- Vốn là dân chèo nhưng trong lĩnh vực hài, anh được biết đến không phải với tư cách là hề chèo mà là diễn viên hài kịch. Anh nghĩ sao về điều này?
- Diễn hề chèo mà thành công như anh Xuân Hinh, anh Quốc Trượng thì rất hiếm. Anh Xuân Hinh vừa giỏi vừa có duyên, được trời phú cho cái khả năng vừa nói, vừa hát rất trơn miệng, diễn được như anh ấy khó lắm. Diễn cùng anh Hinh, tụi đàn em như tôi toàn ngửa cổ lên xem anh diễn mà học tập, diễn 10 đêm khác nhau cả 10. Còn với tôi, diễn chèo và hài phải định hướng rất rõ ràng, hai cái có thể cộng hưởng và bổ trợ cho nhau chứ không hòa tan được. Có thể đưa chèo vào hài bằng hình thể, bằng cách hát nhưng ngược lại thì không, người đi xem chèo phải hiểu biết về bộ môn nghệ thuật này, còn hài thì không yêu cầu điều đó.
Tôi ở sân khấu chèo vẫn thường xuyên diễn những vai không hề hài, vẫn hát chèo một cách mịn màng, thậm chí vì hát tốt nên thường xuyên được đảm nhiệm những vai chính chứ chẳng mấy khi được diễn hề.
- Anh nghĩ gì khi nhiều người cho rằng nhóm hài Xuân Bắc - Tự Long thường sử dụng quá nhiều "văn nói" và "bê" nguyên những tiếng "lóng" ngoài đời lên sàn diễn?
- Trên sân khấu hài, có những hài kịch thâm thúy, sâu xa đòi hỏi người ta phải nghiền ngẫm, nhưng hài kịch cũng cần những tiết mục gần gũi với cuộc sống. Tôi và Bắc đều không có chuyên môn trong lĩnh vực kịch bản, kinh nghiệm sống cũng chưa nhiều nên khi thấy những điều thú vị ngoài đời, bằng linh cảm của người diễn viên, chúng tôi nhặt ra, sàng lọc lại và đưa lên sân khấu. Có thể cách làm này khiến nhiều tiết mục có những khiếm khuyết, nhưng chúng tôi đã hết sức cố gắng và nhận thấy khán giả cũng đón nhận những cố gắng đó bằng những tràng pháo tay ủng hộ.
- Đã xác định theo "hài" cả đời cho đến khi nào hết "duyên", anh nghĩ sao về việc sẽ "đặt hàng" những nhà viết kịch bản "chuyên nghiệp" cho riêng mình?
- Đó là điều mà diễn viên hài nào cũng mong muốn, nhưng từ mong muốn đến hiện thực là cả một khoảng cách khá xa. Kịch bản hài ở Việt Nam rất hiếm và không hề rẻ. Nếu không tự sáng tác, diễn viên chủ yếu dùng kịch bản dịch từ Trung Quốc. Những diễn viên thuộc biên chế nhà nước có thể xin kịch mục của nhà hát để đi diễn. Điều dễ thấy là kịch bản khan hiếm, lặp đi lặp lại. Khán giả có nhu cầu thưởng thức ngày càng cao, đi xem diễn hài thì đương nhiên phải cười, nhưng phải là cái cười có ý nghĩa. Diễn viên chúng tôi đành phải tự tìm đường riêng cho mình trong lúc chờ các nhà viết kịch chuyên nghiệp thôi.
- Nhiều người nói diễn viên phảit biết "tiết kiệm"... mặt. Xuất hiện nhiều trên truyền hình, anh làm thế nào để mặt không bị "nhàm"?
- Truyền hình như con dao hai lưỡi, nếu làm tốt sẽ nhanh chóng gây được sự chú ý và tình cảm của đông đảo công chúng, nhưng chỉ cần sơ sẩy một chút là tất cả những điều đó cũng nhanh chóng mất đi. Bởi vậy, mỗi lần lên truyền hình, tôi thường đầu tư kỹ cho nhân vật, xuất hiện nhiều nhưng mỗi lần mỗi khác. Tôi tin rằng những cố gắng của tôi sẽ khiến khán giả không cảm thấy nhàm chán.