Chưa đầy 1m đường ống này, ông Ca ở tổ 16 không thể lắp nước máy vì giá tới 820.000 đồng. |
Bà Trần Thị Nghệ ở tổ 13, phường Hòa Phát lắc đầu ngao ngán: “Nhà tôi dùng nước ngầm đã gần 20 năm nay mà chưa thấy khi nào hôi như thời gian gần đây. Sáng phải dậy thật sớm để bơm nước phơi mấy giờ cho hết mùi phèn”.
Mới đây, anh Đức, con trai bà Nghệ, bị phát ban, nổi mụn ngứa mỗi khi dùng nước ngầm, vậy là cả nhà phải vay mượn tiền để lắp ống dẫn nước của nhà máy nước. Bà Nghệ than thở: “Mất hơn triệu bạc cho một đoạn đường ống không dài quá 1m. Nước sạch này cũng chỉ dùng rất hạn chế cho ăn uống. Còn giặt giũ, tắm gội vẫn phải dùng nước ngầm”.
Dù sao bà Nghệ vẫn còn dùng được nước máy, còn đa số người dân ở tổ 14B vẫn phải dùng nước bẩn từ mấy chục năm nay. Theo ông Vũ Đình Tâm, tổ trưởng, trước kia dân ở đây chỉ dùng toàn giếng khơi, rồi giếng khơi đen như mực thì dân chuyển sang dùng giếng khoan. Giờ thì giếng ngầm cũng nhiễm phèn luôn. Ông vào nhà anh Nguyễn Đình Rớt, mở vòi nước ra mùi hắc rất khó chịu xông lên tận mũi. Anh Rớt lôi toàn bộ đồ chứa nước từ nồi niêu, xô, chậu cũng đều có màu vàng khè của phèn. Ông Tâm nói: “Nước máy cũng muốn câu vào nhà để dùng nhưng mà giá đắt quá nên ai cũng ngại”.
Ông Bùi Thọ Ninh, Trưởng phòng kế hoạch - kỹ thuật của Công ty cấp nước Đà Nẵng, giải thích ở tuyến ống nước dọc đường ray của phường Hòa An và Hòa Phát thì việc cắt, đào bêtông để lắp ống rất khó khăn. Chi phí tối thiểu cho 2,5m đường ống này cũng phải đến 764.000 đồng. Còn về kế hoạch mở các tuyến ống dẫn nước vào phía trong của khu dân cư, ông Ninh cho biết còn tùy thuộc nhiều yếu tố, và công ty cấp nước không đơn phương quyết định được.
Ông Đinh Thanh, Trưởng Phòng Tài nguyên & môi trường quận Cẩm Lệ, tỏ ra lo lắng: “Chúng tôi đã liên tục thông báo và phối hợp với các phường tuyên truyền cho dân không nên dùng nước giếng khơi, nước ngầm. Vì nơi đây trước kia là hầm vũ khí của Mỹ nên khả năng ô nhiễm cao”.
Kết quả xét nghiệm các mẫu nước ở hai phường Hòa An và Hòa Phát của Sở Tài nguyên & môi trường TP Đà Nẵng cho thấy không thể sử dụng vào việc ăn uống.Tuy nhiên, theo UBND quận Cẩm Lệ, mới có 5/6 phường sử dụng nước máy, nhưng tỷ lệ hộ sử dụng nước máy mới đạt 25%, còn lại chủ yếu sử dụng nước giếng khơi và giếng khoan.
(Theo Tuổi Trẻ)