Vợ chồng anh Thắng, chị Hải Anh lấy nhau đã được 16 năm. Anh là một người thành đạt với vị trí vụ trưởng, còn chị năng động hoạt bát, trong cương vị một chủ doanh nghiệp có tiếng ở Hà Nội.
Đến bây giờ khi hai người đã 40 tuổi, cơ nghiệp tiền tài đầy đủ thì điều duy nhất họ thiếu là một đứa trẻ. Họ mong mỏi một đứa con để gửi gắm niềm yêu thương, để hạnh phúc gia đình được trọn vẹn. Bao nhiêu lần thăm khám, bao nhiêu lần thuốc thang, khắp nơi chạy chữa cả đông y, tây y, nhưng đều không mang lại kết quả. Họ đành phải thụ tinh nhân tạo, nhưng mấy lần làm thì kết quả đều không được như ý muốn: chị vẫn không đậu thai.
Là con trưởng trong gia đình nên quan điểm của anh cũng như bao người đàn ông khác cần một đứa con để “nối dõi”. Và đó cũng là lý do để anh đến với người phụ nữ khác.
Chức vụ cao lại đẹp trai phong độ nên việc yêu và lấy một cô gái trẻ về làm vợ là một điều đơn giản. Anh hay vắng nhà nhiều hơn, những chuyến đi công tác của anh thường kéo dài mà không báo trước. Về nhà anh cáu gắt vô cớ, thờ ơ trước sự quan tâm của chị.
Anh nhất quyết đề nghị li dị, chị "bùng" lên. Chị cảm thấy như là một sự ruồng rẫy. Chị tự hỏi tại sao người ta có thể quên đi 16 năm trời tình nghĩa? Bản thân chị là một người phụ nữ, chị cũng khát khao lắm cái quyền được làm mẹ. Chị đã ân hận biết bao khi lúc còn yêu nhau chị đã phải bỏ đi hai bào thai nhỏ và đau khổ vô cùng khi anh ngoại tình về lây bệnh sang chị. Hai vợ chồng đã phải chạy chữa bao nhiêu và theo lời bác sĩ đó là một trong những nguyên nhân khiến chị không thể có con nữa.
Cuộc sống của chị còn ý nghĩa gì nếu ngay cả mái ấm gia đình, niềm an ủi duy nhất của cuộc đời chị cũng bị tan vỡ? Chua xót thay, cái mà anh thuyết phục chị đó là tiền: Chị sẽ ra đi với 1 tỷ ở trong tay. Chị chua xót nghĩ rằng là một sự ăn cướp chứ không phải đền bù. Tất cả kinh tế gia đình cùng anh gây dựng, nhưng những cái đang có phần lớn được hình thành từ công việc kinh doanh của chị, riêng cái nhà họ đang ở thôi đã chục tỷ, vậy mà...
Đau khổ và uất ức, chị quyết định: Nếu phải trở lại vạch xuất phát thì người đồng hành với chị cũng phải trở về vị trí đó. Chị mất đi mười sáu năm gây dựng, mất đi cả một đời con gái và mất cả cái quyền được làm mẹ, thì anh ít nhất là mất chức vụ của mình. Anh sẽ phải viết đơn từ chức đi kèm với đơn ly dị. Dù gì anh cũng phải gây dựng lại sự nghiệp từ đầu, cũng như chị gây dựng gia đình từ đầu.
Nhận định về trường hợp của gia đình chị Hải Anh, chị Phùng Thị Hiên, Trưởng phòng tư vấn tâm lý của Công ty Tư vấn Tâm lý An Việt Sơn (1900 5858 86) cho rằng "Không ăn được thì đạp đổ" là tâm lý tất yếu nảy sinh khi một người cảm thấy bất mãn trước một sự việc, một tình huống hay đơn giản là một thứ gì đó.
Cái mà họ nghĩ rằng họ xứng đáng được hưởng, xứng đáng được có, nhưng vì lý do nào đó, những lý do họ cho rằng không hợp lý đã khiến họ không có được. Điều này thật không dễ dàng chấp nhận, nhất là khi họ phải hi sinh quá nhiều, mất mát quá nhiều. Phân tích điều đó để thấy rằng họ xứng đáng được hiểu và cảm thông. Tuy nhiên, trong mỗi tình huống, nhất là khi có liên quan đến tình cảm của con người, rất cần người trong cuộc sáng suốt phân tích và nhìn nhận vấn đề. Điều quan trọng họ cần hiểu: Tình cảm là một thứ không thể gượng ép. Khi tình cảm không thuộc về mình, càng giữ sẽ càng tuột. Dẫu mất mát, dẫu đau khổ nhưng buộc lòng họ phải học cách chấp nhận. Nếu làm theo tư tưởng “Không ăn phải đạp đổ”, họ có thể giải toả được bức xúc của mình tạm thời, nhưng cái họ nhận được sẽ thật tồi tệ.
Ngọc Minh