![]() |
Bà Nguyễn Thị Chín, thôn Dục Tịnh, cố bòn kiếm số đậu còn sót lại trên đồng. |
Hết bão đến... gió lốc
Mới trải qua cơn bão Xangsane với gần 1.200 ngôi nhà sập, tốc mái, cả xã Đại Hồng chưa kịp hồi phục thì trận lốc chiều 14/4 lại bồi thêm, khiến nhà cửa nơi đây càng thê thảm hơn. Sáng 15/4, tại ba thôn bị thiệt hại là Dục Tịnh, Phước Lâm và Đông Phước, người dân còn chới với, chưa biết xoay xở làm sao.
Ông Nguyễn Điểu (87 tuổi, thôn Dục Tịnh) cứ đi đi lại lại trên nền nhà trống trơ. Cơn lốc quái ác đã biến căn nhà gỗ vốn ọp ẹp của ông giờ đây thành đống đổ nát điêu tàn. Ngay sau trận lốc, chính quyền xã đã huy động một nhóm dân quân cơ động đến dỡ, lôi từng tấm tôn và các vật dụng sinh hoạt ra khỏi đống hoang tàn đổ nát.
Ông Điểu nói: “Cả đời gói gém dựng căn nhà này, giờ sập lại phải nhờ mấy chú thanh niên dọn dẹp giúp. Chuyện dựng lại nhà e khó quá”. Tại thôn Phước Lâm, anh Nguyễn Thịnh đầu còn băng trắng vì bị cột nhà đánh đang thẫn thờ ngồi nhìn căn nhà đổ nát của mình. “Nhà mới dựng lại sau bão giờ thì sập hoàn toàn...”, anh Thịnh bỏ dở câu nói đưa tay lau vội nước mắt.
Đến trưa 15/4, hệ thống điện, điện thoại trên địa bàn vẫn chưa được khôi phục. Số người bị thương tăng lên 21 người (trong đó có ba người bị thương nặng). Về tài sản thì có hơn 400 nhà sụp đổ, tốc mái cùng 12 phòng học mầm non, bốn phòng tiểu học, một trạm y tế xã.
Chủ tịch UBND xã Đại Hồng Đặng Văn Kỳ cho biết: “Bức xúc nhất hiện vẫn là ổn định chỗ ở, sinh hoạt của người dân. Xã đang nỗ lực khôi phục từng nhà. Đối với hàng trăm người chưa có chỗ ở sẽ vận động hàng xóm giúp đỡ, cưu mang”.
Lại thêm một mùa thất bát
Giữa trưa 15/4, nắng như thiêu đốt vậy mà cả cánh đồng mênh mông của xã Đại Hồng vẫn đông nghịt người. Người ta đua nhau đổ ra đồng để thu hoạch vội những gì còn sót lại sau trận cuồng phong. Thẫn thờ bên đống thân cây đậu nhàu nát, tả tơi, bà Nguyễn Thị Chín (thôn Dục Tịnh) nói: “Trời không cho ăn chú ơi. Toàn bộ ba sào đậu vừa nhổ buổi sáng, chưa kịp thu hoạch đã bị gió thổi tung, cuốn đi mất sạch”.
UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định hỗ trợ các hộ gia đình bị lốc. Theo đó, đối với nhà sập được hỗ trợ 5 triệu đồng, nhà tốc mái hoàn toàn 2 triệu đồng, nhà tốc mái từ 50% trở lên 1 triệu đồng và người bị thương được hỗ trợ 1 triệu đồng. Tỉnh cũng đã chi khẩn cấp 10 tấn gạo cho người dân ở ba thôn. Riêng mỗi học sinh được hỗ trợ 10 cuốn tập để đến trường.
Gia đình bà Chín là một trong hàng trăm hộ dân của xã Đại Hồng đang phải đối mặt với một vụ mùa thất bát thảm hại. Đưa tay lau hàng nước mắt, bà Chín thút thít: “Tui tính đợt thu hoạch đậu này sẽ bán để lấy gạo ăn mùa tới. Vậy mà ông trời ác quá”. Sau một đêm không ngủ vì tiếc của, sáng sớm bà Chín đã phải lặn lội từ thôn trên, xóm dưới tìm người nhờ ra đồng thu hoạch. “Bòn kiếm được chừng nào mừng chừng đó. Nhưng e không được một nửa", bà Chín nói như khóc. Giữa trưa hè nóng bức, nhìn hai cô cháu bà Chín nhoài người giữa ruộng bí tả tơi mà xót xa.
Đau nhất vẫn là những cánh đồng ngô đang vào kỳ tích sữa. Nhìn những ruộng ngô xanh rì chỉ trong chốc lát đã ngã rạp sát đất mà tiếc thương công sức của người nông dân. Bên khoảnh ruộng của mình, ông Nguyễn Khánh Bằng (thôn Lập Thuận) bảo: “Trái ngô đang kỳ tích sữa mà gãy thì coi như vứt 60% năng suất. Mọi năm làm gì có kiểu gió trở chứng như vậy”. Nói rồi ông chỉ tay về phía các ruộng ngô bên dưới: “Toàn bộ diện tích ấy coi như bỏ rồi đó”. Không những ngô, đậu mà hàng chục hecta lúa đang thời kỳ ngậm sữa, rồi ớt Hàn Quốc, cây bông vải cũng gãy đổ.
Nằm về phía hữu ngạn của dòng Vu Gia, làng Đại Hồng được coi là một trong những vùng đất trù phú nhất. Hằng năm, vùng đất này được bồi bổ thêm một lượng phù sa màu mỡ. Chính vì thế lúa, đậu, bắp, ớt, cây bông vải là nguồn thu nhập chính cho người nông dân. Nhưng rồi thi thoảng... họa trời lại ập xuống.
Lật cuốn sổ thống kê tình hình thiệt hại, phó chủ tịch xã phụ trách kinh tế Nguyễn Văn Cảm nói: “Toàn xã có đến 96 ha bắp lai bị gãy đổ, 35ha lúa đang vào kỳ ngậm sữa bị tuốt hạt, 15 ha lạc chưa kịp thu hoạch đã bị lốc cuốn mất sạch. Ước thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng”. Với ai đó thì số tiền này không lớn nhưng với người dân xã Đại Hồng, cơn lốc đã cuốn đi không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt.
(Theo Tuổi Trẻ)