- Vì sao anh thường né tránh trả lời những câu hỏi về những người phụ nữ trong đời mình?
- Đây là câu hỏi mà với người khác thì không sao nhưng với tôi thì có vẻ ác ý và soi mói.
- Theo anh đâu là nguyên do cho sự soi mói?
- Chắc do quan niệm về giới tính của xã hội còn nhiều hạn chế, nhiều áp đặt và những câu hỏi kiểu đó là của thế kỷ 11 chứ không phải 21. Với lại, về mặt thông tin, chẳng có gì mới, làm sao tôi có thể hứng thú để trả lời. Tôi sẽ không nói về phụ nữ nữa.
Thành Lộc và Ngô Thanh Vân. |
- Sau khoảng 250 vai diễn mà anh đã đóng từ năm 8 tuổi, anh cho rằng làm nghệ sĩ là may mắn hay định mệnh?
- Nghệ sĩ nhận phân công của Thượng đế để làm công việc của một Thiên sứ, cho nên nó vừa là may mắn vừa là định mệnh. Tài năng nghệ thuật là sứ mạng, nhưng thành công là kết quả của trí tuệ và lao động. Tôi là người tin vào luật bù trừ, được cái này thì phải trả cái khác... Nhân loại là một vườn hoa mà người nghệ sĩ là bông hoa sặc sỡ nhất, thu hút nhiều ong bướm nên mau tàn nhất. Tôi cũng sẽ tàn lụi, đó là đương nhiên. Một điều chắc chắn là dù không có tôi, sân khấu vẫn sáng đèn và Thượng đế thì không ngừng phân công, chọn lựa.
- Là em út trong một gia đình mà 4 chị gái và 1 anh trai đều là nghệ sĩ. Anh có sợ bị đem ra so sánh?
- Ngay từ hồi lớp 1, tôi đã ghét đi học vì tôi ghét phải thi. Tại sao đi học thì phải thi nhỉ? Vì khi thi có kết quả rồi thì sẽ có kẻ vui người ghét. Khi vào học trường nghệ thuật, tôi tưởng mọi việc sẽ bớt đi, nhưng khi thi xong, tôi lại có thêm những kẻ thù mới. Và đến khi thành nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng thế, tôi ghét những cuộc thi, những liên hoan để giành huy chương. Những vở kịch do tôi dựng không bao giờ tham gia thi thố. Nhưng với vai trò một diễn viên của những vở khác thì khó mà tránh được, nó như một cái guồng số phận. Cho nên xin đừng đem tôi ra so sánh với bất cứ ai, với bất cứ điều gì.
- Ngay cả cách so sánh công việc của một diễn viên nam và nữ, lão làng và lớp trẻ?
- Trong ứng xử xã hội với nhau, tôi rất khắt khe chuyện tôn ti trật tự, nhưng ở phương diện đồng sự thì bình đẳng như nhau, không phân biệt. Tuỳ theo khả năng của mỗi người, được thẩm định qua từng vai diễn mà nhận ra chân giá trị của nhau. Tôi làm như vậy là để triệt tiêu tính kiêu căng của lớp trẻ và khống chế sự đố kị của bậc tiền bối. Tôi làm việc vì vở diễn.
- Hơn 20 năm không được ăn Tết trọn vẹn vì đi diễn. Năm nay, anh lại phải ăn Tết quá dài vì chấn thương. Lúc đó, anh thường nghĩ gì?
- Tôi là người thèm ăn Tết nhưng không phải trong tình trạng đó. Khi biết mình phải nằm một chỗ lâu dài, tôi đã loại hết những suy nghĩ và lo toan ra khỏi đầu để mau lành bệnh. Tôi sống theo tâm linh nên không bao giờ thắc mắc những chuyện được sắp đặt từ Thượng đế. Tai nạn cũng là một sắp đặt.
- Lần đầu tiên anh chạm cái chết, mẹ anh thế nào?
- Làm sao tôi dám nói đây là lần đầu tiên, vì cái chết đã đi qua ta từng giây từng phút, nó ở sát bên ta, có điều nó không lên tiếng mà thôi. Cách đây nửa năm, khi đi điều trị gai đốt sống cổ, tôi cũng đã giấu mẹ. Mẹ tôi năm nay 78, sức khoẻ tốt, rất hóm hỉnh. Bà biết hết mọi chuyện của tôi, nhưng vờ như không. Bà rất ít bộc lộ lo lắng của mình ra ngoài. Tôi thì chỉ muốn mẹ được vui.
- Ai trực tiếp chăm sóc anh trong những ngày nằm viện?
- Hàng ngày, các anh em bạn diễn đến chơi và tự nguyện cử người ra chăm sóc. Bàn tay phụ nữ thì không lo được chuyện này.
- Theo anh, làm thế nào để xem được một vở kịch hay?
- Người nào muốn xem được điều thú vị thì trước hết phải dọn dẹp chính mình trước đã. Khán giả thế nào thì nghệ thuật thế ấy. Chúng ta không nên đánh đồng mọi thứ bởi trong nghệ thuật luôn có nhiều tầng cấp khác nhau.
- Anh có khi nào tự nghĩ, Thành Lộc là ai?
- Không biết nghĩ như vậy có xa xỉ không bởi tôi thấy chẳng để làm gì.
(Theo Thế Giới Nghệ Sĩ)