Sau khi xong xuôi thủ tục đón dâu, uyên ương sẽ tổ chức tiệc đãi khách. Tùy theo văn hóa vùng miền mà tiệc cưới có thể diễn ra ngay vào buổi trưa sau khi đón dâu hoặc để tới buổi tối cuối tuần. Miền Nam thường đãi tiệc cưới vào buổi tối cuối tuần còn miền Bắc lại chủ yếu đãi tiệc cưới vào buổi trưa ngày trong tuần, ngay sau khi hoàn thành lễ đón dâu buổi sáng.
Lịch trình cho tiệc cưới thường chia thành ba phần: đón khách, hôn lễ và tiệc đãi khách. Báo Ngoisao.net sẽ tóm tắt chi tiết kịch bản thời gian để uyên ương dễ dàng hình dung về những việc cần làm trong ngày đãi tiệc.
1. Đón khách
- Thời điểm này thường bắt đầu trước hôn lễ khảng 30 phút - 1 tiếng và bắt đầu theo thời gian ghi trên thiệp mời khách.
- Uyên ương có thể mở tiệc cocktail để mời mọi người dùng đồ uống và các món ăn nhẹ chờ tới giờ cử hành hôn lễ.
- Hoặc gia đình có thể xếp chỗ để khách ngồi luôn vào bàn tiệc chờ đợi.
- Chiếu slide ảnh cưới, video ngắn về cô dâu chú rể cho khách mời hiểu thêm về tình yêu của hai người.
2. Hôn lễ
- Nghi thức hôn lễ là phần quan trọng nhất đám cưới. Thời gian hôn lễ có thể kéo dài trung bình 30 phút, vừa phải để khách mời tiện theo dõi đám cưới.
- Tùy theo sở thích và phong cách tổ chức, cô dâu chú rể sẽ có phần thể hiện kịch bản thích hợp, nhưng các nghi lễ quan trọng nhất trong lễ thành hôn bao gồm:
+ Giới thiệu cô dâu chú rể
+ Giới thiệu gia đình hai bên
+ Giới thiệu sơ lược quá trình tình yêu của hai người
+ Các nghi thức hẹn ước như trao nhẫn, cắt bánh, rót rược, uống rượu giao bôi, mời rượu cha mẹ, quan khách
+ Cảm ơn các vị khách đã tới chung vui và mời nhập tiệc.
3. Tiệc đãi khách
- Đồ ăn chỉ nên dọn ra khi nghi thức cưới đã kết thúc.
- Lúc này cô dâu và gia đình sẽ tới từng bàn tiệc để chúc rượu và cảm ơn khách mời.
- Trong khoảng thời gian 30 phút đầu, không nên tổ chức trò chơi hay các hoạt động khác vì sẽ ảnh hưởng tới khách dùng tiệc.
- Trước khi khách ra về, cô dâu chú rể có thể tặng quà cảm ơn hoặc đặt quà tặng ngay tại từng bàn tiệc.
Linh Linh
Ảnh: A.X