- Chị bắt đầu tuổi trẻ của mình bằng những mơ mộng trong thế giới truyện ngắn trên các báo, đặc biệt là "Áo Trắng", còn bây giờ, chị là người như thế nào?
- Cũng vậy thôi, luôn luôn mơ ước về những điều gần gũi, tốt đẹp, và luôn mong muốn đem nó đến với mọi người. Giấc mơ nhà văn không còn, nhưng công việc nhà văn thì vẫn đấy. Tôi vẫn viết và dịch đều. Vài ba tiểu thuyết đã dịch xong nhưng chưa công bố.
Ai cũng biết, trở thành nhà văn thật không dễ dàng, nó cần rất nhiều thời gian và tâm sức. Tôi đành mang giấc mộng văn chương vào trong công việc biên tập và dẫn chương trình của mình, hy vọng bằng kinh nghiệm ấy, tôi luôn tìm được sự sẻ chia và đến được với mọi người.
- Với nhiều người bây giờ, văn chương là cái gì đó xa xỉ, mơ hồ. Chị không sợ các chương trình của mình sẽ như vậy sao?
- Những chương trình mà tôi làm thường xuyên như Thay lời muốn nói, Trò chuyện cuối tuần đều cần sự tương tác và ngẫu hứng. Không có sự tương tác trực tiếp đến nhu cầu người xem. Thay lời muốn nói tất sẽ không hiện diện và không tìm được sự đồng cảm lâu như thế. Không có sự ngẫu hứng thì Trò chuyện cuối tuần sẽ khô khan, nhàm chán.
Tôi không nói đến sự tương tác và ngẫu hứng sinh ra từ kinh nghiệm văn chương, mà chính niềm yêu thích văn chương đã giúp tôi nhanh nhạy hơn trong hai khả năng này.
![]() |
MC Quỳnh Hương. |
- Vậy mà đôi khi có những cuộc trò chuyện đơn điệu, nhàm chán, chị nói sao đây?
- Điều ấy là đương nhiên. Trò chuyện là gì? Là một người gặp một người, hoặc một người gặp nhiều người. Nó sẽ thú vị, ngẫu hứng khi phía đối diện cũng thú vị, ngẫu hứng. Có những người rất nhiều thành tích nhưng không thích trò chuyện, hoặc không biết trò chuyện, gặp thì đương nhiên cầm chắc sự thất bại.
Cách làm việc của tôi chỉ đọc kịch bản trước, khi ra phim trường thì làm luôn, chứ không thích gặp "đối tượng" trước. Có khoảng 20 cuộc trò chuyện chỉ dừng lại ở mức "hoàn thành nghĩa vụ", 5% thất bại hoàn toàn, vì người đối diện mình quá khép kín. Khi ngồi trước phim trường, họ chẳng muốn nói điều gì nữa. Nhưng như vậy cũng có nghĩa là 75% còn lại là những cuộc trò chuyện hấp dẫn đấy chứ!
- Trong số 5% thất bại ấy, ngoài lý do người đối diện quá khép kín, chị có bao giờ tự vấn bản thân mình?
- Có những nhân vật thành công ngoài dự kiến, vì trước khi gặp, tôi nghĩ là sẽ thất bại, và ngược lại. Tất cả những gì bất thường đều làm người trong cuộc dằn vặt, suy nghĩ và lo lắng cả. Chương trình là của cả ê kíp, từ đạo diễn, người làm kịch bản, biên tập, quay phim, âm thanh, ánh sáng, MC... nhưng cái cảm giác không thành công hình như bị dồn về phía MC nhiều nhất.
Cũng đúng thôi, khán giả đâu có thấy cả ê kíp suốt 2-3 tiếng đồng hồ quần quật trong phim trường, mà chỉ thấy mỗi MC và khách mời nói chuyện qua lại trong vòng 45 phút. Nhiều câu hỏi mình định đưa ra để tạo sự hài ước, nhưng người đối diện không hiểu nên cứ phớt lờ đi, đâm ra mình lại trở thành vô duyên. Những lúc như thế, khi về nhà, tôi hay ngồi trước gương, ngẫm lại mình. Tập đưa ra những cách giải quyết vấn đề sao cho khéo léo hơn, điều mà ngay tức thời lúc đó tôi không phản xạ kịp. Và thế là lần sau có gặp lại, chắc chắn tôi không bị... thất bại nữa rồi.
- Quen dẫn dắt chương trình theo nhịp điệu của mình, có bao giờ chị bị MC khác dẫn dắt?
- Có một lần, vào dịp Tết năm ngoái, khoảng 15 phút, khi tôi "bị" trở thành nhân vật của chương trình quen thuộc mà tôi vẫn dẫn dắt hàng tuần. Theo đánh giá của tôi thì đây là lần xuất hiện không mấy thành công, vì người hỏi không có đủ sự khơi gợi, với lại tôi cũng thấy bối rối khi vai trò này bị thay đổi.
Đấy cũng là lần tôi gặp sự nhớ đời. Có một số người khi xem xong, viết thư, rồi viết bài gửi báo mắng tôi thế này thế nọ... Tóm lại là họ quy kết tôi lợi dụng "Đài nhà" để lăng xê bản thân. Làm sao tôi "tự đánh bóng" được, khi bản thân tôi đâu phải là người sản xuất chương trình ấy? Ấy vậy mà những lời có gai đầy ác ý ấy đã làm tôi đau nhói hàng tuần.
- Những điều dễ thấy là chị thường hoa mỹ, điệu đà trong cách dẫn chương trình, chị cố tình tạo cho mình phong cách đó hay là bản tính của chị ngoài đời?
- Tôi không biết, dù hồi tôi mười mấy tuổi, ông xã tôi bây giờ, thời đó là thày tôi, đã đặt cho tôi biệt danh "Tí điệu". Vậy điệu chắc chắn là... bản chất của tôi rồi. Nhưng thực ra, phụ nữ mà, không điệu mới là có vấn đề.
Tôi luôn cố gắng sống và ăn nói một cách chân thành, không sử dụng kỹ xảo, hoa mỹ hay các mỹ từ. Tuy vậy, cuộc đời thì quá rộng lớn và mỗi người một quan điểm đánh giá, làm sao chu toàn được. Nhưng tôi học cách im lặng, để tự hoàn thiện mà bước đi...
- Trong nghề văn chương và MC, chị thích ai?
- Hai nghề này có nhiều điểm tương đồng lắm, đặc biệt là sự trải lòng mình ra cho mọi người nhìn ngắm, chia sẻ, lòng tôi sao, tôi đã thể hiện ra vậy. Tôi thích văn chương "truyền thống" - tức là các ấn bản, mua ở nhà sách, hơn là đọc văn chương trên mạng. Các ấn bản dù sao cũng đã qua những khâu kiểm duyệt tương đối khắt khe, còn văn chương trên mạng... xin lỗi, có nhiều tác phẩm đọc không chịu nổi. Có lẽ tôi bị lỗi thời rồi. (cười)
Tôi nể phục Phan Thị Vàng Anh và Nguyễn Ngọc Tư. Cả đời mình viết cũng không bằng một phần những gì mà hai phụ nữ này đã viết ra. Còn nghề MC thì tôi chịu ảnh hưởng từ ba người đàn ông: Nguyễn Văn Hiên, Lại Văn Sâm và Thanh Bạch. Nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, họ là những người thày của tôi. Tôi nể phục nhất thày Bạch, thày là "vua" xử lý các tai nạn.
- Nếu ở thời không có truyền hình và chưa có nghề MC, chị nghĩ tên tuổi mình sẽ như thế nào nhỉ?
- Cuộc đời mà, làm sao nói tới chữ nếu. Không có nghề MC thì chắc chắn cũng không có người đi phỏng vấn MC, và cũng không có luôn câu hỏi này. Nếu quả thật có nhiều điều như bạn nói, có thể tôi đã trở thành nhà văn, nhà báo, một người làm công việc dịch thuật... lĩnh vực nào cũng có "sự ồn ào và im lặng" của nó cả.
À không, có lẽ tôi đã theo nghiệp ca hát, hay theo kịch nói chuyên nghiệp không chừng. Hồi học sinh, sinh viên "giàu năng lượng", tôi cũng đã kịp làm một số chuyến phiêu lưu nghiêm túc vào hai lĩnh vực này, cũng kịp gặt hái một số thành công giải thưởng lớn nhỏ mà!
Như vậy, nhiều khả năng tôi vẫn... trở thành một người của công chúng. Tính tôi không thích sự bình lặng. Hồi trẻ hơn bây giờ, tôi vẫn luôn muốn tự chinh phục những lĩnh vực mới. Còn bây giờ, có lẽ quá lu bù với công việc, mà công việc lại quá chừng hấp dẫn và luôn mới mẻ, không ngày nào giống ngày nào, làm sao tôi còn tâm trí nào chinh phục thêm gì!
- Còn về nhận xét: "Quỳnh Hương gặp ai cũng tự tin thấy ớn", chị giải thích thế nào?
- Tôi chưa nghe ai nói qua câu này trước mặt tôi. Thực sự, có được sự tự tin khi đứng trước mọi người, điều đó có gì là xấu! Còn đỡ hơn cả cảm giác "gặp ai cũng tự ti thấy ớn!". Sự tự tin ấy, nếu có, là được tích lũy từ mấy nghìn giờ tôi ngồi đọc thư của Thay lời muốn nói, lắng nghe nỗi lòng của thiên hạ, phải đi vào các khía cạnh rất riêng tư, và cũng phải tỉnh táo để nhận ra đâu là thư chân thật, đâu là hư cấu.
Có những lá thư do con gái viết gửi bố, chồng viết cho vợ với tất cả sự đau khổ, dằn vặt, tan nát... Đọc xong, lòng mình cũng xót đau không kém. Sự tự tin ấy, nếu có thì nên được sửa lại là "tự tin đáng quý" chứ không phải là "thấy ớn" rồi (cười).
- Có khi nào chị tự trả lời những câu hỏi do chính mình đặt ra?
- Làm gì có thời gian để nghĩ ra những chuyện giật gân kiểu ấy. Hộp thư và email lúc nào cũng đầy ắp những câu chuyện, câu hỏi cần phải trả lời. Tôi phải tranh thủ đọc liên tục để lựa ra những hoàn cảnh có mẫu số chung đưa lên sóng, còn những hoàn cảnh quá cá biệt, cũng đành chịu thôi. Tôi không đủ tư cách, không đủ vốn sống và không đủ thẩm quyền để đưa ra lời khuyên riêng tư cho bất kỳ trường hợp nào. Cứ bày ra vậy thôi, để mọi người cùng chia sẻ.
- Giả sử một ngày kia, chồng chị gửi thư đến chương trình "Thay lời muốn nói" để phàn nàn về chính chị thì chị sẽ làm thế nào?
- Vì sao bạn lại dùng từ "phàn nàn"? Thay lời muốn nói cũng là bày tỏ thương yêu mà. Nhưng thôi, bạn đang giả sử... thì tôi cũng chấp nhận trò chơi "giả sử" này. Nếu quả như vậy, hẳn đấy là một ngày mà tôi sợ hãi nhất. Xưa nay có gì không vui tôi đều trút lên anh, anh gồng gánh hết. Khi bị khán giả trách oan là dùng sóng truyền hình để lăng xê bản thân, tôi đã bị sốc kinh khủng... Và cũng chính anh là người phân tích, khuyên nhủ và chia sẻ.
Tôi là người hay khóc. Đã hơn một nghìn lần, ông xã chứng kiến tôi khóc, mà... không lần nào giống lần nào. Nhiều khi anh cũng hoảng, không biết làm sao khóc ghê thế. Tuy nhiên tôi cũng nóng tính, dễ xúc cảm... như một giọng cao trong bản hòa âm, còn ông xã như bè trầm và rất bình ổn.
- Có nhiều cách để giải quyết muộn phiền trong cuộc sống, chị lại chọn cách khóc - một biểu hiện của sự yếu đuối. Chị lý giải sao về điều này?
- Tôi không chọn. Khóc là nét di truyền từ mẹ, có ở đủ bốn chị em gái chúng tôi. Phụ nữ có hiện đại đến đâu, họ cũng là con người với đầy đủ rung cảm và đặc tính tâm lý của phụ nữ. Tôi khóc đấy, nhưng sau cơn khóc, tôi trở nên "lì đòn" hơn nữa. Khóc là để giải tỏa cơn bức xúc tức thời, cho nhẹ lòng. Khi lòng vơi bớt, tôi lại càng gan lì chiến đấu tiếp.
Chương trình Thay lời muốn nói phiên bản mới này đi mới được 5 kỳ mà đã lấy của tôi hàng lít nước mắt. Nhưng có ai thấy nó bị đình trệ lại đâu? Hình như với tôi, khóc vừa để giải tỏa, vừa để "sạc" lại năng lượng hay sao ấy!
- Nhưng hơn một nghìn lần khóc trước mặt chồng thì "mít ướt" quá. Nhiều đàn ông có lúc sẽ chán nhìn thấy vợ mình khóc vì nó như chuyện cơm bữa, chị nghĩ sao?
- Chính ông xã khuyên tôi là khi nào muốn khóc thì cứ khóc, đừng kìm nén mà bị stress. Lâu lâu không thấy tôi khóc, ông xã lại đùa: "Em sắp giống phụ nữ lạnh lùng thời nay rồi đấy!".
- Chồng chị (nhà báo Nguyễn Quang Thông) đang giữ trọng trách bên báo Thanh Niên, sao chị không bớt việc để lui về hậu phương?
- Vấn đề là ở chỗ đấy. Tử vi nói tôi là người tham công tiếc việc, ở không một vài ngày là không chịu nổi, muốn quậy quọ lên, dễ nảy sinh chuyện. Ông xã biết điều ấy nên chưa bao giờ bảo tôi bớt việc, trừ khi đau ốm. Nhưng cái nghề này khó nói trước lắm.
Tôi luôn phải làm việc với người mới, việc mới nên mắc bệnh nghề nghiệp mau nhớ mau quên. Nhiều người gặp lại, rõ ràng thấy quen quen mà gọi không nổi tên. Tôi vừa hoàn tất việc học Trung cấp lý luận âm nhạc. Chương trình Thay lời muối nói do tôi biên tập đang chập chững những bước đầu tiên của phiên bản mới, truyền hình trực tiếp hàng tháng, bắt đầu nhận được sự quan tâm của khán giả. Còn lu bù công việc lắm!
![]() |
Quỳnh Hương cùng ông xã và con trai. |
- Chị cảm thấy thế nào với cả đống công việc như thế?
- Luôn luôn mệt mỏi! Nhiều lúc muốn bỏ cuộc, vì mình đâu phải làng nghệ sĩ nhưng lại chạy show suốt ngày, rồi việc cơ quan, việc nhà... chiếm hết tâm sức. Tuy vậy, đời người cũng giống như sức ngựa. Chạy mệt thiệt, nhưng dừng lại thì không còn ý nghĩa gì nữa. Con ngựa nằm, nghĩa là con ngựa đã hết đời của nó.
- Trong cuộc sống, chị buồn nhất điều gì?
- Làm sao nhớ hết. Nhà Phật nói "đời là bể khổ" mà, vui ít buồn nhiều. Nhưng điều quan trọng là ta luôn nhớ về những khoảnh khắc hạnh phúc, những phút vui. Nó giống như những mạch nước lộ thiên trong một vài cái ốc đảo, khi ta bước đi nhiều giờ trên sa mạc bỗng nhiên tìm thấy.
Những nỗi buồn của tôi là do tôi "xông xáo" mà vấp phải, chứ ít khi nào do những người mình yêu quý gây ra. Tôi rất kỵ nhắc lại tên của những nỗi buồn.
- Còn trong công việc?
- Thì buồn nhiều hơn nữa. Tôi tự hào là chưa chọc gậy vào bánh xe của bất kỳ ai, dù thỉnh thoảng vẫn bị người ta đá gót. Trong các nghề, MC là nghề đỡ bị đố kị nhất, vì công việc tương đối độc lập, cần sự trực tiếp, khó PR, tuyệt nhiên không "nói nhép", anh chị em đồng nghiệp cũng tương đối đoàn kết.
- Vậy điều gì làm chị băn khoăn nhất khi làm MC?
- Tôi cũng không biết nói gì thêm. Có lẽ đây là lần đầu tiên, tôi lên báo nói nhiều như vậy. Còn băn khoăn nghề nghiệp ư? Nhiều nhiều lắm! Đó là câu chuyện khác mà tôi sẽ nói trong một dịp khác.
(Theo Mỹ Thuật)