Sau khi bà Lê Thị Trúc qua đời, gia đình được UBND xã Long Hòa, huyện Cần Giờ (nơi mẹ con bà đang tạm trú) cấp giấy báo tử ngày 12/4. Hai ngày sau, chị làm đơn xin đăng ký khai tử quá hạn cho mẹ và được Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP xác nhận, đề nghị Sở Tư pháp giải quyết cho khai tử. Ngày 15/4, nhân viên Sở Tư pháp nhận hồ sơ và hẹn chị 9 ngày sau sẽ cấp giấy khai tử.
Đinh ninh là mình đã làm đủ thủ tục, sáng ngày 16/4, gia đình đưa quan tài của bà Trúc đến Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa nhưng nhân viên của trung tâm đòi phải có giấy cho phép mai táng mới được thiêu. Vì là ngày thứ Bảy, các cơ quan hành chính nghỉ nên chị Trần Thị Ba (Việt kiều Mỹ), con gái của bà Lê Thị Trúc, không biết phải xin giấy cho phép mai táng ở đâu. Chị than thở: "Nếu không xin được giấy này thì chẳng lẽ lại để quan tài mẹ tôi phải nằm lại tại lò thiêu hoài?".
Một cán bộ hộ tịch của Sở Tư pháp hướng dẫn trường hợp Việt kiều chết phải khai tử tại Sở Tư pháp nhưng thẩm quyền cấp giấy cho phép mai táng lại là UBND xã nơi người chết đăng ký tạm trú trước khi chết.
Chị Ba cùng 2 người thân lập tức thuê xe quay về xã Long Hòa liên lạc với vị cán bộ hộ tịch đề nghị giúp đỡ sớm cấp phép mai táng cho bà Trúc. Nhưng vì đường quá xa nên đến 8h tối thứ Bảy chị Ba mới cầm được giấy cho phép mai táng đem đến Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa.
Nghĩ rằng mọi chuyện đã xong, không ngờ đến sáng thứ hai 18/4, gia đình chị Ba gọi điện thoại báo lại là xác bà Trúc vẫn chưa được thiêu. Lý do là nhân viên trung tâm hỏa táng buộc phải có thêm giấy xác nhận cho phép thiêu của. Phòng Quản lý xuất nhập cảnh!
Chị Ba lại phải đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thì nơi đây hướng dẫn liên hệ đến Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM để xin công hàm ngoại giao đề nghị cơ quan chức năng của Việt Nam giúp đỡ cho hỏa táng. Tuy nhiên, Tổng Lãnh sự quán Mỹ trả lời rằng vì bà Trúc chỉ là thường trú nhân chứ không phải là người có quốc tịch Mỹ nên nơi đây không thể cấp công hàm cho chị Ba được.
Bà Trịnh Thị Bích, Trưởng phòng Hộ tịch - Lý lịch tư pháp - Quốc tịch, Sở Tư pháp TP, cho biết đây là trường hợp đầu tiên bà gặp phải. Do quy định đăng ký hộ tịch hiện hành không ghi rõ việc cấp giấy cho phép mai táng đối với người chết là người nước ngoài hoặc Việt kiều như thế nào nên bà cũng không biết phải làm sao. Bộ phận của bà chỉ có cách là làm việc gấp rút để kịp trình Chủ tịch UBND TP cấp giấy khai tử cho gia đình chị Ba vào đầu giờ chiều ngày 18/4.
Ngay trong chiều 18/4, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP cũng cử cán bộ đến trung tâm hỏa táng giải thích rằng bà Trúc là người Việt Nam định cư tại nước ngoài (vì bà mang hộ chiếu Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài cấp) nên chỉ cần có giấy cho phép mai táng là có thể thiêu xác bà chứ không cần phải có công hàm ngoại giao. Đến lúc này, trung tâm hỏa táng mới chấp nhận cho thiêu xác bà Trúc vào lúc 14h45.
Theo dõi hành trình xin giấy phép thiêu xác của gia đình bà Trúc, PV Pháp Luật nhận thấy chỉ vì quy định về thủ tục mai táng đối với Việt kiều của ta chưa rõ ràng khiến cho thân nhân của họ bị "hành" tơi tả khi mai táng cho người thân.
Việc quàn, ướp, chôn, hỏa táng, di chuyển thi hài, hài cốt phải tuân theo các quy định về vệ sinh phòng dịch. Nhà nước khuyến khích việc hỏa táng thi hài và hài cốt.
Người chết vì nguyên nhân thông thường thì sau khi tắt thở từ 8 đến 10 tiếng đồng hồ phải được nhập quan và phải chôn cất trước 48 giờ kể từ khi chết. Trường hợp đặc biệt, muốn kéo dài thời gian, thi hài phải được lưu giữ ở phòng lạnh của bệnh viện hoặc phòng lạnh của nhà tang lễ. Trường hợp chết vì dịch bệnh (dịch tả, dịch hạch và các bệnh truyền nhiễm), việc khâm liệm tử thi phải theo hướng dẫn của cơ quan y tế; sau đó phải chôn ngay, không được để quá 24 tiếng đồng hồ. (Trích Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân và Thông tư số 4/1998/TT-BVHTT). |