- Điều gì khiến anh trông như hết sức sống thế này?
- Gió Bình Minh đấy! Đây là chương trình đầu tiên do mình và anh Nhất Lý - kỹ sư âm thanh Việt kiều Pháp cùng thực hiện, nằm trong một dự án dài hơi kéo dài khoảng 3 năm. Đây là một không gian âm nhạc với sự góp mặt của dàn nhạc điện tử và những nhạc cụ dân tộc như nhị, K’ni, bộ gõ Bắc Bộ, đàn bầu, đàn T’rưng, nguyệt, đáy, goong, bro, cồng chiêng Tây Nguyên, trống chèo, sáo Tây Bắc.
![]() |
Nhạc sĩ Đỗ Bảo. |
- Là nhạc sĩ trẻ, anh có thể nói gì về việc viết lời cho các ca khúc nhạc trẻ hiện nay?
- Âm nhạc có nhiều hình thức lắm, có những tác phẩm lớn như nhạc khí, thính phòng, giao hưởng, sử thi, trường ca… Ca khúc chỉ là hình thức rất nhỏ với đặc thù là có lời ca. Nếu người ta muốn nghe giai điệu hay, mà ca từ chán, thì thà người ta nghe nhạc không, chỉ cần tiếng đàn và kèn là đủ rồi. Nếu muốn có lời, lời đó phải có ý nghĩa, phải làm cho cái nhạc ấy hay hơn, thú vị hơn.
- Có những bài hát nhạc trẻ lên cơn sốt rồi sau đó, mau chóng chìm vào lãng quên? Anh nói sao về điều này?
- Nội dung của bài hát cũng như là nội dung tâm hồn của một con người. Đầu tiên, nếu thấy một anh chàng bóng nhoáng, đẹp trai, lịch lãm, bạn có thể thấy thích. Đến khi tiếp xúc thực sự, thấy rỗng tuếch thì làm sao thích lâu được.
Ngược lại, có thể có những người thoạt nhìn không có gì đặc biệt, nhưng khi lại gần, ta lại cảm thấy đó là một tâm hồn sinh động, có chiều sâu. Điều đó sẽ làm cho cá nhân ấy được yêu quý hơn và ghi dấu ấn sâu sắc hơn.
- Cũng là nhạc sĩ sáng tác ca khúc nhạc trẻ, anh cảm thấy sao?
- Trong nước mình, nói đến âm nhạc là cứ nghĩ ngay đến ca khúc! Mình rất buồn vì quả thật, phần nhiều, các ca khúc viết rất hời hợt. Chúng hao hao giống nhạc Tây, rồi nhạc Tàu, không có chút sáng tạo. Rất ít bài nghe thuyết phục.
Có lẽ, vì sự nổi tiếng đến với nhiều nhạc sĩ quá dễ chăng? Mà họ không ý thức được rằng, sự nổi tiếng đó chỉ là sự dối trá, là giá trị ảo của ngày hôm nay thôi. Như thế, chứng tỏ một nền nhạc trẻ có vấn đề rồi.
- Anh nghĩ là mình sẽ phải làm gì?
- Xã hội hôm nay đang rối tinh vì các ca khúc. Mình chỉ có quyền là mình phải cố gắng làm những điều thật tốt, để đối trọng lại những điều chưa tốt. Không chỉ là việc sáng tác nhưng bài hát hay, phải làm thế nào để những tác phẩm mà mình đã hết sức trăn trở, suy tư, sẽ là một tác động làm biến chuyển tư duy cho những người viết ca khúc dễ dãi.
Thông qua việc khán giả ủng hộ mình, họ sẽ chỉ trích những gì đối trọng với mình, là những cái không tốt, nhận ra những ca khúc tồi tệ. Như dự án Gió Bình Minh, tôi đã dành hết tâm huyết cho nó.
- Sau album "Cánh Cung", sao anh không đưa ra thêm bài hát nào mới?
- Tôi chỉ có thể đưa ra bài nào cá nhân mình chấp nhận được thôi. Để ít ra nó không làm cho nền âm nhạc Việt Nam thêm xấu đi (cười). Tôi đâu cần số lượng. Ngay cả khi tôi viết ít, viết kỹ, không phải bài nào tôi cũng ưng. Sáng tác khó khăn lắm, không dễ như mọi người cảm thấy đâu. Nhà nhà làm nghệ thuật. Người người đi hát. Đương nhiên, trong đó sẽ rất nhiều cái vô bổ.
- Vậy còn "Bức thư tình thứ 3" của anh sẽ thế nào?
- Chỉ đơn giản là tôi viết tuần tự theo câu chuyện của mình. Nhưng lo lắm! Hai bài trước được mọi người khen tốt. Không biết khán giả sẽ đón nhận bài này thế nào? Nhỡ người ta chê thì ngượng lắm!
- Những bài hát của anh đã được rất nhiều người chọn làm quà tặng trái tim âm nhạc. Anh thấy sao?
- Tôi cảm nhận rõ ràng đó là một hạnh phúc xứng đáng và công bằng. Vì tôi đã phải làm việc rất nghiêm túc cho những bài hát ấy. Tuy nhiên, tôi không lấy điều đó để quá tự hào, kiêu hãnh rồi hoang tưởng rằng mình là nhạc sĩ giỏi.
- Anh tin là mình đã rất thành công với những bài hát Bức thư tình?
- Tôi nghĩ để có một bài hát thành công là rất khó. Bởi quan niệm của tôi là, nếu tác phẩm được giới tri thức đánh giá thành công, thì nó mới là thành công. Bởi khán giả ấy có trình độ, đủ chín chắn biết được vì sao nó hay?
- Vậy trong số đó, đâu là bức thư anh dành cho bà xã?
- Bức thư tình thứ hai là tôi tặng riêng cho cô ấy. Những bài ấy hẳn phải có một câu nói, một nét gì đó giống với câu chuyện thật của tôi. Nó đúng tới 90%.
- Nhiều người không thích cách gọi "người đương thời" trong bài hát đó, anh nghĩ thế nào?
- (Cười). Đó là kỷ niệm. Hồi ấy, nhóm bạn thân của tôi có 4 đôi. Ban đầu, đó là cách gọi của lũ con trai với nhau. Hễ gặp nhau là “A, chào người đương thời”. Mấy cô nghe quen rồi gọi theo. Tôi cảm thấy chữ đó hay lắm, dù nghĩa của nó rất rộng. Tại sao mình lại không sáng tạo ra một khái niệm có thể là chữ cũ nhưng ở bài hát lại là cái mới. Ca khúc phải có dấu ấn riêng của mình.
- Còn với "Bức thư tình đầu tiên", tâm sự của chàng trai quả là rất già dặn. Anh có điều gì muốn chia sẻ về ca khúc này?
- Lúc ấy, tôi nghĩ thế thật. Cảm xúc đó xuất hiện rất mạnh. Và tôi chỉ làm sao để viết đúng cảm xúc đó thôi. Bài hát ra đời, một tháng sau, tôi lại nghĩ khác, lại thấy lo lắng. Tôi tưởng mình nghĩ trẻ trung, chứ các bạn mình lại không thấy thế. Tại sao mình lại tính chuyện vợ con nhỉ? May quá, mọi người lại đón nhận. Giờ, nhiều người dùng câu đó để hỏi thăm chuyện cưới vợ, lập gia đình.
- Ít có nhạc sĩ nào mà sự lãng mạn lại gắn liền với… bà xã như anh. Anh muốn nói gì về điều này?
- (Cười hạnh phúc). Cô ấy là khán giả đầu tiên của tất cả các bài hát tôi sáng tác. Lúc viết, tôi đã hát ông ổng rồi. Viết xong, cô ấy đọc, rồi cho ý kiến đóng góp.
- "Ngày cuối tuần rực rỡ" là một bài rất tươi vui, hồn nhiên. Tại sao anh đặt tên là vậy, trong khi, cả bài hát chỉ nói tới ngày hè?
- Tôi muốn nhấn mạnh đến cuộc sống đương đại. Đối với đại đa số công nhân viên chức, ngày cuối tuần thực sự có ý nghĩa. Nó thay đổi nhịp sống của họ. Người ta thực sự được sống cho bản thân, được làm những việc yêu thích, không gò bó, xã giao. Ngày Chủ nhật, trên tờ lịch luôn là màu đỏ. Kết hợp lại, tôi thấy ngày cuối tuần rất đặc biệt và rực rỡ. Và tình cờ, hôm đó cũng là ngày cuối tuần thật.
- Anh có định một lúc nào đó công bố sáng tác đầu tay?
- Nghe nó ngô nghê, ngớ ngẩn lắm, làm sao mà công bố được. Hồi ấy, mới có mười mấy tuổi, mấy thằng trong nhóm nhạc rủ nhau viết ca khúc. Mỗi thằng góp một bài. Tôi viết một bài về bạn bè. Còn mấy thằng bạn mình, chưa yêu bao giờ, lại toàn viết về tình yêu và đau khổ. Lúc ấy tôi nghĩ, sao bọn nó giỏi thế nhỉ, thấy bài của mình sao mà trẻ con! Thời ấy, tập toẹ viết ca khúc, đúng là điếc không sợ súng!
- Giờ, anh bận bịu tối ngày thế, còn đâu thời gian để sáng tác?
- Nhiều người không tưởng tượng được nhạc sĩ gì mà làm việc... như trâu như bò, còn đâu mà mơ mộng, lãng mạn để sáng tác. Tôi biết thế, nên không cố viết nhiều. Thỉnh thoảng, có cảm hứng gì đó, mình ghi lại, để sau này, sẽ hoàn thiện nó trở thành một tác phẩm thực thụ.
- Anh mong ước gì lúc này?
- Đó là Tết! Tôi sẽ được ở bên gia đình và được ngủ thoải mái.
(Theo Đàn Ông)