- Thưa ông, trong vụ cá độ bóng đá, riêng Nguyễn Việt Bắc (nguyên phó tổng giám đốc Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN) được cho tại ngoại. Có tin cho rằng ông Bắc là người thân của một cán bộ cao cấp có quan hệ họ hàng với ông, vậy sự thật như thế nào?
- Đúng là tôi có họ hàng với anh em ông Nguyễn Văn Lâm (Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) và Nguyễn Văn Tùng (cán bộ Ban Tổ chức Trung ương Đảng, người vừa bị cơ quan triệu tập). Các anh ấy ít tuổi hơn tôi nhưng về mặt gia đình lại là anh họ, tôi ở chi dưới. Còn Nguyễn Việt Bắc lại có quan hệ ruột thịt với vợ của anh Nguyễn Văn Lâm.
Ông Nguyễn Duy Hồng, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự về trật tự xã hội (Vụ 1A) VKSND Tối cao là người trực tiếp chỉ đạo các phê chuẩn tố tụng liên quan đến vụ án "con bạc triệu đô" Bùi Tiến Dũng và vụ án đường dây tham nhũng ở PMU 18. |
Nhưng tôi xin khẳng định, trong vụ án đánh bạc, lúc đó cơ quan điều tra đề nghị khởi tố 3 bị can về tội đánh bạc là: Bùi Tiến Dũng, Vũ Mạnh Tiên và Nguyễn Việt Bắc nhưng chỉ xin phê giam với Dũng và Tiên. Vụ 1A đã phê chuẩn đúng theo đề nghị ấy. Không có việc cơ quan điều tra đề nghị tạm giam bị can Bắc mà tôi không phê chuẩn.
Tôi khẳng định tôi và anh Lâm, anh Tùng chỉ là quan hệ tình cảm họ hàng gia đình, không hề có chuyện gì khác, không tham gia can thiệp vào công việc của nhau.
- Có dư luận, ông từng có mặt trong bữa ăn tại một nhà hàng sang trọng với nhiều nhân vật, trong đó có Nguyễn Mậu Thôn. Ông nói gì về việc này?
- Tôi có một đứa con gái út học ĐH Luật mới ra trường chưa có việc làm nên có nhờ anh Lâm để ý giúp. Chiều 4/1, anh Tùng gọi điện thoại hẹn tôi ra quán Núi Đồi hay Núi Phố gì đấy ở đường Nguyễn Chí Thanh ăn cơm với bạn bè của anh Tùng và anh Lâm. Tôi cũng muốn gặp các anh để trao đổi về hồ sơ xin việc cho con gái.
Khoảng 18h, tôi đến nhà hàng này. Hai người đầu tiên mà tôi gặp là anh Nguyễn Văn Tùng và anh Nguyễn Mậu Thôn. Trước đó, tôi chưa biết Nguyễn Mậu Thôn, anh này tự giới thiệu đang làm giám đốc một công ty tư nhân và có nhà riêng, trụ sở ở khu Hoàng Cầu, hẹn tôi hôm nào tới chơi. Một lúc sau, có thêm một số người khác cùng đến ăn. Trong bữa cơm thân mật này, mọi người không trao đổi gì về việc liên quan vụ án Bùi Tiến Dũng. Vì tới thời điểm ngày 4/1, trong vụ án đánh bạc mới chỉ có bị can Bùi Quang Hưng bị bắt giữ, chưa có thông tin gì về việc đánh bạc của Bùi Tiến Dũng (ngày 20/1 bị bắt). Nên có thể khẳng định trong bữa cơm ngày 4/1, không thể có việc chạy án cho Bùi Tiến Dũng.
Trong bữa cơm này, tôi cũng có hỏi anh Tùng về chuyện xin việc cho con gái tôi nhưng thấy các anh tỏ ra khó khăn nên sau đó tôi cũng thôi luôn.
- Sau đó, quan hệ của ông với Nguyễn Mậu Thôn như thế nào?
- Tôi chỉ dự bữa cơm đó trong khoảng 1 giờ đồng hồ rồi xin phép về trước. Rất may là sau đó, tôi và Thôn chẳng ai đến nhà nhau và cũng chẳng hề liên lạc với nhau, chẳng ai nhờ vả, chẳng ai cho nhau cái gì.
Sau này, khi xảy ra vụ Bùi Tiến Dũng chơi cá độ hàng triệu đô la và việc Nguyễn Mậu Thôn dính líu tới việc chạy án thì tôi cũng nghĩ rằng, có thể lúc ấy Thôn cũng có ý định làm quen với tôi. Sau buổi gặp gỡ đó, anh em ông Tùng - Lâm chẳng có ai liên lạc nhờ vả tôi chuyện gì cả.
- Thưa ông, có tin trong số 500.000 USD chi cho việc chạy án, Bùi Tiến Dũng đã đưa cho đàn em mang 100.000 USD "nhắm" vào Vụ 1A, VKSND Tối cao để chạy tội. Ông nói gì về việc này?
- Không chỉ riêng vụ án này, trong rất nhiều vụ án khác, các đối tượng phạm tội đều muốn nhờ vả người khác để chạy tội. Riêng bản thân tôi thì xin khẳng định, không hề có việc tôi nhận số tiền này.
- Ông đã báo cáo gì với lãnh đạo VKSND Tối cao về cuộc gặp gỡ tại quán ăn ở đường Nguyễn Chí Thanh?
- Khi có thông tin về vụ chạy án nói trên, Viện trưởng VKSND Tối cao cũng đã yêu cầu tôi trình bày về sự việc này để xem xét, với quan điểm nếu không có gì sai phạm thì phải bảo vệ cán bộ của Viện. Tôi đã báo cáo toàn bộ sự thật như đã nói ở trên.
- Thưa ông, trong vụ án Bùi Tiến Dũng, ông nhận xét gì về việc các đối tượng phạm tội nhắm tới các cơ quan pháp luật để chạy án?
- Về việc này, tôi rất tán thành quan điểm của thượng tướng Lê Thế Tiệm (Thứ trưởng Bộ Công an) và thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, (Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát) đã trả lời một báo.
Đó là việc các đối tượng phạm tội thường nhắm vào các cơ quan bảo vệ pháp luật để chạy tội, chạy án. Còn việc họ có chạy án được chưa và đã "chạy" được tới người nào lại là một vấn đề khác. Trong vụ PMU 18, bị can Phạm Tiến Dũng cũng đưa 50.000 USD giúp Bùi Tiến Dũng chạy án, bị can Tôn Anh Dũng khai nhận 30.000 USD chạy án của Bùi Tiến Dũng, bị can Nguyễn Mậu Thôn nộp lại 500 triệu đồng tiền chạy án cầm của Bùi Tiến Dũng.
Có thể nói vui rằng, chạy án là "quyền" của họ, còn việc ngăn chặn chạy án là quyền của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
- Với trọng trách Vụ trưởng Vụ 1A - cơ quan trực tiếp kiểm sát việc điều tra vụ án Bùi Tiến Dũng - ông chịu sức ép gì từ bên ngoài?
- Trong vụ án này, Vụ 1A và tôi không hề chịu một sức ép nào cả. Hiện nay, VKSND tối cao vẫn giao cho chúng tôi kiểm sát điều tra vụ án nghiêm trọng trên.
(Theo Thanh Niên)