Năm ngoái, các nhà đầu tư chứng khoán ăn Tết với tâm trạng phấn khởi vì ai cũng trúng chứng khoán. Nhưng năm nay ngược lại, nhà đầu tư buồn xo vì túi tiền đã vơi đi theo sự giảm dần của chỉ số VN-Index. Hầu như không nhà đầu tư nào không lỗ, người “chạy” sớm lỗ ít, “chạy” chậm lỗ nhiều, nếu không chạy mà vẫn “ôm” cổ phiếu (CP) thì thấp thỏm không yên khi ăn Tết.
Thuộc những người đầu tư “chịu chơi” và thích chọn mua CP blue-chips, anh T., nhà ở đường Lạc Long Quân, quận 11, TP HCM đã gom góp vốn cộng với số tiền cầm cố căn nhà của mình để mua 5.000 CP FPT với giá 300.000 đồng. Theo anh T., thời điểm cuối tháng 6/2007 các nhà đầu tư xem ngưỡng 300.000 đồng là mức cản đối với FPT, CP được xem là “sao” của thị trường thời đó. Sau khi anh mua, CP FPT không những không tăng mà liên tục giảm. Tuy vậy, anh T. tự nhủ “lỗ thì bán ra làm gì, chắc vài phiên nữa sẽ lên lại thôi”.
Không như anh dự đoán, VN-Index tiếp tục rớt về ngưỡng 900 điểm. Như ngồi trên đống lửa vì lãi ngân hàng càng tăng mà số tiền đầu tư ngày càng vơi dần, anh T. quyết định bán ra khi FPT ở giá 250.000 đồng. Sau đó, thấy thị trường tiếp tục giảm, nên anh T. lại tiếc và mua vào 3.000 CP với giá 225.000 đồng. Nhưng “người tính không bằng trời tính”, hiện tại FPT đã rớt xuống còn 182.000 đồng. Kết cuộc, với hai lần mua FPT, anh T. lỗ tổng cộng gần 380 triệu đồng, chưa kể lãi ngân hàng.
Tính từ phiên giao dịch đầu năm 2007, chỉ số VN-Index đã mất 289,39 điểm, giảm từ 1.074,46 điểm xuống còn 785,07 điểm trong phiên 28-1. Tại sàn Hà Nội, HaSTC-Index mất đi 82,87 điểm, giảm từ 354,63 điểm xuống còn 271,76 điểm trong phiên 28-1. |
Hồi cuối tháng 10/2007, chị Ngọc Lan nhà ở đường An Dương Vương, quận 8 đã đón đầu SSI chuyển sàn từ Hà Nội vào TP HCM với kỳ vọng giá sẽ tăng không dưới 350.000 đồng nên ngay ngày đầu SSI giao dịch tại sàn TP HCM, chị đã đặt mua giá trần 300.000 đồng. Chị phấn khởi khi lệnh khớp ở giá 280.000 đồng. Nhưng từ đó đến nay, SSI liên tục rớt giá. Tại thời điểm này, SSI chỉ còn 136.000 đồng, so với vốn đầu tư ban đầu, chị Lan đã mất đứt hơn 230 triệu đồng. “Chắc năm nay không dám ăn Tết, chỉ mong qua Tết thị trường tăng chút đỉnh để gỡ lại vốn”, chị Lan hy vọng.
Thê thảm hơn thị trường chính thức, CP trên thị trường tự do (OTC) dường như đóng băng từ hơn nửa năm nay. Vào thời điểm thị trường đang nóng, anh Hùng, nhà quận Gò Vấp, đã mua 10.000 CP công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam với giá 45.000 đồng, dù công ty mới có quyết định thành lập chưa bao lâu. Chỉ hai tháng sau, CP này đã sụt mất nửa giá. Đã vậy, hiện nó không còn tính thanh khoản khi công ty này báo cáo không có lãi.
Anh .H, nhà ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, đang cố giữ 5 loại CP đang niêm yết trên sàn. Anh cho biết, do mua nhiều đợt khác nhau từ đầu năm 2006, (có những CP anh mua từ khi chưa lên sàn), nên đến nay anh có trong tay trên 30.000 CP SSI, gần 20.000 CP PAN (trên sàn Hà Nội), trên 10.000 CP FPT, hơn 20.000 CP VNM và 5.000 CP ITA. Nếu tính theo giá lúc mua thì anh lỗ không nhiều, nhưng nếu tính ở thời điểm mà các cổ phiếu này ở mức đỉnh cao và thời điểm hiện tại thì chỉ riêng SSI (giá cao nhất 300.000 đồng), anh đã mất đi hơn 5 tỷ đồng.
Còn với FPT, nếu chỉ lấy ở mức 400.000 đồng thì với số cổ phiếu đang nắm giữ, số tiền của anh đã giảm đi hơn 4 tỷ đồng. Nếu bán hết số CP trên ở giai đoạn thị trường hưng thịnh thì tiền của anh đã không vơi đi trên dưới 15 tỷ đồng. Anh tâm sự: “Dù không đầu tư kiểu “lướt sóng” mà đầu tư dài hạn, nhưng mỗi ngày nhìn giá CP cứ rớt dần mà thấy xót ruột. Kiểu này làm sao ăn Tết vui cho được”.
Một chuyên gia chứng khoán cho biết, hầu hết các nhà đầu tư năm qua thua lỗ do họ đều mua CP khi đang ở đỉnh. Không ít người trong cơn “say” chứng khoán đã cầm cố nhà cửa, cầm cố CP vay vốn ngân hàng nên đã lỗ lại càng thêm lỗ. “Thị trường chứng khoán VN không theo quy luật nào cả mà phần lớn phụ thuộc vào tâm lý. Chưa kể chính sách luôn “chạy theo đuôi” khiến thị trường luôn bị xáo động. Kết quả, nhà đầu tư lĩnh đủ", chuyên gia này nhận định.
(Theo Người Lao Động)