Một phần tầng 1 khu C1 đã bị lún chỉ còn hơn 1m... đứng có thể chạm đầu. |
Người dân gọi khu tập thể này với những cái tên: khu nhà nghiêng, khu tập thể “ốm yếu”, khu nhà bị bỏ rơi vì tình trạng sụt lún, nghiêng kéo dài hàng chục năm nay.
Gần 80 hộ gia đình sống tại khu tập thể C1 phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội đã chán không muốn nhắc tới chất lượng khu tập thể họ đang trú ngụ.
Những căn phòng trước kia là tầng 1 cao 2,5-3 m nay chỉ còn hơn 1m, đứng chạm đầu vào trần nhà, phần còn lại “chìm” dưới lòng đất.
Người dân kỳ vọng nhiều vào đợt chống lún năm 1985, nhưng rồi sau lần chống lún này có hơn 15 hộ sống ở tầng 1 phải di dời đi chỗ khác vì toàn bộ tầng 1 của khu nhà đã sụt sâu xuống đất, nặng nhất là phía phần giữa và đầu hồi bên trái khu nhà (sụt hơn 1,5 m).
Cá biệt có những nơi nền nhà đã sụt xuống 1,8 m như nhà chị Phạm Thanh Xuân số 204. Sau khi những hộ tại tầng 1 chuyển đi, các hộ dân tại tầng 2 tận dụng diện tích còn lại của tầng 1 làm tầng hầm, cũng có gia đình khoét nền để đi lại dễ dàng hơn. Chị Xuân chán nản: “Lúc sơ ý, đang ngồi mà đứng dậy đụng đầu vào trần nhà thường xuyên”.
Theo các hộ dân, khu tập thể này hiếm có hạng mục nào còn nguyên trạng, không hư chỗ nọ lại hỏng chỗ kia. Ông Nguyễn Đức Ý, tổ trưởng tổ 103, phường Thành Công, than vãn: "Người dân kêu nhiều nhưng không ai quan tâm".
Khu tập thể C1, phường Thành Công lún nứt, xiêu vẹo. |
Ngoài tình trạng sụt lún, hiện ngôi nhà nghiêng đủ các kiểu và nghiêng nhiều nhất về nửa phía sau giống như tháp nghiêng. Tại nhiều phòng cũng có hiện tượng lệch sàn nhà, nhà dốc về một góc. Dọc tuyến hành lang tầng 2, mặt sàn dốc ra tận phía lan can, còn nóc tầng trên cùng gạch xô tứ tung. Nhiều nhà đang phải đối mặt với nguy hiểm khi tường lở, trần nhà xuất hiện những vết nứt toác rộng tới 15-20 cm, nhiều chỗ trơ ra những lõi sắt hoen gỉ.
Bà Nghiêm Thị Hằng, phòng 502, nói: “Nỗi lo đeo đẳng suốt gần 20 năm, những hôm có gió mạnh thì đêm khó ngủ vì tường nhà rung “đùng đùng” và vữa lở từng mảng”. Hầu hết các cửa nhà của khu tập thể đều bị kéo lệch tường theo hình thoi khiến các hộ dân thường xuyên… bào cửa mới đóng được cửa.
Năm ngoái, UBND TP Hà Nội đánh giá công trình nhà ở năm tầng C1 này do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 thuộc Bộ Giao thông vận tải quản lý, đang bị lún nứt nghiêm trọng, gây nguy hiểm tới tính mạng người sử dụng. Yêu cầu Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 phối hợp ngay với UBND quận Ba Đình và các sở liên quan giải quyết, xử lý nhà nguy hiểm. Tuy nhiên, công trình này vẫn trơ lại đó nỗi lo thường trực của gần 80 hộ dân sinh sống tại đây và những khu vực liền kề. |
Riêng phần cầu thang giữa hai đơn nguyên 1, 2 đã gãy gập theo đường gấp khúc, một số cầu thang khác cũng uốn cong theo chiều võng của ngôi nhà, "đi lại như leo thác nhưng rồi vẫn phải ngày đêm lần mò qua từng đoạn thác đó", một hộ dân mô tả.
Ông Đào Xuân Dụ, Chánh văn phòng Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, cho biết, sau lần xử lý chống lún đầu tiên công trình vẫn tiếp tục “xê dịch” chưa ổn định, hai đơn nguyên bị lún nặng nhất là đơn nguyên 1, 2 lún “chụm” vào nhau. Theo ông Dụ, công trình được xây dựng với kết cấu dầm sắt nên độ giằng còn khá chắc chắn, công trình này nhìn thì ghê sợ nhưng thực chất mối nguy hiểm chưa đến mức có thể sụp đổ ngay.
Khu tập thể này vẫn chưa được bàn giao cho TP Hà Nội. Ông Dụ nói hiện tại khu nhà này chỉ còn hơn chục hộ gia đình cán bộ, nhân viên của tổng công ty, số còn lại đã mua đi bán lại vài ba lần. Các hộ dân sử dụng, cơ quan cũng không thu tiền thuê nhà.
Theo ông Dụ, khu nhà này đã được xã hội hóa nếu cải tạo phải thực hiện theo phương thức xã hội hóa, trách nhiệm của TP nhiều hơn. Để sớm đưa ra phương án về công trình này, các cơ quan được UBND TP chỉ đạo phải có sự kết hợp chặt chẽ, đưa ra kế hoạch cụ thể.
Ông Nguyễn Huy Toản, Phó chủ tịch UBND phường Thành Công, quận Ba Đình, cho biết: "Phường kiến nghị di dân và xây mới. Trước mắt, phường đã có các phương án chủ động trong tình huống mưa to, bão lớn, đó là di dân vào những công trình công cộng trong phường để đảm bảo an toàn cho các hộ dân".
(Theo Tuổi Trẻ)