- Thời gian gần đây anh chuyển sang viết nhạc phim, công việc này có hứng thú với anh như thế nào?
Tôi cảm thấy công việc này thật thú vị. Các nhà sản xuất, mỗi khi đặt hàng, đều cho tôi được toàn quyền. Vả lại, đây cũng là cơ hội giúp tôi thay đổi không khí, thoát khỏi phòng thu.
Còn nguồn thu nhập thường xuyên nuôi sống tôi không phải là viết nhạc phim mà là từ việc viết nhạc cho các clip quảng cáo. Với tôi, đây là công việc gian khổ nhất, bó buộc nhất vì mình phải chiều theo ý khách hàng, lắm lúc tôi thấy nản vì gu âm nhạc giữa mình và khách hàng quá khác nhau. Tiến độ công việc lại rất căng, đòi hỏi thời gian ngắn tới mức có lúc tôi nghĩ đến... thánh cũng không làm nổi, nhưng đã lỡ ký hợp đồng rồi nên phải ráng.
Sau này, tôi rút ra kinh nghiệm, khi làm âm nhạc quảng cáo thì phải làm sao dùng hòa được chất lượng nghệ thuật và ý thích của khách hàng, mỗi bên nhường một tí là được.
- Vậy còn chuyện anh nổi tiếng mát tay trong việc làm album cho ca sĩ mới thì sao?
- Thường phải mất ít nhất tám tháng mới ra được một album cho ca sĩ mới, nên đây chẳng phải là công việc nhẹ nhàng gì. Với một người mới, tìm ra cho họ một đường hướng thích hợp đã là khó, mà khó hơn là còn phải quan tâm dắt họ đi, nếu không, họ sẽ không tự đi nổi. Có nhiều lý do như áp lực về tài chánh, vốn hiểu biết về môi trường âm nhạc, về văn hóa nền nói chung... bởi không phải ai cũng được trang bị đầy đủ nên rất dễ bị chao đảo.
Cũng có vài trường hợp sự hợp tác không thành nhưng không nhiều, vì nếu thấy có lấn cấn thì ngay từ đầu tôi đã từ chối. Như trường hợp Hồ Ngọc Hà, tôi không làm album mà chỉ tạo dựng một chút đường đi ban đầu như viết cho cô ấy vài ca khúc.
Nhiều ca sĩ trẻ, sau album đầu tiên tôi làm, họ đã đến được với công chúng, nhưng may mắn là cho đến bây giờ, dù nhiều người đã thành sao, với tôi, họ vẫn tình nghĩa. Như Mỹ Tâm, khi còn học năm thứ 3 trung cấp thanh nhạc, tôi biết Mỹ Tâm là ai, đến nay, gặp tôi, cô ấy vẫn một mực lễ phép, có tình.
- Ở phòng thu hằng ngày với các ca sĩ trẻ đẹp, anh có mối tình nào đáng nhớ?
- Tình cảm thoáng qua vào một lúc nào đó cũng có, song mối tình lớn thì không. Một phần do tôi không hào hứng lắm với việc có người yêu là ca sĩ. Phần khác, những áp lực về công việc dành cho cả hai đã giết hết những cảm xúc. Ngày trước, khi chúng tôi chưa ly hôn, vợ tôi lúc ấy cũng nói xa nói gần nhưng tôi bảo nếu em ghen, em cứ vào phòng thu làm việc một lần với ca sĩ sẽ rõ.
Sau khi "thực mục sở thị", vợ tôi xác nhận là ở đó chẳng có gì lãng mạn cả. Ai nấy đầu bù tóc rối, nhạc công thì toàn quần sọc áo thun, cô nào thấy cũng muốn... chạy! Môi trường phòng thu theo tôi không phải là mảnh đất sinh ra những mối tình.
Nhạc sĩ Quốc Bảo.
- Trước kia, ca sĩ thường đi từ sàn diễn đến phòng thu, còn bây giờ thì ngược lại, ra được đĩa nhạc rồi mới có cơ hội bước lên sân khấu. Phải chăng các kỹ thuật phòng thu là cây đũa thần có thể biến kẻ vô danh trở thành ca sĩ?
- Có một thực tế là hiện nay chúng ta đang có quá ít sân khấu ca nhạc nên một ca sĩ không có tên tuổi làm sao có thể chen chân lên hát. Họ phải đi bằng tấm giấy thông hành là đĩa hát. Nhiều ca sĩ tôi chẳng biết họ là ai nhưng gặp mình, họ tặng đĩa nhạc mời mình nghe để tự giới thiệu. Đúng là kỹ thuật phòng thu đã hỗ trợ được khá nhiều, nhưng nếu người không có chất giọng thì cũng chịu thua.
Hiện nay, có quá nhiều người mê hát mà không tự đánh giá được mình. Phải có chất giọng khác biệt với người khác mời thành danh. Ca sĩ mà hát lên không nhận ra là ai, rất dễ thất bại.
- Sau "biến cố đạo nhạc" nhiều người ngạc nhiên khi thấy Quốc Bảo vẫn bình tâm tiếp tục ra album. Lúc ấy, cảm giác của anh thế nào?
- Quả thật là tôi có khó chịu lúc chuyện đó xảy ra. Chuyện bé xé ra to, hình như những người làm nghề không đủ yêu thương nhau. Tiếng chuông cảnh tỉnh ư? Trong lĩnh vực nghệ thuật, sự phân định đúng sai khó rạch ròi như toán học. Đây là chuyện mà mọi người không ai thấy vui.
Tôi nghĩ nếu bình tâm nhìn lại, mọi người vẫn có thể cảm thông cho nhau, không cần thiết phải làm ầm ĩ lên thế. Tôi vẫn viết phê bình âm nhạc đấy chứ, nhưng vấn đề thiên về lý thuyết hơn là phản ảnh hiện tượng. Tôi muốn tìm ra phương hướng cho nhạc Việt, thiết thực cho nghề nghiệp của mình hơn.
- Theo anh, nỗi khổ của người sáng tác âm nhạc là gì?
- Là không có người thể hiện. Tôi viết ca khúc đầu tay Cỏ hoa 19 năm 1989, nhưng phải đến chín năm sau mới được Tam ca Áo Trắng hát. Ca khúc Em về tinh khôi cũng phải mất 7-8 năm mới đến được với ca sĩ Trần Thu Hà. Nhưng bây giờ viết bài nào, tôi đều ướm trước cho ca sĩ nên khó mà bị... ế!
- Trải qua rất nhiều thăng trầm trong cuộc sống riêng, nhìn lại quãng thời gian đã qua, anh có trải nghiệm gì?
- Con trai tôi năm nay 6 tuổi, rất may là có bà nội bên cạnh. Cháu thích hội họa và có vẻ không quan tâm tới âm nhạc cho lắm, nhưng riêng nhạc của bố thì bài nào nghe qua vài lần cũng thuộc. Cuộc sống đã cho tôi nhiều trải nghiệm và yoga đem lại cho tôi sự quân bình về tinh thần.
Nhìn lại, những chuyện buồn nhất có thể là vài biến cố tình cảm, nhưng khi bình tĩnh chiêm nghiệm lại, tôi thường nghĩ xem có cách nào để người ta đối xử tử tế với nhau không. Tôi không có bức xúc trong công việc vì luôn biết cách sắp xếp và mừng vì công việc không cho phép mình có thời gian cho chuyện buồn. Nếu có chút gì đó thì cũng khỏa lấp nhanh bằng việc lo cho gia đình, bạn bè.
Tôi là người rất khó yêu nhưng nay đã yêu được. Chưa thể nói trước điều gì nhưng một khi đã yêu thì cứ tin. "Hình bóng" ấy không liên quan gì tới âm nhạc, cũng không nằm trong số "fan", nhưng có một tâm hồn trong sáng và tấm lòng thấu hiểu.
(Theo Phụ Nữ)