Hoàng Nguyễn
Sau những tác phẩm về đề tài hiện thực xã hội thành công như “Đời callboy”, “Chuyển giới”, “Chênh vênh hai lăm” hay “Một giọt đàn bà”, tôi thực sự thích những cảm xúc mới được tác giả truyền tải qua tác phẩm “Khóc giữa Sài Gòn”.
“Khóc giữa Sài Gòn” nói về xã hội hiện đại, nơi con người bị chi phối bởi vật chất, giá trị đạo đức bị đảo lộn và lòng tin trở thành thứ xa xỉ phẩm. Trong rất nhiều những vấn đề nóng được đề cập, thực trạng giới trẻ đang sống phụ thuộc vào thế giới ảo được nhắc đến đầy chân thực.
Ân, một nhân viên văn phòng chuẩn mực, sống như một cỗ máy lập trình sẵn, không mục đích và đam mê. Con đường Ân đi được gia đình định sẵn ngay từ khi bước chân vào đại học, sau khi ra trường phải đi làm ở đâu, làm công việc gì và vì đó mà chọn ngành học. Cuộc sống của Ân, nhưng lại không do chính Ân làm chủ.
Ân cô đơn như căn bệnh trầm kha của giới trẻ, chỉ biết sau khi đi làm về, chui rúc trong bốn góc phòng, sống với những gương mặt người được treo ngập phòng, biểu lộ những cung bậc cảm xúc khác nhau, cùng những bộ phim truyền hình rỉ rả bên tai. Thế giới thực của Ân chỉ gói gọn trong đó, và Ân tìm đến thế giới ảo như một cứu cánh.
Đọc “Khóc giữa Sài Gòn” nhiều người khẻ giật mình, nhận ra sao mà lại giống mình đến vậy. |
Sáng dậy, Ân vội vàng chụp ngay cái điện thoại thông minh để coi có ai bình luận hay nhấn like những tấm hình trên trang cá nhân của mình không. Hẹn café cùng bạn bè, Ân không còn nói chuyện, mà chỉ chăm chú nhìn ngó điện thoại, có ai bình luận gì lại phải trả lời để người ta thấy Ân quan tâm đến họ. Đi ăn, Ân phải cầm điện thoại chụp tấm hình để đăng lên trang của mình, ai hỏi ngon không liền trả lời là rất ngon dù thực chất chưa kịp đụng đến món ăn đã nguội lạnh ngoài đời thực. Bạn bè cũng từ đó mà cảm thấy không còn hứng thú để lôi kéo Ân vào những lần gặp mặt.
Ân cô đơn, lại càng cô đơn, và càng cô đơn ở cuộc đời thực, Ân lại càng bám víu vào cuộc sống ảo. Sống ảo, chưa chắc là một điều không tốt, vì thực tế chứng minh đã có những mối quan hệ bắt nguồn từ ảo đã trở thành rất đẹp trong đời thực. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng khi để những giá trị ảo chi phối quá nhiều đến cuộc sống của mình, con người ta sẽ phải đối mặt với nhiều điều rất kinh khủng.
Bên cạnh đó, đan xen là những câu chuyện của những người trẻ với nhiều cung bậc cảm xúc đan xen. Đó là Phan, chàng trai trở về từ phương xa với tham vọng đạt được các thứ hạng cao trong xã hội. Đó là Mễ, người đàn bà nghiên cứu tâm lý người ta để rồi giật mình hoảng sợ chính những thứ mình tìm ra được. Đó là Tú, gã tác giả nhìn đời bằng con mắt dửng dưng, chán nản nhưng thực tế, lạnh lùng. Là Thụy, chàng trai tỉnh lẻ cứ mãi chơi vơi giữa hai bờ giới tính. Và đó là Nam, vẫn còn mãi lạc trong miền đau xa xăm nào.
Vẫn giữ cho mình văn phong bình thãn, không hoa mỹ, đặc biệt là việc khai thác những chi tiết rất nhỏ trong hành động để bộc lộ nội tâm nhân vật, “Khóc giữa Sài Gòn” hứa hẹn có thể làm cho người đọc phải khóc theo những số phận trong trang sách.
Bên cạnh đó, trước việc gắn mark 16+ cho sách, cũng như câu khuyến cáo “Không đọc sách lúc cô đơn, buồn chán” gây nhiều tò mò cho độc giả, tác giả Nguyễn Ngọc Thạch chỉ mỉm cười và cho biết, “Đây là lời khuyên chân thành từ tôi, và tôi nghĩ đó là điều cần thiết đối với cuốn sách này”.