái sẽ hạnh phúc nếu chúng có cha mẹ cho phép chúng chính là chúng, chứ không là “người khác” theo ý cha mẹ.
Cha mẹ mong con độc lập và trưởng thành hơn trong cuộc sống, nhưng lại không dám rời chúng để con cái có cơ hội cọ xát thực tế. Nói cách khác, một số cha mẹ khăng khăng cho rằng bảo vệ con quá mức là cách duy nhất vì con cái còn trẻ người non dạ nhất là độ tuổi thiếu niên. Trong khi đó, con cái độ tuổi này càng mong muốn được thể hiện cái tôi của mình, muốn được ba mẹ tin tưởng, tôn trọng hơn là bị kiểm soát, bị kèm cặp. Mong muốn của trẻ rất chính đáng khi muốn được bố mẹ công nhận và đánh giá quyền độc lập của bản thân, cho phép mình được là “một người lớn”.
Nhưng không phải cha mẹ nào cũng hiểu được nhu cầu của con cái. Ngày nay nhiều bậc cha mẹ chăm sóc con mình đến tận răng, và điều đó làm mất giá trị của việc nỗ lực và tự lập khi đứa trẻ lớn lên thành người lớn. Đừng tự mình tạo ra một đứa trẻ ỉ lại, muốn mọi thứ đều được hoàn thành sẵn cho chúng từ việc dọn phòng ốc cho đến việc luôn được che chở khỏi mọi tổn thương… Dạy cho con trở nên mạnh mẽ và biết tự làm mọi thứ không có nghĩa là bạn yêu chúng ít hơn, mà ngược lại, bạn đang yêu con rất nhiều. Có trẻ bị cha mẹ quản thúc quá chặt, đi đâu, làm gì mẹ cũng bám theo không rời nửa bước, đến nỗi bị bạn bè chọc là “công tử bột, núp váy mẹ biết bao giờ mới lớn?”. Bạn X 15 tuổi, mặc cảm là bố mẹ không hiểu mình và luôn tủi thân khi so sánh với bạn bè. Hè bạn bè được đi du lịch, hội trại vui vẻ… còn X xin đi đâu cũng bị bố mẹ từ chối. Thậm chí X đã phải làm một “cuộc cách mạng” khi huy động nhóm bạn đến xin bố mẹ cho X về quê người bạn trong nhóm chơi vài ngày, vậy mà bố mẹ vẫn nhờ người theo dõi xem con mình trong những ngày ở quê đã chơi với ai, đi đâu, làm gì... Về đến nhà thì bố mẹ lại mở điện thoại X để xem con đã liên lạc với ai và tra vấn tỉ mỉ như thể con mình là tội phạm.
Trẻ càng lớn lên thì cảm xúc, nghĩ suy càng thay đổi, từ chỗ thích dựa hoàn toàn vào bố mẹ sang thích mở rộng các quan hệ và nếu cha mẹ không nắm được nhu cầu này để đáp ứng hợp lý, trẻ có xu hướng tách rời khỏi cha mẹ và thậm chí ương bướng, chống đối lại. Nếu sợ con cái bị cám dỗ hay sa ngã thì cha mẹ nên định hướng giúp con có những trải nghiệm bổ ích trên cơ sở là người cố vấn, góp ý của con về các mối quan hệ. Cha mẹ nên thảo luận cùng con để đặt ra các giới hạn mà trẻ phải tuân thủ, và khi được tự do trong các ranh giới đó trẻ sẽ có cơ hội để được là người chủ động độc lập, qua đó tổng hợp được nhiều kinh nghiệm quý báu cho bản thân.
Không nên biến mình thành những thám tử đi điều tra, lục lọi, soi mói con cái. Kiểm soát, quản thúc không giúp con sống tự tin và độc lập mà ngược lại càng làm cho trẻ yếu đuối và bất ổn về mặt tâm lý, dễ nảy sinh sự đương đầu chống đối lại để thể hiện bất bình.
Nếu sợ con lao vào cám dỗ, thì cha mẹ cần giúp trẻ nâng cao năng lực nhận thức bản thân, tăng sự “miễn dịch” để chống lại những cám dỗ có hại, hơn là cứ bao bọc hoặc giám sát chặt chẽ con cái nhưng không làm cho con cái trưởng thành hơn.
Linye