Tối 31/1, chị Jenny Phan (làm marketing, đồ handmade, Hà Nội) cùng chồng đã hoàn tất việc trang trí nhà cửa, giúp không gian sống rộn sắc xuân với cành đào, bó hoa tươi. Sau đó, cả nhà cùng tắm tất niên bằng lá mùi già, quây quần bên mâm cơm cuối năm với các món ăn cổ truyền, đón xem chương trình Táo Quân 2022 - thói quen không thể thiếu đêm Giao thừa.
"Cả gia đình mình đã chờ đúng 0h - khoảnh khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ để thắp hương gia tiên. Sau đó là tiết mục lì xì đầu năm, các thành viên cùng gửi tới nhau những lời chúc và chiếc ôm. Vợ chồng mình còn gọi điện cho hai bên nội ngoại và bạn bè thân thiết. Sau đó, cả gia đình xuống sân nhà để cảm nhận được thời khắc giao thoa giữa trời và đất, niềm hân hoan của con người", chị Jenny nói.
Để tạm biệt năm cũ, đón năm mới Nhâm Dần 2022, ngay sau khoảnh khắc Giao thừa, gia đình chị Jenny đã cùng nhau đi lễ chùa để cầu mong những điều tốt đẹp nhất. Sau đó cả nhà gặp mặt, chúc Tết một số gia đình hàng xóm. "Tuy vậy, Tết năm nay có đôi chút khác biệt vì dịch bệnh phức tạp. Những ngày sắp tới, nhà mình sẽ hạn chế việc đi chúc Tết, chỉ tập trung cho gia đình và chúc Tết qua điện thoại", chị Jenny bổ sung.
Gia đình chị Jenny cũng đặt mục tiêu năm mới là cùng giữ gìn sức khoẻ, phát huy những điều tốt đã làm được và tìm cách khắc phục những điều còn thiếu sót. Cá nhân chị mong mỏi các con nhỏ sẽ sớm được quay trở lại trường học và cầu bình an cho mọi người.
Năm 2021 vừa qua là đầy những thử thách với gia đình nhỏ của bác sĩ Ngô Mạnh Hùng (phó Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội) và vợ Thảo Nguyên. "Năm qua, chồng mình phải trải qua các đợt cách ly tại viện, tự cách ly tại nhà vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Những lúc cao điểm dịch, hai vợ chồng phải gửi các con về quê vì cả hai đều làm trong môi trường phức tạp", Thảo Nguyên - vợ bác sĩ Hùng cho hay. Trong nhiều tháng, cả gia đình chỉ có thể kết nối với nhau qua mạng vì khó gặp mặt trực tiếp.
Đợt bác sĩ Hùng cách ly tại khoa vào tháng 10/2021, Thảo Nguyên đã rất lo lắng, chỉ có thể gửi đồ ăn và các vật dụng cần thiết cho chồng. "Vì không được gặp nhau nên mình chỉ biết nhắn tin, động viên anh mỗi ngày. Mình hay trêu chồng: 'Anh đi cách ly tuy vất vả chút, đổi lại được tịnh tâm vì không sống cùng em, nên anh cứ lấy đó làm động lực'. Thật may, ban lãnh đạo cùng các đồng nghiệp luôn hỗ trợ chồng mình và mọi người đã cùng trải qua đợt cách ly một cách an toàn", Thảo Nguyên nói.
Cận Tết, bác sĩ Hùng không có lịch trực nên cùng vợ dọn dẹp nhà cửa, cắm cành đào, cùng nhau ăn bữa cơm Tất niên, chuẩn bị cúng Giao thừa. Vì chồng có lịch trực đúng mùng 1 Tết nên cô tự về quê để đón ngày đầu năm mới cùng bố mẹ chồng, sau đó cả nhà mới đoàn tụ.
"Năm mới, vợ chồng mình mong mọi người thân, bạn bè đều mạnh khoẻ, an toàn vượt qua dịch bệnh, cuộc sống sớm trở lại trạng thái bình thường cũ. Cá nhân mình mong những dự định nhỏ của hai vợ chồng sẽ thành công, mọi thứ đều tăng lên trừ nợ, cân nặng và quân số", cô nói. Vì nguy cơ lây nhiễm bệnh vẫn còn và bác sĩ Hùng có nhiều bệnh nhân chờ mổ sau Tết nên gia đình nhỏ hạn chế đi chúc mừng năm mới. "Nhà mình dự định năm nay sẽ gửi lời chúc tới mọi người bằng công nghệ 4.0. Mình nghĩ dịch bệnh tuy mang tới những điều tồi tệ, chúng ta vẫn nên thích nghi với nó và có những trải nghiệm mới mẻ", cô bổ sung.
Đúng ngày kết thúc năm cũ Tân Sửu - 29 Tết, chị Đặng Cẩm Hà (40 tuổi, quản lý nhân sự của công ty Nhật tại Hà Nội) đã cùng các bạn bè kịp mang Tết về cho một mái ấm tình thương ở Phú Xuyên, Hà Nội trong chuyến thiện nguyện. Chị viết: "Vẫn kịp mang Tết về cho mái ấm. Bốn cụ già và 13 trẻ thiểu năng, ơn trời tất cả đều đã chống chọi và an toàn giữa đại dịch. Nhưng khó khăn vẫn còn đầy rẫy phía trước. Người giàu cũng khó, người nghèo còn khó hơn, nhóm người yếu thế khốn khó vô cùng, nhưng yêu thương thì không khó vì còn được sống là còn chia sẻ yêu thương. Mong đại dịch sớm qua".
Trong chuyến đi, nhóm của chị Cẩm Hà đã mang mắm muối, mì chính, gạo và biếu tặng tiền mặt 5 triệu đồng cho mái ấm. Chị cũng cho biết hoạt động thiện nguyện được chị duy trì định kỳ, thường tặng sách vở, nhu yếu phẩm hỗ trợ mái ấm.
Khi kết thúc chuyến đi, chị Hà trở về nhà, sửa soạn, trang trí và đón Tết bên gia đình. Cả nhà đón Giao thừa đơn giản bên nhau, cùng nâng ly tổng kết năm cũ và đặt ra những kỳ vọng cho năm mới. Chị Hà cho hay: "Năm vừa rồi, dịch bệnh ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống cá nhân. Tuy vậy, mình vẫn có công việc để làm, gia đình vẫn đầy đủ các thành viên, vẫn gặp nhau hàng ngày và bình an. Với mình, đó là hạnh phúc lớn nhất rồi. Mong năm 2022 hết dịch bệnh vì giờ người dân đã được tiêm vaccine, các hoạt động kinh tế đã khởi động lại. Mình luôn nhìn thấy những điều tích cực trong mọi tình huống và hướng tới những điều tốt đẹp để sống một cuộc đời ý nghĩa thực sự. Mình tin mọi khó khăn sẽ kết thúc và hào hứng đón chờ năm mới để thực hiện được nhiều kế hoạch, nhiều dự án cho công việc cũng như bản thân. ".
Với Nguyễn Thị Trà My (26 tuổi, sống và làm việc tại TP HCM, quê Bình Thuận), 2021 đầy rẫy khó khăn nhưng cũng có nhiều sự mới mẻ, có ý nghĩa. "Năm vừa qua, mình đã tham gia, tự tổ chức nhiều chuyến thiện nguyện, được đồng hành cùng các mạnh thường quân, anh chị em, bạn bè. Và để nhìn lại, điều mình thấy ý nghĩa nhất là khoảng thời gian được đồng hành cùng các anh chị tham gia chống dịch Covid-19 tại TP HCM, được học và hiểu nhiều điều. Đó không chỉ là sự cho đi từ phía mình mà còn giúp mình hiểu được sự ấm áp của tình người, biết trân trọng sự sống", cô cho biết. Hồi tháng 7/2021 Trà My từng kể lại câu chuyện về bé trai F0 đứng khóc một mình đòi mẹ khi tham gia chống dịch, khiến nhiều người xúc động.
Trước thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, Trà My phụ mẹ cùng bày dọn đồ để cúng Giao thừa. Sau đó, cả gia đình đều thức để đợi đúng khoảnh khắc 0h, bước sang năm mới. Kế đến là đi lễ chùa, tụng kinh, sám hối và cầu an cho năm mới. "Có lẽ không lời nào đủ để diễn tả cảm xúc của mình khi ấy. Mình vẫn được cùng ba mẹ chuẩn bị đồ cúng, tân trang nhà cửa nên thấy rất hạnh phúc, cảm nhận được sự ấm áp của tình thân gia đình. Sau tất cả biến cố trong những năm vừa qua, gia đình mình vẫn luôn mạnh khỏe, bình an nên đây có lẽ là sự may mắn tuyệt vời nhất", cô nói.
Tết năm nay, Trà My dự định tiếp tục dành thời gian trọn vẹn cho gia đình như các năm trước. Cô lý giải: "Mình từng nghe một câu nói: 'Chúng ta còn rất nhiều cái Tết, nhưng bố mẹ chúng ta thì không'. Vì thế nên những năm gần đây mình luôn dành thời gian nghỉ Tết cùng gia đình". Gia đình My sẽ đi tảo mộ và sau đó cùng nhau chúc Tết từng nhà người thân họ hàng. Mùng 3 Tết, My sẽ tổ chức chương trình "Tết yêu thương 2022" với sự đồng hành cùng người thân, bạn bè và các mạnh thường quân. Cô phát khoảng 70 phần quà Tết có giá trị 500.000 đồng cho người nghèo, khó khăn ở các xã lân cận, gần nhà tại tỉnh Bình Thuận.
Hằng Trần