- Trước ông đã có ít nhất năm, sáu cuốn sách viết về Trịnh Công Sơn. Riêng mình, ông muốn nói gì qua "Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé"?
Bìa cuốn Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé. |
- Sau khi Sơn nằm xuống, Hà Nội, Sài Gòn và Huế đều có làm sách về Sơn. Một số bài trong các sách đó có tính chất phúng điếu, hoặc tập hợp thật nhanh các bài viết của nhiều cây bút cho kịp kỷ niệm ngày Sơn mất. Đó là những cuốn sách có nhiều tư liệu cần thiết cho những người hâm mộ muốn tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của Sơn.
Cuốn sách của tôi đi tiếp cái mạch của Bửu Ý, Nguyễn Đắc Xuân khi viết về Trịnh Công Sơn, với chủ đích phân tích, tìm hiểu về giá trị nghệ thuật trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Sách gồm 18 bài viết theo ba tiêu đề: Địa đàng còn in dấu chân, Tuổi đá buồn và Để gió cuốn đi mà theo tôi đã khái quát tinh thần và sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn.
- Ông nghĩ gì về âm nhạc và con người Trịnh Công Sơn?
- Trước sau Trịnh Công Sơn vẫn là một nhạc sĩ nổi tiếng của tình yêu. Giá trị âm nhạc của Trịnh Công Sơn thì tôi đã viết qua cuốn sách này. Cái gì trong cuộc đời rồi cũng mai một. Có những bài hát nổi tiếng rồi sau đó người ta đã quên mất lời và không còn hát nữa. Ca khúc Trịnh Công Sơn có thể rồi cũng mai một, nhưng nó mai một chậm hơn, nghĩa là nó tồn tại lâu hơn. Như vậy cũng đã là lớn lao rồi.
Từ các nền tảng có tính chất quy luật của cái chết và nỗi cô đơn, Sơn đã ca hát về tình yêu và phận người. Trên đời này có gì hơn tình yêu, và ma lực âm nhạc Trịnh Công Sơn ở đó.
Không có cái gì trên đời này là dễ. Tình bạn lại càng khó hơn. Như tôi đã nói cuộc tranh luận của thế hệ chúng tôi là không bao giờ dứt. Chúng tôi đi những con đường khác nhau để cùng đến đích và không chắc tôi đã hiểu hết Sơn - đó là một khó khăn. Hơn nữa, cuộc đời có những khoảng trống. Có những năm tháng tôi ở rừng và Sơn ở phố, chúng tôi mất liên lạc về nhau...
- Còn điều gì về Trịnh Công Sơn mà ông chưa có dịp nói hết qua cuốn sách này?
- Rất nhiều ca khúc của Sơn đã đến với các thế hệ thanh niên hôm qua, hôm nay. 600 ca khúc của Sơn là một gia tài. Nhạc Sơn được nghiên cứu ở Nhật, tên Sơn được đưa vào từ điển danh nhân... đi đâu cũng có thể nghe nhạc Sơn vang vọng. Vậy mà ngày còn sống, Sơn hầu như không có được lấy một sự "chấp nhận" nào, một danh hiệu nghệ sĩ, một giải thưởng nhỏ cũng không có.
Tôi lấy làm lạ về điều này. Có lẽ đến lúc phải nhìn nhận, đánh giá công bằng sự đóng góp của Sơn cho nền âm nhạc hiện đại VN. Người đã chết không cần điều đó, nhưng chúng ta cần, và cần trả lại sự công bằng cho một nghệ sĩ đích thực.
- Sau "Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé", ông còn có dự định nào?
- Tuyển tập tác phẩm thì đã xong từ năm 2002. Sau cuốn sách về Trịnh Công Sơn, tôi không có dự định gì nữa. Cảm hứng đến thì viết, không thì thôi. Không còn bận lòng và không ép mình.