Nhà thơ Đỗ Trung Quân và ca sĩ Mỹ Linh. |
- Anh nghĩ sao khi Bộ Văn hóa yêu cầu phê bình Hội đồng thẩm định Sao Mai - Điểm hẹn?
- Tôi không có ý kiến, bởi đó là công văn phê bình BTC. Riêng cá nhân, tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm về những gì tôi phát biểu. Nếu Bộ Văn hoá thấy tôi không thích hợp thì cứ ra công văn với riêng tôi. Trong cuộc thi này, BTC đã thiếu thông tin cụ thể cho công chúng, gây ra hiểu lầm đối với người trong cuộc. Nhưng đó không phải là cái cớ để tôi dựa vào.
- Nếu vì chuyện này, BTC rút tên ông ra khỏi danh sách Hội đồng thẩm định, ông nghĩ sao?
- Tôi cho rằng đó là chuyện bình thường. BTC hoàn toàn có quyền. Họ mời được một người ngồi vào ghế thẩm định, thì cũng có thể thay đổi chỗ. Tôi sẽ không gây khó khăn cho BTC, đó là thái độ tôn trọng cần thiết.
Đây là cuộc thi có nhiều đổi mới. Nếu tôi ra, chắc không ai dám ngồi vào, hoặc có thì cũng không thể bộc lộ rõ con người thực của họ. Khi xác định nhận vai trò này, tôi biết mình đang tự quăng mình vào chảo lửa. Nhưng cũng từ sự việc này, tôi đã hiểu vì sao những người trẻ khi đứng trước đám đông trở nên rụt rè hoặc quá khôn ngoan. Người 50 tuổi như tôi còn phải rụt rè vì bị "đánh" bầm dập, hỏi sao người trẻ cứ mãi e dè trước đám đông.
- Ông thấy sao khi có người cho rằng khán giả đã quá khắt khe với ông?
- Tôi sống trong Nam đã lâu, và người Nam coi cách nói của tôi là bình thường. Sự phản ứng của khán giả phía Bắc dồn dập như vậy là vì họ vốn quen với cách nói hoa mỹ, tròn trịa, hơi đèm đẹp. Họ phản ứng theo thói quen vốn có.
Nếu đặt trong ngữ cảnh của một cuộc thi, khán giả sẽ thấy những gì tôi nhận xét là chuyện hoàn toàn bình thường. Nhiều khi chỉ xem qua TV, khán giả không thể hình dung được thực tế khung cảnh lúc đó ở cuộc thi như thế nào. Hơn nữa, báo chí khi đưa tin cũng trích dẫn sai những câu tôi nói. Tôi nhận xét Ngọc Khuê là: "Tôi thích cái điên của em", chứ không phải "Vì tôi điên nên tôi thích cái điên của em". Hai câu đó hoàn toàn khác nhau.
- Vậy ông đánh giá gì về câu: "BTC có bắt em phải ăn mặc như một nữ tu không"?
- Nếu sợ động chạm, tôi đã không ngồi vào ghế Hội đồng thẩm định. Và chấp nhận ngồi vào đó, đương nhiên sẽ có sự động chạm. Tuy vậy, với ca khúc mà Lưu Hương Giang thể hiện, tôi chỉ muốn nói rằng để đồng bộ với bài hát rock sôi động, Hương Giang nên thay đổi trang phục cho hợp hơn. Đó là ý kiến cá nhân tôi. Nếu nói giống mọi người, thì ai cần tôi ngồi vào ghế thẩm định nữa. Nếu chỉ cần một người nói theo kịch bản sẵn có, tôi không phải là người được mời.
- Có ý kiến cho rằng ông nói đã vượt ra ngoài yêu cầu của BTC. Ông nghĩ sao?
- Tôi không có nhiệm vụ nhận xét về chuyên môn. Tôi chỉ là thành viên thẩm định về tính thẩm mỹ của bài hát, về ngoại hình, trang phục của cá nhân thí sinh. Và trong tiêu chí đưa ra hoàn toàn "không có điểm dừng". Đó là cuộc thi mang tính cởi mở giữa thí sinh và hội đồng thẩm định. Điều này cả BTC và thí sinh đều hiểu rất rõ.
Tôi biết sự phản ứng mạnh mẽ này còn lẩn khuất phần lớn ý kiến của gia đình thí sinh bị tôi nhắc nhở. Tôi cũng đã hình dung trước sự phản đối này. Chỉ có điều, họ không hiểu rằng, Hội đồng thẩm định không có quyền chấm điểm cho thí sinh, mà chính người xem mới có quyền chọn ai vào vòng tiếp theo của cuộc thi. Chúng tôi chỉ có trách nhiệm hướng thí sinh tới điều tốt đẹp hơn. Khán giả cứ bỏ phiếu cho người họ yêu thích, dù thí sinh đó bị hội đồng nhận xét như thế nào.
Dù sao, với những phản ứng từ công chúng, tôi sẽ cố gắng rút kinh nghiệm trong việc bày tỏ quan điểm. Vấn đề của tôi chính là ở chỗ nói không được khéo léo.
- Nói thế nghĩa là ông cũng phải chịu áp lực từ phía khán giả?
- Điều này tôi đã biết khi quyết định nhận trách nhiệm. Nếu không có áp lực, cuộc thi đâu cần đến những người như tôi. Sẽ giống tất cả các cuộc thi khác, nhàn nhạt, mỗi người nói một câu giống nhau, chẳng có gì đột phá.
Khi nhận lời mời, tôi cũng nói thẳng với BTC rằng tôi không phải là người biết rào trước đón sau, ăn nói vòng vo. Không phải tôi không nói được mây núi gió trăng, thậm chí về chuyện này tôi còn hơn nhiều người. Nhưng tôi không phải là MC chuyên nghiệp, nói trơn tuột không cần chính kiến, tôi chỉ muốn có cái nhìn mới cho khán giả thông qua Sao Mai - Điểm hẹn.
- Sau chuyện đáng tiếc này, ông suy nghĩ gì?
- Tôi thích cuộc thi bởi nó mang tính cởi mở, khác hẳn về chất so với các cuộc thi trước. Các thành viên trong Hội đồng nghệ thuật phải tự mình chịu trách nhiệm về cá nhân, chứ không có chuyện chấm điểm úp mở. Thí sinh được chọn vào vòng trong chủ yếu bởi khán giả xem truyền hình... Đó là những điều khiến tôi thấy hứng thú với cuộc thi.
Dù sự việc có nhiều điều đáng tiếc, nhưng tôi vẫn là Đỗ Trung Quân trong những vòng tiếp theo, vẫn làm tròn trách nhiệm dù phải chịu những "trận đòn" tơi bời. Tất nhiên qua chuyện này, tôi sẽ lưu ý hơn về cách sử dụng ngôn ngữ giữa 2 miền, cố gắng không gây ngộ nhận về ý nghĩa, và vẫn giữ nguyên ý kiến riêng.
Tôi đang đặt mình vào vị trí mới. Cảm giác của người bị "sờ gáy", giờ đây tôi đã hiểu. Nhưng nếu vì điều đó mà tôi thay đổi mình, khác hẳn với những gì tôi đã thể hiện, chắc chắn sẽ lại một làn sóng trào lên nói tôi sợ, như thế tôi xứng đáng đi chỗ khác chơi, để dành ghế cho một người khác vốn đã sẵn lòng sợ hãi. Như vậy, dù có điều gì, tôi cũng chấp nhận tất cả, chứ không thể thay đổi hoàn toàn theo chiều hướng ngược lại.
- Hình ảnh của anh trong mắt người hâm mộ sẽ thay đổi, anh nghĩ sao?
- Tôi không nói bậy, tôi chỉ nói khác với những gì trước kia khán giả từng nghe. Mà khác hoàn toàn không phải là sai.
Trong nghệ thuật có nhiều cái "điên" đáng trân trọng. "Điên" tôi nói ở đây nghĩa là tố chất nghệ thuật, là cá tính của ca sĩ dám chọn cho mình con đường mới để đi. Khi mà âm nhạc xuất hiện nhiều bản sao, thì cá tính đó rất cần được tôn trọng. Khi tôi nói Ngọc Khuê "điên", nghĩa là tôi khuyến khích cô ấy đi theo con đường cô ấy chọn.
Hình ảnh tôi trong lòng công chúng ra sao, tôi tin là không thay đổi. Nếu tôi hèn nhát, tôi tự ti thì mới đáng sợ. Tôi nói khác với quan điểm mọi người, cũng như quan điểm của ai đó khác tôi, điều đó không có nghĩa là sai. Nếu người nào không thích tôi, hãy lên tiếng phê phán, và tôi tôn trọng quyền cá nhân họ.
Đây là cơ hội cho tôi nhìn lại mình. Anh em đồng nghiệp phê phán tôi, nhưng tôi biết trong đó vẫn chứa đựng thái độ lo âu, thương mến. Và tôi chân thành cảm ơn sự lo lắng đó.