Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh. |
- Ông có thể nói rõ về bữa cơm tại khách sạn Melia mà dư luận cho rằng, đó là bữa cơm do Tôn Anh Dũng - (Dũng Huế) đệ tử của Bùi Tiến Dũng - mời một số quan chức để bàn chạy án?
- Tôi khẳng định là không có chuyện bàn chạy án. Đây chỉ là bữa ăn thông thường giữa những người quen biết. Bữa ăn hôm đó gồm 5 người: Dũng Huế, 3 anh khác ở cơ quan cấp ngang bộ (vì lý do tế nhị nên tôi không muốn nêu tên các anh ấy). Hôm đó, đang ở cơ quan thì tôi nhận được điện thoại của một người mời tôi ra khách sạn Melia ăn trưa. Vì người mời là người quen, hơn nữa về chức vị thì anh ấy còn hơn tôi nhiều lần nên tôi nhận lời. Khi tôi ra thì đã có các anh ấy và Dũng Huế.
- Trong bữa ăn đó, thông tin về vụ PMU 18 có được Dũng Huế đề cập với ông và mọi người không?
- Mọi người toàn nói chuyện xã hội, công việc. Tôi nhớ là trước khi về có ai đó hỏi tôi là nghe nói vụ đánh bạc phức tạp lắm hả. Tôi cũng chỉ nói là vụ này phức tạp lắm, rồi tôi về trước. Tuyệt nhiên không có ai nói gì liên quan đến chạy án cả. Tôi chỉ là khách mời ngẫu nhiên. Tôi đã giải trình toàn bộ nội dung này tới Đảng uỷ Bộ Công an. Sự thật chỉ có thế thôi.
- Nhưng người mà ông nói là có hàm chức hơn ông trong bữa ăn đó, lại làm bản giải trình với nội dung rằng, chính ông là người chủ động mời họ đến ăn và khi họ đến, ông và Dũng Huế đã chờ sẵn?
- Điều này tôi không biết, từ phía mình tôi chỉ biết là giải trình trung thực nội dung sự việc tới cấp trên.
Trong những ngày qua, một số nhân vật bị nghi ngờ “chạy án” cho Bùi Tiến Dũng đã phải giải trình với cơ quan chức năng. Trong số này, có một cán bộ cao cấp của Tổng cục Cảnh sát, hai quan chức cấp bộ trưởng và thứ trưởng của một cơ quan ngang bộ. Ba người này đã có mặt tại bữa tiệc do Dũng Huế chủ trì ở khách sạn Melia trước khi Bùi Tiến Dũng bị bắt. (Tuổi trẻ) |
- Vậy phải lý giải thế nào khi những người trong cuộc cho rằng bữa ăn đó là bình thường, nhưng ông và người có hàm cao hơn ông lại làm giải trình với nội dung trái ngược?
- Tôi không biết anh ấy giải trình những gì. Có thể một bữa ăn bình thường thì có người nhớ, có người quên. Cái quan trọng là ở đó không có gì khuất tất cả. Đừng chỉ vì một bữa ăn thuần tuý mà đổ oan cho người khác.
- Quan hệ giữa ông và Dũng Huế có thể đánh giá ở mức độ nào?
- Tôi và Dũng Huế là người cùng huyện, ở hai làng khác nhau. Sau này thỉnh thoảng Dũng Huế có điện thoại xin bữa cơm, tôi cũng mời về nhà. Mối quan hệ này hoàn toàn bình thường theo dạng đồng hương.
- Ông hay biết gì về mối quan hệ giữa Dũng Huế và Bùi Tiến Dũng?
- Sau này tôi biết Dũng Huế có nhận vài công trình của PMU 18, thực ra tôi cũng không quan tâm tới việc Dũng quan hệ với ai. Nhưng Dũng là người quan hệ rộng, hơn nữa cũng hay có tính khoe quen người này người khác nên có vài lần khi Dũng đến nhà, tôi có nhắc là “anh lên trên này, làm ở vị trí điều tra thì chú đừng làm gì để ảnh hưởng tới anh”. Dũng có nói đời nào em hại anh. Tôi biết trong thâm tâm Dũng coi tôi như người anh.
- Vậy cho đến giờ, ông nghĩ thế nào về việc Dũng Huế cầm 30.000 USD của Bùi Tiến Dũng để chạy án và mọi nghi ngờ đang dồn vào ông?
- Đúng là "không có lửa thì không có khói", nhưng tâm lý tội phạm khi chạy án bao giờ cũng nhắm đến các mối quan hệ ở các cơ quan tố tụng. Tôi có thể là một hướng để các đối tượng nhắm đến. Và trong vụ PMU 18 thì ngoài Dũng Huế không ai có khả năng tiếp cận tôi để chạy án. Có thể Bùi Tiến Dũng biết Dũng Huế hay qua lại với tôi nên không loại trừ khả năng Dũng Huế chính là người trung gian để Bùi Tiến Dũng nhờ chạy án cho mình.
Nhưng tôi không bao giờ dại mà một tay xích Bùi Tiến Dũng, còn tay kia lại nhận tiền của anh ta. Làm như vậy có khác gì mình tra tay vào còng cùng với đối tượng phạm tội. Hơn nữa, chỉ có đối tượng không hiểu biết pháp luật mới chạy án tới thủ trưởng cơ quan điều tra, vì tôi có cầm bút viết hồ sơ đâu mà chạy.
- Nhưng uy của thủ trưởng cơ quan điều tra lớn, đối tượng nhờ ảnh hưởng của ông để tác động đến các điều tra viên cũng là điều dễ hiểu chứ thưa ông?
- Thủ trưởng không thể bẻ cong ngòi bút của điều tra viên. Việc điều tra vụ án không phải một người, mà cả tập thể. Thủ trưởng điều tra không bao giờ làm trực tiếp. Họ chỉ có quyền khi phó thủ trưởng và điều tra viên làm sai. Khi đó, thủ trưởng có quyền không cho làm nữa, hoặc nếu cấp dưới ra quyết định sai tôi sẽ phủ định quyết định đó.
- Xin lưu ý với ông là thời điểm Dũng Huế mời ông và các quan chức kia đi ăn, Bùi Tiến Dũng chưa bị bắt?
- Đúng vậy, Dũng bị bắt sau bữa cơm ở khách sạn Melia tôi nhớ là khoảng 4-5 ngày gì đó. Nhưng trước khi bắt Bùi Tiến Dũng, các tài liệu trinh sát điều tra về tên này đã khá đầy đủ. Khi đó, tôi là người trực tiếp chỉ đạo vụ này nên tôi phải nắm rõ chứ.
- Trở lại với bản tường trình của ông, cái tên Dũng Huế chỉ mới được ông đề cập gần đây chứ không phải là ngay trong bản tường trình đầu tiên, tại sao vậy thưa ông?
- Lúc đầu khi có thông tin nghi ngờ việc chạy án, Đảng uỷ Bộ Công an yêu cầu giải trình, tôi đã giải trình ngay. Nhưng khoảng 3 ngày sau, đánh giá việc chạy án này chắc phải qua trung gian nên tôi nghĩ ngay đến Dũng Huế vì chỉ có anh này mới có khả năng tiếp cận được tới tôi. Trong bản báo cáo sau đó, tôi đã nói rõ về mối quan hệ với Dũng Huế và đề nghị lập ban chuyên án đặc biệt để điều tra làm rõ những thông tin này. Và cũng là để giải oan cho tôi.
Thực ra cũng không loại trừ khả năng Dũng Huế định nhằm tới tôi để chạy án thật, nhưng Dũng cầm tiền, còn việc có chạy hay không, và chạy như thế nào là chuyện khác. Không thể cứ căn cứ theo lời khai đối tượng định chạy đến ai mà khẳng định người đó đã cầm tiền rồi. Đến nay C14 đã xác định Dũng cầm 30.000 USD của Bùi Tiến Dũng để chạy án. Nhưng Dũng Huế khai mang số tiền này sang Thái Lan chữa bệnh cho con đang bị ung thư. Sau đó Dũng đã nhờ người nhà nộp 480 triệu đồng cho C14.
- Quen với Dũng Huế lâu rồi, ông hiểu về gia đình, công việc của Dũng Huế ra sao?
Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an: Bọn chạy tội muốn tấn công vào đồng chí Thủ trưởng Cơ quan điều tra. Đến giờ phút này, cơ quan chức năng tìm hiểu, điều tra kỹ lưỡng nhưng chưa có cơ sở để xác định là đồng chí này chạy tội. Song để khách quan, khi có dư luận như thế, lãnh đạo Bộ Công an không để cho đồng chí này tham gia chỉ đạo vụ án. Không phải vì có dư luận như thế mà xác định ngay là đồng chí đó nhận tiền, nếu nhận tiền thì đã bị khởi tố, bắt giam ngay. Thế nên, cần phải nhìn nhận vụ việc với thái độ bình tĩnh trên tinh thần xử lý rất nghiêm sai phạm nhưng không để ai bị oan. Theo tôi, khi thông tin về vấn đề này, cả báo chí và cơ quan điều tra cần công tâm và tỉnh táo khi thực hiện nhiệm vụ của mình, đừng để ai đó lợi dụng, "đục nước béo cò". Đồng chí này thuộc diện chuẩn bị nhân sự để vào Trung ương, dự kiến đề bạt Thứ trưởng Bộ Công an nên phải thận trọng. Khi thông tin phải có gì nói ấy, đừng nói oan cho họ. Người bị oan là khổ sở lắm! (Thanh Niên) |
- Tôi cũng không quan tâm lắm, nhưng theo tôi hiểu, Dũng làm xây dựng công trình thì kinh tế chắc cũng phải khá, vì thế mới có điều kiện đưa con sang Thái chữa bệnh.
- Liệu có mâu thuẫn không nếu một người có kinh tế khá như thế mà lại khai rằng để chữa bệnh cho con nên hứa hão chạy án chỉ để cầm 30.000 USD của Bùi Tiến Dũng?
- Cái đó phải hỏi cơ quan điều tra, chứ không phải tôi.
- Thưa, vì sao ông lại rút khỏi vai trò chỉ đạo vụ án này?
- Là người nắm và chỉ đạo vụ án này ngay từ đầu nhưng đến khi có tin tôi bị nghi ngờ dính vào việc chạy án, dù rất đau lòng nhưng tôi cũng đã tự nguyện xin rút ra khỏi việc chỉ đạo điều tra. Hơn nữa, theo điều 42 của Luật tố tụng thì rút khỏi việc điều tra này là bắt buộc. Tôi vẫn đang chỉ đạo các vụ án khác bình thường.
Về những nghi vấn liên quan đến tôi, tôi tin cơ quan điều tra và Uỷ ban kiểm tra sẽ sớm làm rõ. Kinh nghiệm đấu tranh chống tội phạm của tôi cho thấy, hiện đã đủ điều kiện để làm rõ hành vi chạy án vì các đối tượng trong tầm ngắm của cơ quan điều tra đều đã bị bắt. Tôi đang rất mong mọi việc sớm được rõ ràng.
(Theo VnExpress)