Từ lâu, trong các nghiên cứu về môi trường, các nhà khoa học thế giới đã miêu tả một hiện tượng ô nhiễm không khí đặc biệt, dưới tên gọi smog - sương khói (ghép hai từ tiếng Anh fog - sương mù và smoke - khói). Theo đó, smog được định nghĩa là "lớp mù quang hóa gây ra bởi sự tương tác giữa bức xạ cực tím của mặt trời và bầu khí quyển bị ô nhiễm bởi các hydrocarbon và ôxít nitrogen thoát ra từ khí thải động cơ”.
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ khẳng định, "sương trắng" xảy ra tối 25/6 ở Hà Nội là một hiện tượng chưa từng xảy ra. Theo nhận định của ông Tăng, hiện tượng đó không phải là sương hay khói tạo thành. Nguyên nhân của hiện tượng “sương trắng” bao phủ thành phố có thể là do sau mấy ngày nắng nóng, hơi nước ngưng tụ từ các hồ theo gió tràn vào đường phố. Ông Tăng giải thích: “Trong tuần qua ở Hà Nội có nắng nóng gay gắt, nhiệt độ lên tới 38-39 độ C và kéo dài tới 5-6 ngày liền. Do nắng nóng kéo dài nên nhiệt độ nước ở các hồ cũng rất cao (32-33 độ C), bốc hơi tăng cường. Lượng hơi nước trên mặt hồ luôn duy trì ở mức cao. Vào tối 25/6, những đám mây đen xuất hiện, nhiệt độ giảm nhanh đã làm cho không khí trên mặt hồ trở nên bão hòa, ngưng tụ lại thành những đám mây mỏng trông tựa như như sương trắng".
Sương mù bao phủ Hà Nội. |
Tiến sĩ khoa học Nguyễn Duy Chinh, Phó viện trưởng Viện Khí tượng thủy văn, lại giải thích theo cách khác. Tiến sĩ Chinh cho rằng, hiện tượng khói bao phủ các tuyến phố Hà Nội ngày 25/6 là bắt nguồn từ việc khu vực đồng bằng sông Hồng đang trong mùa thu hoạch, trên các cánh đồng thuộc các tỉnh Hải Dương, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, người dân đồng loạt đốt rạ. Khói thổi vào Hà Nội, đúng vào lúc đó, điều kiện khí tượng của khu vực Hà Nội ổn định nên khói không thể thoát được mà cứ lẩn quẩn trên đường phố. Ông Chinh khẳng định: "Chắc chắn, hiện tượng này có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Khí thải là CO2 nên ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp". Ông Trần Thục - Viện trưởng Viện Khí tượng thủy văn cũng đồng ý với cách giải thích này.
Như vậy, để đi đến kết luận nguyên nhân chính xác và hậu quả đối với sức khỏe con người của hiện tượng "sương trắng", thì phải chờ những nghiên cứu tỉ mỉ hơn, căn cứ vào những chỉ số môi trường ghi nhận được vào thời điểm đó. Đáng tiếc là khi hiện tượng lạ xảy ra, Trạm quan trắc môi trường đô thị và khu công nghiệp (Đại học Xây dựng Hà Nội) lại không hoạt động do đang trong thời gian tạm nghỉ để bảo dưỡng...
Giáo sư Nguyễn Năng An - chủ tịch Hội Hen Dị ứng miễn dịch lâm sàng, nói: “Sương khói” chính là kết quả của ô nhiễm môi trường. Thành phần chính của khói là khí CO cùng với các tạp chất khác có trong bụi, khói động cơ. Hiện tượng này chưa thể hết ngay trong 2-3 ngày tới. "Sương khói" gây hại cho sức khỏe, đặc biệt có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp. Ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân gia tăng các bệnh về đường hô hấp ở trẻ em và người lớn trong thời gian gần đây.
TS Ngô Quý Châu - Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng: Chưa thể nêu chính xác về thành phần của "khói" nhưng chắc chắn là không tốt cho sức khỏe, dù có thể không phải là những tác động xấu thấy ngay trước mắt. "Khói" tác động trước hết đến bệnh nhân mắc các bệnh về hô hấp (viêm phổi, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...) từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến các hệ khác như tim mạch. Nếu thời tiết thuận lợi hơn (có mưa, gió, bớt nắng nóng) có thể cải thiện được hiện tượng "khói" này.