Bên cạnh đó, cơ quan công an tỉnh Vĩnh Long đang áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác định rõ nguyên nhân vụ án và xem xét trách nhiệm của tổ chức cá nhân cụ thể có liên quan.
Sáng cùng ngày, Thiếu tướng Phạm Quý Ngọ, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã làm việc với Công an tỉnh Vĩnh Long để nghe kết quả thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ sập cầu. Thiếu tướng Ngọ hiện được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo điều tra thay cho trung tướng Phạm Nam Tào đi công tác nước ngoài, và còn vì tính chất nghiêm trọng của vụ việc.
Hiện tại, công việc khám nghiệm tập trung vào khâu thi công dàn giáo, đổ bê tông, biện pháp và tổ chức thi công xung quanh 3 trụ chính 13, 14, 15. Bên cạnh đó, công tác giám định vật liệu thi công cũng sẽ được tiến hành. Những công việc này rất phức tạp và mất thời gian vì mặt bằng hiện trường rộng, khối bê tông mặt cầu bị sập có diện tích lớn và nặng hàng nghìn tấn. Cơ quan công an đã tiến hành khám nghiệm, ghi hình toàn bộ hiện trường.
Chiều 2/10, ông Trịnh Xuân Cường, Cục phó Cục giám định và quản lý chất lượng công trình giao thông, cho hay, cuối tuần này một tổ công tác của Bộ GTVT bao gồm các chuyên gia kỹ thuật cao cấp sẽ vào Cần Thơ thu thập số liệu, lập đề cương nghiên cứu và đánh giá nguyên nhân sự cố sập cầu.
Trước thông tin trụ tạm đỡ dàn giáo không được thử tải trước khi lắp gây lún trụ tạm, ông Cường cho biết, nhà thầu báo cáo là trụ tạm này đã được thử tải, họ cũng có hồ sơ thể hiện đầy đủ. Tuy nhiên, các hồ sơ này sẽ được Tổ công tác của Bộ GTVT xem xét, đánh giá. Cũng theo ông Cường, không nhất thiết công trình cầu nào cũng phải thử tải trụ tạm, việc này phụ thuộc vào kết cấu, biện pháp thi công của nhà thầu.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đã lựa chọn một công ty tư vấn độc lập ngoài Bộ thực hiện công tác đánh giá nguyên nhân sự cố. Đó là một công ty của Đại học Giao thông vận tải (thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo).
![]() |
Việc tìm kiếm người mắc kẹt ngày càng trở nên khó khăn. |
Việc tìm kiếm người mắc kẹt ngày càng khó khăn
3 nạn nhân còn kẹt lại được xác định tại các vị trí: 2a - ở điểm gãy nằm sâu dưới lòng đất của hai tấm bê tông cốt thép (giữa trụ 13, 14) và vị trí 1b - dưới đống sắt thép còn lại gần trụ 14. Tuy nhiên, việc tìm kiếm suốt ngày 2/10 không có kết quả. Công việc trở nên khó khăn hơn vì đêm hôm trước trời mưa to kéo dài. Lực lượng cứu hộ phải vừa tiến hành bơm nước mưa ra khỏi hố sâu vừa tiếp tục dùng máy đào bới để tìm kiếm thi thể nạn nhân.
Ngay từ sáng sớm, lực lượng cứu hộ phải thay đổi việc tìm người mất tích bằng cách dùng máy đào đất với tốc độ chậm tại vị trí 2a. liên kết thép giữa hai tấm bê tông bị đứt và một trong hai tấm có hiện tượng bị xô. Để đảm bảo an toàn, chiều cùng ngày Ban chỉ đạo đã phải cho tạm dừng việc tìm kiếm.
Cũng trong ngày 2/10, Chánh Văn phòng Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Công, cho biết, Bộ đã đưa 59 cán bộ và công nhân kỹ thuật đến thực hiện công tác cứu nạn thay thế những người đã rời bỏ hiện trường. Cụ thể, có 25 công nhân công ty 620 (Tổng công ty xây dựng xây dựng công trình giao thông 6), 24 công nhân Công ty cầu 3 (Tổng công ty xây dựng cầu Thăng Long), 10 công nhân thuộc Công ty TNHH Thảo Thuận.
Liên danh nhà thầu TLC-Cienco6-Cienco8, thuộc đơn vị thi công gói thầu số 1 cũng điều động thêm các công nhân kỹ thuật đến tiếp tục hỗ trợ tham gia tìm kiếm, dọn dẹp hiện trường.Phía Bộ Tư lệnh công binh đã cử cán bộ đến khảo sát hiện trường và đồng ý giúp theo đề xuất của liên danh TKN sử dụng kỹ thuật vi nổ phá dỡ bê tông cốt thép, sau khi công tác tìm kiếm người mất tích kết thúc.
Tính đến nay, theo thống kê đã có 50 người chết, 81 người bị thương và 3 người mất tích trong thảm họa này.
(Theo VnExpress)