- Có danh hiệu là giảng viên về tóc, được nhiều người quan tâm trọng vọng. Ở đẳng cấp này, anh thích được trân trọng gọi là nhà tạo mẫu tóc hay đơn giản là thợ cắt tóc?
- Gọi tôi thế nào cũng được, cái tôi mong muốn là được người ta cảm nhận tôi cắt tóc đẹp. Ở VN, hỏi ai đó có biết tôi không mà người ta nói không thì đành phải chịu thôi. Vì người ta không quan tâm, chứ quan tâm thì đã biết rồi. Đối với tôi, quan trọng nhất là người ta cảm nhận cái tên nhiều hơn chứ không phải chỉ là hư danh.
![]() |
Nhà tạo mẫu tóc Mạnh Thìn (áo trắng) và kiểu tóc đã thực hiện xong. |
- Thực tế, có rất nhiều người muốn cắt tóc ở chỗ của anh nhưng lại e dè về giá cả. Anh nghĩ sao về điều này?
- Chuyện này tôi đã nghĩ lâu lắm rồi. Tôi muốn làm cho tất cả khách hàng nhưng nghề của tôi đòi hỏi sự tỉ mỉ, không phải nghề sản xuất. Tôi chỉ có hai bàn tay, thời gian làm việc 1 ngày chỉ có 8-10 tiếng, nếu tôi làm hết cho mọi người trong tiệm thì không thể được và sẽ không thành nghệ thuật nữa. Không phải tôi đưa ra giá cao để nói lên đẳng cấp của mình mà mục đích của tôi là hạn chế số lượng. Vì số lượng đông, chất lượng sẽ mất đi.
- Tạo mẫu tóc là một nghề tỉ mẩn, mà anh thì quá nam tính. Vậy sự tỉ mẩn đó thể hiện ở đâu?
- Nếu nghề trang điểm giống như bạn đang tô màu trên một bức tranh, thì nghề cắt tóc giống như vẽ bức tranh. Vẽ bức tranh không cần theo một trường phái nào mà phụ thuộc vào nét cọ của mình. Tôi cắt tỉ mẩn trên lát kéo chứ không phải ngồi tỉa sợi tóc theo hình dáng đó. Tôi bới tóc ra từng lọn để tạo dáng cho nó chứ không phải bới ra để lau chùi, gọt đẽo nó.
- Ngày nay, đàn ông làm nghệ thuật, nhất là làm công việc của nữ giới (trang điểm. tạo mẫu tóc...) hay bị nghi ngờ về giới tính. Anh phải chịu những áp lực gì?
- Đã là đàn ông thì không cần phải nói rằng mình là đàn ông. Chỉ có những người không là đàn ông thì ở đâu, lúc nào cũng muốn biện hộ mình là đàn ông thôi. Người ta nói, trong tiệm Thìn toàn "bóng", tôi còn đùa thêm: "Đúng rồi, trong tiệm này có "bóng" nhưng chỉ có mình tôi thôi!". Tôi nói thêm để người ta đừng nói nữa, chứ không có biện luận. Vì chuyện đó không quan trọng với tôi. Nhưng nếu tôi yêu một người phụ nữ, cô ta nghe ở đâu đó là tôi "bóng" thì tôi phải chứng mình bằng được mình là đàn ông.
- Đã tròn 10 năm kể từ ngày anh nhận danh hiệu Cây kéo vàng. Đến giờ, danh hiệu đó còn giúp được gì cho anh?
- Danh hiệu là con dao hai lưỡi. Thực tế, ai quan tâm đến tóc cũng nghe về cái tên Thìn. Nhưng đâu phải 100 người nghe thì 100 người đến thử. Bởi nhiều người cho rằng tóc không phải là yếu tố quan trọng trong cuộc sống, nhiều người quan niệm túi tiền không cho phép mình đến với những Cây kéo vàng.
Bình thường, mình làm tóc thoải mái theo ý muốn, không bị áp lực gì cả. Nhưng khi có danh hiệu, áp lực sẽ tăng lên gấp đôi. Khách tìm đến vì nghe nói đó là Cây kéo vàng mà để họ thất vọng thì càng "chết". Thà họ không phải nghe gì hết mà tự cảm nhận nó đẹp là hơn. Không phải ai đoạt giải cũng thành công. Có những người chính tay tôi trao giải cho họ, nhưng chỉ được một năm đầu khách đến, sau đó họ không còn khách nữa.
- Từ ngày đoạt giải và "bành trướng" cơ ngơi đến nay, nhiều người ảnh hưởng, thậm chí copy phong cách của anh. Còn ngược lại?
- Nếu tôi nói mình không ảnh hưởng phong cách của bất kỳ ai thì nhiều người sẽ cho rằng tôi xạo, ít nhất, tôi cũng phải học hỏi từ sách báo nước ngoài. Nhưng sự thật là 10 năm trước thì có nhưng 10 năm nay, tôi tưởng tượng nhiều hơn. Ví dụ, thị trường đang theo mốt so le mỏng, tôi lại làm dày ở phần trên tóc. Tóc là thời trang, mà tâm lý người sành điệu không muốn đụng hàng. Bây giờ, người ta đang theo mốt xù lọn to. Hè này, tôi sẽ làm lọn nhỏ. Thực tế không ai làm nhưng tôi sẽ làm trước.
- Khi tóc của nhiều phụ nữ VN không còn màu đen nguyên thuỷ, cũng là lúc người ta nói nhiều đến khái niệm sành điệu tóc. Anh định nghĩa nó thế nào?
- Người sành điệu tóc là người biết chăm sóc, giữ gìn mái tóc của mình êm ái, mềm mại, sợi tóc khoẻ và biết kiểu nào hợp với khuôn mặt mình cũng như không gian mà mình đến. Ví dụ, những cô đi picnic, mặc juýp, đi giày cao gót, trông rất thời trang nhưng rõ ràng không sành điệu vì không phù hợp. Sành điệu là sự kết hợp tinh tế giữa "sành" và "điệu".
- Có cảm giác, thời trang tóc ngày càng phức tạp và rối rắm với nhiều kiểu, nhiều màu chọi nhau, thể hiện sự copy hết sức vụng về. Anh bình luận thế nào về xu hướng này?
- Nhìn vào thì rối nhưng lại không rối mà có những quy định rõ ràng. Chẳng qua, người thợ không cảm nhận được khách hàng của mình ở giới nào để làm cho phù hợp. Nhiều màu loè loẹt trên một cái đầu sẽ rơi vào giới thanh niên nghịch ngợm, bốc đồng, chơi nổi, không cần thiết đẹp xấu, chỉ cần phá cách. Màu ấn tượng phù hợp với giới sành điệu, muốn làm nổi một cách nhẹ nhàng. Màu đồng, vàng, be nhạt... dành cho giới thích nhuộm màu nhưng đơn giản, nhất là khi họ làm những ngành nghề không cho phép gây sự chú ý.
(Theo Thể Thao Ngày Nay)