Hành khách chạy khỏi chiếc máy bay bị không tặc. |
Trước đó, vào buổi sáng, trên chuyến bay từ phía bắc đảo Síp tới Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), hai tên không tặc tự nhận là thành viên mạng lưới khủng bố Al Qaeda bất ngờ xông tới buồng lái, nhưng không thể mở được cửa.
Sau đó, chúng tuyên bố có bom tự tạo và yêu cầu phi công lái máy bay tới thủ đô Tehran (Iran) hoặc Syria. Tuy nhiên, phi công viện lý do tiếp nhiên liệu đã cho máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Antalya ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại đây, hai tên không tặc đã trả tự do cho phụ nữ và trẻ em trên máy bay. Tuy nhiên, khi cửa thoát hiểm mở, hầu hết trong số 142 hành khách và phi hành đoàn trong máy bay đua nhau chạy thoát ra ngoài.
Hai tên không tặc vẫn giữ khoảng 4 hành khách và 2 thành viên phi hành đoàn làm con tin trong máy bay. Trong số người trốn thoát có cả phi công nên hai tên không tặc đòi đưa phi công vào máy bay nhưng không được đáp ứng.
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hai tên này là người Iran và hành động của chúng nhằm bày tỏ tinh thần chống Mỹ. Kênh truyền hình tư nhân NTV dẫn lời một thành viên phi hành đoàn cho biết chúng không tặc tỏ ra hối hận và muốn trở về Iran.
Theo các hành khách, 2 tên này nói được cả tiếng Anh, tiếng Arập và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi vụ không tặc chấm dứt, Bộ trưởng Giao thông Thổ Nhĩ Kỳ Osman Gunes cho biết một tên là Mehmet Resat Ozlu, người Thổ Nhĩ Kỳ; còn tên kia có thể là người Palestine nhưng lại mang hộ chiếu Syria.
Hành khách cho biết 2 tên không tặc có vẻ không có súng mặc dù trong hành lý của chúng có thể giấu bom như tuyên bố. Tuy nhiên, quan chức từ sân bay mà máy bay cất cánh khẳng định các biện pháp kiểm tra an ninh rất chặt chẽ theo tiêu chuẩn quốc tế nên khó tin chuyện đưa được thiết bị nổ lên máy bay.
Những năm gần đây đã có không ít vụ không tặc nhằm vào máy bay Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù các biện pháp an ninh đã được tăng cường tại sân bay. Trong hầu hết các vụ không tặc với máy bay Thổ Nhĩ Kỳ, thủ phạm đều đầu hàng và hành khách an toàn.
(Theo Tiền Phong)