Gửi được con vào nhà trẻ đủ tiêu chuẩn là điều kiện mơ ước của nhiều vợ chồng. |
Cũng như nhiều công nhân may giày da khác, chị Phan Thị Thanh Sương làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung 1, Thủ Đức, TP HCM gửi con về quê cho ông bà ngoại.
"Đôi lúc nhà thiếu tiếng nói của con buồn đến rơi nước mắt. Nhưng lương hai vợ chồng chưa đến 2 triệu đồng/tháng trong khi nếu gửi con ở nhà trẻ đã hết nửa triệu. Thêm khoản ăn uống, nhà trọ và hàng trăm chi phí khác không thể nào sống nổi!", chị Sương cho biết.
Anh Trịnh Đăng Thắng ở quận Bình Tân gửi đứa con 4 tuổi tại một nhà trẻ tư nhân được ba ngày đã thấy con "ngủ li bì bất thường". Sợ nhà trẻ bỏ thuốc ngủ, hai vợ chồng không gửi con theo tháng nữa mà thay phiên nhau ở nhà giữ. Khi cả hai vợ chồng đều bận thì gửi con cho một nhà trẻ gia đình khác với chi phí 15.000 đồng/ngày.
Trường hợp vợ chồng chị Hương, công nhân công ty Lạc Tỷ (quận Bình Tân) càng nan giải. Chị có hai con. Đứa 4 tuổi đã gửi về quê cho ông bà nhờ nuôi nấng giùm gần ba năm. Còn bé 9 tháng tuổi chưa biết tính thế nào vì các nhà trẻ không nhận giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi. Buộc lòng chồng chị phải làm việc ca đêm, chị làm ban ngày để thay phiên nhau giữ con. Những lúc hai vợ chồng tăng ca thì nhờ hàng xóm giữ giùm.
Gần như mọi người ở khu nhà trọ cạnh cầu vượt Linh Xuân (quận Thủ Đức) đều biết chuyện vợ chồng anh Điềm, công nhân khu chế xuất Linh Trung 1, thuê một phụ nữ hơn 50 tuổi để giữ con mình tại phòng trọ. Lợi dụng lúc ông bà chủ đi vắng, người giữ trẻ này bế con anh đi... ăn xin. Không có chỗ gửi con vừa phù hợp túi tiền vừa an toàn, nhiều nữ công nhân có con nhỏ phải xin nghỉ làm.
Theo Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất TP HCM, tính đến cuối năm 2006, những nơi này đã thu hút trên 211.000 lao động. Trong đó, lao động nhập cư chiếm trên 60%, tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 67%. Nếu tính nhóm công nhân ngoài khu công nghiệp, TP hiện có hơn nửa triệu lao động nữ, chủ yếu là lao động trẻ từ 18-25 tuổi, độ tuổi lập gia đình và có con nhỏ. Điều đó cho thấy rằng số con của công nhân cần được chăm sóc rất lớn. |
Tại một nhà trẻ gia đình chuyên giữ con công nhân Tân Thuận trên đường Bùi Văn Ba (quận 7), người giữ trẻ cho biết phí giữ trẻ 2 tuổi 450.000 đồng/tháng, trẻ nhỏ 1 tuổi 700.000 đồng/tháng. Cha mẹ tự lo sữa. Nhà trẻ chỉ nhận giữ từ 6h đến 18h. Có thể "đặc cách" giữ đến 21h với điều kiện phải trả thêm 5.000 đồng/buổi. Nhà trẻ này quá chật chội so với sức chứa 30 trẻ hiện tại.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, trưởng Phòng giáo dục mầm non Sở GDĐT TP HCM cho biết, khi giữ 5-10 trẻ, người giữ trẻ phải có chuyên môn. Qua các đợt kiểm tra cho thấy không kể các nhà trẻ hoạt động "chui", số nhà trẻ tư nhân và nhóm trẻ gia đình có đăng ký không đạt tiêu chuẩn khá nhiều. Trong đó những lỗi phổ biến: cơ sở vật chất chật hẹp, thiếu giáo viên, giáo viên không đủ chuẩn.
Bà Mai Thị Bích Vân, Trưởng ban nữ công Liên đoàn Lao động TP HCM, cho biết số doanh nghiệp có xây nhà trẻ cho con công nhân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đã thế những doanh nghiệp có nhà trẻ hiếm hoi của thành phố này cũng không duy trì được.
Chị Nguyễn Thị Năm, chủ tịch công đoàn công ty Dệt Việt Thắng, tâm tư: "Công ty cổ phần hóa. Nhà trẻ của công ty đã duy trì gần 20 năm giờ phải giải thể từ đầu năm học này". Công ty từng có nhà trẻ giữ khoảng 300 trẻ là con cán bộ công nhân viên với mức thu chỉ bằng 50-60% giá nhà trẻ bên ngoài. Điều quan trọng nhất là nhà giữ trẻ của công ty giữ trẻ phù hợp với giờ làm của các bậc cha mẹ.
Trong khi đó, doanh nghiệp có lượng công nhân lên đến hàng trăm ngàn người như công ty Pou Yuen (quận Bình Tân) cũng đau đầu. "Công ty lên kế hoạch xây nhà trẻ cho con công nhân nhiều năm nay nhưng mãi chưa thực hiện được vì không có đất", ông Củ Phát Nghiệp, chủ tịch công đoàn công ty Pou Yuen, cho biết.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Thanh nói rằng nếu công ty bỏ vốn ra xây dựng mô hình "nhà trẻ của công ty" và giao lại cho ngành giáo dục quản lý thì được. Ngành giáo dục rất hoan nghênh và sẵn sàng cung cấp đội ngũ giáo viên, ban giám hiệu, hướng dẫn chuyên môn, thậm chí đảm nhận việc trả lương cho giáo viên.
Bà Thanh cũng cho rằng UBND TP khi có kế hoạch thành lập khu công nghiệp có thể dự báo cho ngành giáo dục biết trước số công nhân sẽ có tại khu công nghiệp đó để ngành có kế hoạch đào tạo giáo viên. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cũng phải có văn bản hướng dẫn cụ thể hoặc kiến nghị cho phép xây dựng trường mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất phù hợp với mức lương của công nhân.
(Theo Tuổi Trẻ)