- Có phải trọng lượng cơ thể đang tỉ lệ thuận với sự thịnh vượng của anh?
- Chính xác là trọng lượng cơ thể tỉ lệ thuận với sự thịnh vượng, chiều cao và tuổi già của tôi. Ngày xưa tôi cao 1m70, nặng 50 kg, còn bây giờ tôi cao 1m77 nặng 90 kg.
- Khi 50 kg, sự nghiệp của anh như thế nào?
- Tôi đang học năm thứ hai trường Sân khấu thì mẹ mất. Mẹ mất đồng nghĩa với bầu sữa mình đang uống bị cạn, tôi không còn chỗ bám víu và không biết có học tiếp được nữa không. Nghĩ đến công lao dưỡng dục của cha mẹ, thầy cô, tôi biết mình không có đường lui, ngoài con đường phải tồn tại.
Để tiếp tục con đường đại học tôi phải làm gì? Đầu tiên, tôi xác định đi vá xe. Vá xe lúc đó thu nhập cũng cao. Năm 1987, kiếm được 10-20 nghìn đồng/ngày là tôi sống được, nhưng làm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Nếu làm kinh tế có thể đi theo con đường này, nhưng làm nghệ thuật thì phải làm những việc hỗ trợ cho nghề của mình.
Thế là tôi đi làm hậu đài, làm soát vé, bưng vác rồi chỉnh âm thanh, ánh sáng cho mấy anh chị làm vở tốt nghiệp, đến trưa mấy anh chị cho cơm ăn. Làm công việc này cực, nhưng tôi được học nghề, mà có cơm ăn qua ngày, dù đĩa cơm 2-3 nghìn không bằng vá xe đạp. Sau khi tốt nghiệp, tôi lại bị thất nghiệp, phải đi bỏ mối quần áo.
Đạo diễn thấy tôi cực quá nên kêu đi làm kịch vụ (culi cho đoàn phim). Nếu hỏi sinh viên trường Sân khấu lứa 1984-1989, chắc chắn mọi người đều biết Phước Sang đã cực như thế nào, nên nói đến Phước Sang bây giờ một số người sẽ không ngạc nhiên!
Diễn viên Phước Sang. |
- Và trọng lượng cơ thể anh bắt đầu tịnh tiến?
- Trước khi tịnh tiến, tôi cũng được nếm một "trận đòn" ra trò. Vì không muốn làm cu li hoài, nên tôi nhặt nhạnh từng đồng, không dám ăn, không dám mua quần áo. Nghe nói tết Đà Lạt đông như trảy hội nên tôi quyết định lấy 10 triệu đồng dành dụm làm đại nhạc hiệu.
Đêm đó tôi bán được 17 vé. Lý do rất đơn giản: Tết, người TP HCM kéo lên Đà Lạt hưởng không khí mùa lạnh, hít thở sương mù, đi chợ hoa còn người Đà Lạt kinh doanh du lịch, nên ra chợ bán hoa, và mở các dịch vụ phục vụ khách du lịch, chẳng ai quan tâm đến sân khấu giải trí. Thất bại đó cho tôi bài học xương máu: trước khi kinh doanh, phải tìm hiểu, phân tích kỹ thị trường, thị phần và bản sắc văn hoá địa phương mình kinh doanh.
- Anh làm gì sau khi trắng tay?
- Tôi đặt hai cây bài, một cây chết, tôi còn một cây, đó là chương trình dự trù ở Rạch Giá đăng ký 2 đêm diễn, nhưng sau diễn 4 đêm, và đêm nào cũng không đủ vé bán. Tôi gỡ được chương trình ở Đà Lạt và lời được mấy triệu. Chiến thắng đó cũng cho tôi một bài học: Người Kiên Giang đi biển nhiều, 1 tháng ròng rã ngoài biển, nên cứ có trăng là họ vô bờ, mà vô bờ thì phải đi giải trí, nên mùa trăng "đánh" ở vùng biển rất ăn. Nhưng văn hoá từng vùng khác nhau.
Cũng là mùa trăng ở Phan Thiết, tôi lại áp dụng công thức ở Kiên Giang. Kết quả là tôi rớt. Vì người Kiên Giang thích cải lương, vọng cổ, tấu hài. Nhưng người Phan Thiết lại thích nhạc trữ tình, tôi không đưa vào nên rớt là đúng. Hay đem chương trình ra Hà Nội thì phải nhằm mùa thu, có hoa sữa, gió se se khán giả mới thích đi. Và phải nhớ, phần đông khán giả Hà Nội không thích nhạc sến.
- Khi các trung tâm giải trí mang thương hiệu Phước Sang "bành trướng" thị trường TP HCM cũng là lúc có nhiều nhận xét về sản phẩm văn hoá "hàng chợ" của anh. Trên cương vị người định hướng, anh giải thích thế nào?
- Đối với tôi, hàng chợ hay hàng siêu thị không thành vấn đề, quan trọng là khi xác định sản xuất ra một sản phẩm, tôi phải biết đối tượng của mình là ai. Mọi người có quyền đánh giá nhưng tôi quyết định cái "vị" của mình. Hàng chợ cũng phải đảm bảo tôn chỉ, mục đích, và đúng với pháp luật. Nó đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn không chết là tôi làm. Người đi chợ thích, và tôi tồn tại bởi người đi chợ.
Con người tôi rất tỉnh, rất suy đoán, tính toán, cọ sát, mày mò để tìm ra những cái mới, hấp dẫn. Cái gì lời tôi làm, nếu không lời về tiền bạc thì phải lời về thương hiệu, giống như thay bằng bỏ tiền ra quảng cáo, tôi bỏ tiền để đẩy thương hiệu của mình lên. Tôi luôn tâm niệm một điều: làm người có đạo đức làm người, thì trong kinh doanh cũng có đạo đức kinh doanh. Kinh doanh mà không có đạo đức thì sớm muộn gì cũng bị đứt đạo.
- Khi kinh doanh anh rất tỉnh, khi diễn anh lại rất say. Sợi dây nối say và tỉnh đó là một Phước Sang mà mọi biểu hiện đã được nâng thành công nghệ?
- Đó là một Phước Sang tỉnh táo để tách bạch. Doanh nhân không được bay bổng, phiêu linh. Còn nghệ sĩ có quyền say vì một ly bia. Say thì để phiêu linh thì nghệ thuật mới thăng hoa được, chứ công thức không còn là nghệ thuật nữa.
Khi đứng ở vai trò diễn viên, tôi bay bổng với nhân vật, còn khi tách ra, tôi là một doanh nhân, chứ không nhập nhằng được. Lúc đóng phim Lục Vân Tiên tôi phải chịu sự chỉ đạo của đạo diễn, giám đốc sản xuất, tôi là người tính toán chi ly. Tôi chấp nhận cho đạo diễn "bay", nhưng tôi phải tỉnh để giữ lại, chứ đạo diễn "bay", tôi cũng "bay" thì có nước phá sản. Làm ra một sản phẩm, không chỉ phải nắm được mình đang phục vụ cho khách hàng nào, mà phải biết đối thủ mình là ai.
- Vậy đối thủ của anh là ai?
- Tôi đã sản xuất 2 phim, và phim nào cũng ăn khách nhất trong năm, nên đối thủ của tôi sẽ là những bộ phim Việt Nam hay sắp tới. Đó là lời thách đấu.
- Theo anh, ai sẽ là người có khả năng làm ra những bộ phim Việt Nam hay sắp tới, Thiên Ngân hay HK Film?
- Có thể HK, có thể Thiên Ngân, có thể là Hãng phim Giải Phóng, hãng Phim truyện I, hoặc anh Nguyễn Văn A mới có giấy phép ngày hôm nay. Nếu sản xuất ra phim hay thì họ là đối thủ của tôi, còn nếu không thì không phải là đối thủ của tôi.
- Nhiều hãng phim tư nhân làm là lỗ, thậm chí có hãng chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, nhưng Hãng Phước Sang đánh đâu trúng đó. Cảm giác của người chiến thắng thế nào?
- Phim tôi phát hành thành công, đó là chuyện của tôi, nhưng về thị phần thì tôi rất buồn, vì mình chưa có chợ. Nhiều phim Việt Nam thành công tôi mừng hơn, điều đó có nghĩa đã hình thành được cái chợ, và sống trong cái chợ đó tôi an toàn hơn nhiều. Còn hiện nay, có một mình mình bán, tôi sợ ma và sợ cả cướp nữa.
- Ai là ma và ai là cướp?
- Tôi sợ ma là sợ sự trống vắng, chông chênh, sợ mình lẻ loi. Tôi ở một mình nên cũng sợ cướp. Khi có một cái chợ có nhiều người thì cướp sẽ không biết người nào để ăn cướp, ma thấy tấp nập sẽ không xuất hiện, nên sẽ không nhát được tôi. Thường người ta nói là con ma chứ không ai nói bầy ma.
- Vì chưa có chợ, nên điện ảnh vẫn là một thị trường rất bất ổn. Anh có sợ bao nhiêu năm gây dựng sự nghiệp, cuối cùng lại "chết" vì cuộc chơi mạo hiểm với những con số ảo?
- "Chết" vì cái gì chứ vì con số ảo thì quá bất tài, không thể chấp nhận được, nên tôi không buồn, ngược lại, tôi còn sẵn sàng "chết".
- Anh đã hình dung ra cái chết đó như thế nào?
- Thứ nhất, tôi không đưa ra con số ảo. Thứ hai, là người kinh doanh thì không bao giờ được bi quan. Cảm nhận làm mình tự tin, mà cảm nhận rất quan trọng, nó quyết định đến 80% thành công. Nếu anh không cảm nhận được thì làm sao bắt khán giả cảm nhận được.
- Người ta nói "giã gạo, không bồng em", còn anh vừa giã gạo vừa bồng em, vừa quét nhà, vừa rửa bát. Vậy thời gian đâu để cảm nhận?
- Đó là mọi người nghĩ, chứ có thấy đâu. Nhưng để mọi người thấy, tôi không còn là mình nữa. Giống như trong tình yêu mình mở toang các cánh cửa thì chẳng còn gì để khám phá. Nên khi đối diện với tôi mọi người có thể thấy đôi mắt, lỗ mũi tẹt, chiếc miệng láu ta láu táu của tôi, chứ không thể nhìn thấy bên trong con người tôi.
- Anh nhận mình là người thật thà, hiền lành, lù khù. Nhưng nhiều người nói sau bộ mặt ngờ nghệch của anh là một bộ óc rất "quái". Anh nghĩ sao?
- Đi đêm nhiều có ngày gặp ma, mà khi bị lộ còn bi kịch hơn nên tốt nhất là sống thật với mình. Tôi có thể giả được 1-2 năm, nhưng 5-10 năm liệu có giả được không? Mà khi người ta phát hiện ra thì chỉ có nước độn thổ, nên tự thú trước bình minh là hay nhất, ánh sáng sẽ tha thứ cho mình!
- Nhưng thời buổi này, thật thà + hiền lành + lù khù = một cậu... ngốc chứ không phải doanh nhân thành đạt?
- Chưa chắc. Không phải tôi lù khù để người ta ức hiếp, mà là chân thật về công việc mình làm. Sau sự lù khù là một sự cảm nhận, suy nghĩ, tính toán, một sự miệt mài với công việc. Cũng giống như ra sân bóng, nhìn cầu thủ lù khù thế, nhưng lại có những đường chuyền đẹp. Vì cậu ta có tư duy tâm hồn, có cái nhìn bao quát trên sân bóng.
- Vì sao anh có nhiều tiền đến vậy?
- Vì cái đầu. Quan trọng không phải là nhiều tiền hay ít tiền, mà những sản phẩm mình làm ra là tiền của mình.
- Nhưng có thông tin anh đang nợ như chúa chổm. Thực hư thế nào?
- Đó là người ta nói, mà cứ cho là tôi nợ như chúa chổm đi, cái quan trọng là sản phẩm của tôi có giải quyết được món nợ chúa chổm đó không.
- Thế còn nhận xét: trong kinh doanh, Phước Sang rất láu cá thì sao?
- Tôi lù khù, chân thật, sống hết mình vì bạn bè, nhưng không thể để người ta ăn hiếp mình được. Nên tôi sẽ láu cá với những người láu cá. Chứ chấp nhận để người ta láu cá là mình ngu, mà tôi không có đức tính ngu.
- Anh kiếm được nhiều tiền, nhưng cũng chi khá mạnh tay cho những người phụ nữ trong quá khứ. Anh sẽ nói gì đây?
- Đừng nghĩ như thế. Tôi không muốn nhắc lại chuyện cũ. Chị A, B, C đã có gia đình, có người yêu, bây giờ nói lại thì trước tiên mình không tôn trọng mình, sau nữa là không tôn trọng người ta.
- Với phụ nữ đẹp, anh là người như thế nào?
- Tôi rất tỉnh. Những mối tình tôi chia tay là những mối tình đẹp, và chúng tôi vẫn là những người bạn tốt với nhau. Chứ lù khù thì phải hận nhau, chứ làm sao thành bạn tốt được.
- Chân những cô gái của anh không quá dài, nhưng đều là mỹ nhân, xem ra anh cũng là một gã đàn ông đào hoa lắm "thành tích". Anh cảm thấy thế nào về nhận xét này?
- Đó không phải là thành tích, mà là nỗi đau của tôi. Vì tôi không hoàn thiện. Chứ hoàn thiện thì không thể nào tôi chia tay những mối tình đáng yêu của mình.
- Tình yêu trong quá khứ cũng lấy đi của anh khá nhiều mồ hôi, vì anh luôn phải lăng xê người đẹp của mình thành ngôi sao?
- Vấn đề là tôi cần cái "đậu" chứ không cần cái "bay" đi. Mà vỗ cánh tung bay với đời thì tốt chứ sao, vì mình đã chắp cho họ một đôi cánh đẹp. Mình có thể hãnh diện, khi đã tạo cho đời một bông hoa, một người có thể làm nên điều gì đó cho nghệ thuật.
- Vấn đề không phải sao "bay" đến chân trời nghệ thuật như cách nói của anh, mà là "bay" đến với người đàn ông khác. Anh thấy sao?
- Cái gì "bay" là xong, không phải nghĩ đến cho mệt. Mà lo âu với suy nghĩ đó thì không thể làm được việc. Cuộc đời còn rất nhiều thứ để làm. Năm 1990 khác năm 2000, năm 2000 khác 2010.
- Anh có tin nữ diễn viên khả ái Kim Thư sẽ "đậu" lại với mình lâu dài?
- Quan niệm của tôi: Không tin là không yêu.
- Nhưng niềm tin của anh từng bị thương nhiều lần. Làm sao đây?
- Tại tôi không hoàn thiện.
- Lúc này anh đang vào vai người lù khù rất đạt?
- Không phải lù khu, mà yêu là phải tin. Yêu mà không tin là giả vờ, đóng kịch với nhau. Trước đây tôi không hạnh phúc trong tình yêu, nhưng bây giờ tôi rất hạnh phúc. Tôi không hoàn thiện với tình yêu là lỗi lớn nhất. Nhưng biết sao được khi công việc là đam mê, là hoài bão của tôi. Tuy nhiên, bây giờ tôi sẽ phải cố gắng để hoàn thiện, chứ gần 40 tuổi mà chưa hoàn thiện thì chết.
(Theo Đẹp)