Thế nhưng, không ít lao động trẻ hiện vẫn rơi vào tình trạng bị cô lập, tẩy chay. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:
Bạn quá khép kín: Phơi bày ruột gan với mọi người không phải là tính cách của bạn. Thế nhưng, quá kín đáo lại có thể khiến mọi người nghĩ bạn lạnh lùng và không tin tưởng bất cứ ai. Ban đầu, họ có thể thích bạn vì sự kín miệng. Dần dà, họ có cảm giác mình đang tâm sự với cục đá, chỉ có họ nói. Còn bạn tuyệt nhiên không hề hé lộ thông tin hay ý kiến của mình. Người xung quanh sẽ nghĩ bạn đang dè chừng, như thế rất khó tạo mối quan hệ tốt.
Quá khẳng định bản thân: Bạn thường tự "vỗ ngực" xưng mình là yếu tố tích cực giúp mọi người thăng tiến. Bạn luôn thể hiện mình trong mọi vấn đề, từ công việc thuộc chuyên môn, trách nhiệm của mình đến những việc của người khác.
Sếp giao việc cho đồng nghiệp, bạn thường nhanh nhảu: "Cứ để em, chuyện đó dễ thôi mà!". Mọi người sẽ nghĩ rằng bạn đang tranh công để được lòng cấp trên. Trong cuộc họp, khi sếp muốn mọi người phát biểu ý kiến, bạn là người đầu tiên giơ tay, Cứ thế, bạn thao thao hết vấn đề này đến vấn đề khác. Đến khi bạn dừng lại cũng là lúc cuộc họp kết thúc. Bạn có nghĩ còn bao nhiêu người muốn nói?
"Bà tám" công sở: Một đồng nghiệp thân gặp chuyện buồn, vừa chia tay người yêu. Cô ấy chỉ tâm sự chuyện này với bạn cho vơi nỗi lòng. Ai ngờ hôm sau, chuyện cô ấy bị "bồ đá" bay sang tận các phòng khác. Không những thế, bạn còn thêm chút "màu sắc" cho câu chuyện hấp dẫn hơn. Lúc này cô ấy đau khổ hơn và các đồng nghiệp khác ngày càng "bế quan" khi gặp bạn.
Bạn là "chúa" nhờ vả: Từ các việc lớn như nghĩ ý tưởng, gặp khách hàng đến những việc nhỏ như dọn dẹp văn phòng, rửa ly, bạn cũng nhờ người khác làm cho dù lúc đó bạn không quá bận. Thành thói quen, gặp bất cứ ai có thể nhờ vả được là bạn tranh thủ ngay. Dần dần, họ hiểu ra bạn chỉ lợi dụng lòng tốt của người khác.
Mượn và quên: Trong mắt đồng nghiệp, bạn là người luôn thiếu thốn mọi thứ. Dù không cố tình nhưng bạn lại hay mượn vặt chiếc bút chì, đồ bấm kim… Dùng xong, bạn để đâu đó rồi quên mất. Kết quả, khổ chủ cứ phải ngậm bồ hòn vì "Ai lại tính toán từng chiếc bút, cái kim". Sau nhiều lần mất tích đồ dùng như thế, cứ thấy bạn đến gần, họ vội cất giữ cẩn thận các vật có nguy cơ "một đi không trở lại" ngay.
Quá tính toán: Mỗi lần đi ăn, chơi, bạn luôn đến sau và ra về trước để không phải thanh toán chi phí. Đôi khi đồng nghiệp hô hào mọi người "hợp tác xã" cho bữa ăn. Ai cũng đóng góp đủ, riêng bạn chỉ đưa một nửa tiền với lý do "mình không ăn được món đó". Cả phòng đi chơi xa, thiếu xe, bạn nhất quyết không chịu đi xe của mình vì sợ mòn lốp, hao xăng. Mọi người đều ngán ngẩm cái tính "nhận mười, cho một" của bạn.
Những lời đùa khiếm nhã: Chuyện trò hài hước sẽ giúp không khí làm việc bớt căng thẳng, nhưng tránh quá đà trong giao tiếp. Điều đó chỉ khiến bạn bị mọi người tẩy chay. Hãy sống hòa nhập, tạo mối quan hệ tốt với mọi người. Đừng quên mở lòng với tập thể, làm như vậy, bạn sẽ không bao giờ bị cô độc.
(Theo Tiếp Thị & Gia Đình)